Một lần, lúc đang ngồi ăn sáng ngoài trời, tôi tình cờ bắt gặp cậu con trai mới lên ba của tôi đang cố gắng thơm… một con kiến. Thấy mẹ phát hiện ra, cu cậu hớn hở chìa tay khoe “con kiến đến thăm con”. Theo phản ứng tự nhiên, tôi chực thổi phù đi thì thằng bé vội rụt tay lại, bảo mẹ đừng, vì “nó là một sinh vật và là bạn của con”.
Nhìn thằng bé say mê chơi với con kiến đen vô hại trong tay, tôi mỉm cười nghĩ về thế giới cổ tích của con và không khỏi ngậm ngùi nghĩ về thế giới mình đang sống.
"Đây là máu của cây phải không mẹ?", các con tôi hỏi. (Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Lưu)
Bao nhiêu cây xanh đã bị đốn hạ để chiều chuộng những sở thích xa xỉ của con người? Bao nhiêu loài vật đã biến mất chỉ để thoả mãn những ham hố vô biên của con người? Suốt ngày cắm mặt vào đời sống bận rộn bao nỗi lo toan, có lẽ không mấy người còn nghĩ đến những câu hỏi vốn mang ý nghĩa sống còn với Mẹ Trái Đất nhưng đã trở nên cải lương vì sự thờ ơ của chính chúng ta.
Mấy năm gần đây, chúng ta kêu gọi tắt điện một giờ đồng hồ để ủng hộ Giờ Trái Đất, nhưng chắc không phải ai cũng hiểu rằng, một giờ đồng hồ ấy chỉ mang tính tượng trưng. Mẹ Trái Đất cần được quan tâm nhiều hơn thế.
Berkeley (Mỹ), thành phố nơi tôi sống nổi tiếng với những tree-sitters cực đoan - những người đã thay nhau sống trên cây suốt 21 tháng trời chỉ để bảo vệ chúng khỏi bị chặt. Một lần, gia đình tôi được Rachel và David, cặp vợ chồng người Mỹ trạc tuổi tôi mời đến nhà ăn tối và họ đã khiến tôi kinh ngạc vì sự hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm giấy công nghiệp. Tôi không thể tìm thấy bất kì mẩu giấy ăn hay khăn giấy nào trong nhà của họ. Ngay cả cậu con trai 9 tháng tuổi của họ cũng không dùng tã giấy, vì Rachel cho rằng: việc tiêu thụ những sản phẩm ấy cũng là một cách gián tiếp tàn phá môi trường. Họ vui vẻ chấp nhận bỏ qua những sản phẩm tiện nghi nhỏ nhặt ấy để bảo vệ môi trường.
Ở Berkeley, vài năm nay, người ta ban bố luật không được sử dụng túi nilon trong các siêu thị và chợ búa. Mọi người được khuyến khích mang những chiếc túi đi chợ riêng để sử dụng, nếu không, bạn phải bỏ tiền mua túi giấy.
Cũng ở Berkeley, tôi học lại bài học về sự hào phóng của thiên nhiên qua những bóng cây rợp lá, những vườn hoa khoe sắc quanh năm, những chiếc ghế gỗ mát rượi ở công viên hay những ngôi nhà gỗ xinh xắn, ấm cúng. Khi con người biết trọng đãi thiên nhiên, thiên nhiên nào có tiếc gì.
Nếu bạn đã đọc cuốn sách The Giving Tree của tác giả Shel Siverstein, chắc bạn sẽ hiểu những hiến dâng im lặng của cây cũng chẳng khác gì những hi sinh âm thầm của mẹ cha cho con cái.
Câu chuyện kể về một đôi bạn là một cậu bé và một cái cây luôn quấn quýt bên nhau suốt thời thơ ấu của cậu. Rồi khi cậu bé lớn lên, cậu đến bên cây buồn bã vì muốn có tiền. Cây bảo cậu hái quả, bán đi sẽ có tiền. Cậu hái quả rồi đi mất. Một ngày trở về, cậu lại ngồi bên cây buồn bã vì muốn có nhà riêng. Cây lại bảo cậu đừng buồn, cứ cắt cành lá của cây mà làm nhà. Cậu bé ngày xưa hăm hở cắt cành cây làm nhà mới rồi biệt tăm. Chỉ đến khi buồn, cậu mới trở về gốc cây xưa. Lần này, cậu muốn có một cái thuyền để đi xa xem thế giới. Cây bảo cậu cứ lấy thân cây làm thuyền. Khi cậu giong buồm đi xa cũng là khi cây chỉ còn trơ lại gốc.
