Hình như có một quy luật, mỗi thành phố có bề dày lịch sử - văn hóa thường gắn liền với một dòng sông. Quan niệm phong thủy ở Việt Nam nôm na là: “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Con sông của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi chính là dòng sông Tô Lịch. Dòng sông cổ nghe nói bắt đầu từ Bến Nứa vòng qua phố cổ rồi dọc theo phố Quán Thánh, đường Phan Đình Phùng đổ qua Bưởi, vòng xuống Cầu Giấy, Ngã Tư Sở về Kim Giang, qua cầu Lủ trước khi nối với Nhuệ giang.
25 năm trước, tôi được đi nhờ thuyền nan của một người đánh cá làm chuyến chu du dọc sông Tô. Thời ấy sông còn rộng gấp đôi, gấp rưỡi bây giờ. Tôi nhớ thuyền chèo đi giữa dòng nước trong veo, hai bên là những vạt cỏ dại, những bè rau muống, rau rút… Chốc chốc lại thấy một cái vó bè cất cá tôm.
15 năm trước, sông bắt đầu ô nhiễm, tôi ngơ ngẩn tiếc hình bóng những chiếc thuyền câu, và nhìn những chiếc vó bè chơ vơ bốn gọng giương lên trời như những cánh tay kêu cứu. Kêu cứu cho dòng sông. Sông Tô ngày một bé dần khi tất cả đất thải gạch đá, vôi vữa được đổ xuống dọc sông cả đôi bờ. Có nơi, người ta san bờ sông để cơi nới vườn và trồng rau màu. Thành phố phát triển, quá trình đô thị hóa đã biến sông Tô thành cái mương nước thải khổng lồ. Ngày ngày dân thành phố sống và đi bên dòng nước đen ngòm bốc mùi khó chịu. Cá tôm không còn sống được trên sông. Sông không còn tôm cá, nước sông không thể sử dụng tưới mùa màng hay đơn giản để tắm mát thì không còn là… sông. Báo chí lên tiếng kêu cứu cho sông Tô. Người Hà Nội đau lòng nhìn dòng sông đẹp ngắc ngoải chết.
***
Thành phố như bừng tỉnh khi biết sông đang chết… Có lúc người ta định cống hóa sông Tô ở những đoạn đẹp nhất để làm dịch vụ và làm bãi trông giữ ô tô. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng lúc ấy là ông Nguyễn Hồng Quân thì có thể sông Tô đã bị “bức tử”.
Hàng ngàn tỷ đồng đã được đổ vào sông để nạo vét lòng sông, rồi kè đôi bờ bằng những tấm bê tông. Đề án “Cải tạo môi trường, cảnh quan, xây dựng các cơ sở dịch vụ công cộng, du lịch trên sông Tô Lịch” đã được triển khai. Dân thành phố khấp khởi mừng hụt vì ngỡ rằng sông Tô sẽ sống lại nhờ nguồn nước lấy từ sông Hồng đổ vào phục sinh dòng sông. Người ta lại mơ cỏ đôi bờ lại mọc, rong rêu lại xanh, và cá tôm lại về vùng vẫy. Những cây cầu bắc qua sông sẽ được thiết kế lại kiểu cầu vòm và trên dòng sông xanh trong thơ mộng soi bóng hàng liễu đôi bờ. Và những chiếc thuyền buồm chở khách du lịch sẽ xuôi ngược cho du khách ngắm Hà Nội từ đường thủy…
Thực tế, sau khi cải tạo, dòng sông không còn bị lấn chiếm, tắc nghẽn như xưa, nhưng nhìn lại sông Tô bây giờ dễ hình dung đó là một cái mương nước thải khổng lồ của thành phố. Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp vẫn chảy vào sông. Đoạn dưới Cầu Mới vẫn thấy nước thải mang theo bọt trắng đổ ra kín cả mặt sông, nước sông vẫn màu đen và cá tôm không trở lại… Những cái bè thủy sinh làm vô duyên dòng sông hơn.
Vậy là thành phố đem một đống tiền đổ xuống sông Tô nhưng không cứu nổi con sông lịch sử. Đời sông như dang dở không biết vì đâu… Nếu có dự án giai đoạn 2 cho sông Tô, hãy nghĩ đến đầu tư tạo nguồn cung cấp nước sạch nuôi sông. Hãy cứu lấy nước sông Tô bằng hành động thiết thực để rong rêu tôm cá trở về. Xin đừng cống hóa, dẫu một mét nào của con sông lịch sử…
Tân Linh
(Thể thao & Văn hóa)
- Đà Nẵng - Dấu ấn đặc sắc về những cây cầu
- Hãy bảo tồn biệt thự cũ tại Hà Nội
- Bao nhiêu cây bị đốn vì sự xa xỉ của chúng ta?
- Đô thị hóa Hà Nội qua cuốn sách ảnh của chuyên gia Đức
- Ôi cây xanh Hà Nội!
- Tham nhũng vỉa hè
- Sài Gòn, thời của những biểu tượng thất truyền
- Sài Gòn xưa: Hồn trăm năm cũ
- Từ bảo tàng Nông công thương nghiệp đến trường Mỹ thuật Đông Dương
- Những công trình thay đổi diện mạo TPHCM trong năm 2015