Rồi một ngày, cậu bé (lúc đó đã là một ông lão già nua) buồn bã quay trở về bên cây. Cây tiếc rằng không còn gì cho cậu nữa, không còn bóng mát, không còn quả ngọt, không còn cành lá để cậu vui chơi. Nhưng cậu bảo giờ đây chỉ cần một chỗ ngồi ngơi nghỉ. Cây trơ lại gốc vẫn sung sướng mời cậu ngồi lên cái gốc trơ trọi của mình nghỉ…
Mỗi sáng thức dậy cùng mặt trời, mỗi giây phút hít thở khí trời, chúng ta đang tận hưởng thiên nhiên, vậy thì chúng ta cũng tiếc gì vài hành động nhỏ để bảo vệ môi trường chúng ta đang sống. Hạn chế tối đa sử dụng túi nilon, trồng và chăm sóc cây xanh dù không phải ngày Tết trồng cây, tắt những bóng đèn không cần thiết dù không phải Giờ Trái Đất…, những việc nhỏ nhặt đó cũng là một cách để chúng ta thể hiện sự quan tâm đến Mẹ Trái Đất thân yêu.
Viết đến đây, tôi chợt liên tưởng đến những hàm ý sâu xa trong câu nói của nhà khoa học Alan Turing trong bộ phim The Imitation Game: máy móc có biết suy nghĩ như con người không? Có, nó nghĩ theo một cách khác biệt với cách của con người thôi. Thiên nhiên cũng thế, nó cũng có linh hồn riêng của nó, tiếng nói riêng của nó. Mỗi cái cây đều có tâm hồn mà hoa lá là buồn vui.
Quan sát lũ trẻ con, tôi thấy chúng yêu vạn vật xung quanh bằng một thứ tình yêu rất bản năng. Không ai dạy mà cứ mỗi lần đi học ngang qua hàng cây, hai đứa trẻ nhà tôi lại ôm chầm lấy những cái cây và nói: tớ yêu cây! Nếu tình cờ nhìn thấy gốc cây trơ lại của một cái cây nào đó bị chặt, hai đứa trẻ nhạy cảm lại mân mê dòng nhựa ứa xuýt xoa hỏi: đây là máu của cây phải không? Vì sao cây bị chết? Thế đây là cây bố, cây mẹ hay cây con?
Trước những câu hỏi của con, nhiều lúc tôi tự thấy mặc cảm vì những kinh nghiệm sống đã xoá mòn đi những nhạy cảm trẻ thơ mà tôi tin ai trong chúng ta cũng từng có. Cả tôi và bạn đều mang trong mình tình yêu bản năng với Mẹ Tự Nhiên, chỉ là chúng ta đang quên lãng nó vì những bận bịu đời thường. Trước khi tắt đèn ủng hộ Giờ Trái đất hay những phong trào tương tự, nên chăng bạn và tôi cùng dành vài phút nghĩ về Mẹ Tự Nhiên, để hành động ấy thực sự là một hành động có ý thức tự thân!
Nguyễn Thị Thanh Lưu
(VietNamNet)
- Khu tập thể C5 Quỳnh Mai (Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng
- TPHCM hồi sinh những dòng kênh "chết"
- Đổ lỗi cho... cây
- Đà Nẵng - Dấu ấn đặc sắc về những cây cầu
- Hãy bảo tồn biệt thự cũ tại Hà Nội
- Đô thị hóa Hà Nội qua cuốn sách ảnh của chuyên gia Đức
- Ôi cây xanh Hà Nội!
- Chuyện Hà Nội: Dang dở sông Tô
- Tham nhũng vỉa hè
- Sài Gòn, thời của những biểu tượng thất truyền