Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Phản biện Cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh": Khó khả thi

Cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh": Khó khả thi

Viết email In

Sau dự án ồn ào sử dụng thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor, JVE lại đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh". Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng việc này khó khả thi.

Mới đây, CTCP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã có văn bản gửi Thành ủy, UBND TP Hà Nội đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề trước mắt đó là phải làm sạch sông trước khi tính đến du lịch.


Phối cảnh Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch mà CTCP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) vừa đề xuất

Rất khó triển khai thực tế

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ - Chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), mục tiêu lớn nhất hiện tại là xử lý ô nhiễm, cải tạo con sông bởi 10 năm qua, Hà Nội nhiều lần lên kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng chưa lần nào thực sự hiệu quả, phải xử lý triệt để nguồn nước thải sinh hoạt trước khi đưa dòng sông trở lại hoạt động. Một vấn đề nữa là phải bổ cập nước cho sông để hỗ trợ làm sạch thêm và đảm bảo dòng chảy tương đối.

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, JVE đã có sự ồn ào khi sử dụng công nghệ Nano - Bioreactor để làm sạch một đoạn sông Tô Lịch nhưng vẫn chỉ là giải pháp cục bộ, không hiệu quả.

Bên cạnh đó, với đề xuất lần này, phối cảnh sông Tô Lịch được kè thẳng đứng, kè đáy mở rộng lòng sông, bỏ mái cỏ, việc này là rất khó trong kỹ thuật triển khai thực tế.


Thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch của chuyên gia Nhật Bản bằng  máy Nano - Bioreactor  dưới sông Tô Lịch

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Khánh - Nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, cho rằng không thể thực hiện phương án kè đáy sông bởi việc này sẽ làm dòng chảy nhanh hơn, biến sông Tô Lịch trở thành một mương thoát nước, ngăn cản sự hình thành nước ngầm, tăng nguy cơ sụt lún.

Ông Khánh cũng cho biết, hiện UBND TP Hà Nội đang nghiên cứu theo hướng bổ cập nước sông Hồng qua Hồ Tây sau đó chảy sang sông Tô Lịch. Vốn dĩ, sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường. Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải.

Đề xuất phương án xã hội hoá

Trong nhiều năm qua, vấn đề làm sạch sông Tô Lịch liên tục được đưa ra bàn luận, tuy nhiên chưa một giải pháp nào thực sự có hiệu quả.


Một góc sông Tô Lịch nhìn từ trên cao


Hình ảnh sông Tô Lịch bỗng dưng xanh, sạch bất ngờ sau trận mưa kéo dài hồi tháng 7/2018

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đàm Văn Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phương Bắc cho rằng, việc cải tạo sông Tô Lịch nên được đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư có đủ tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm thực hiện dự án.

Ông Long cho biết, từ trước đến nay sông Tô Lịch đã được UBND Thành phố Hà Nội quan tâm cải tạo bằng các phương pháp nạo vét đáy sông, kè bờ để làm sạch và chống lấn chiếm. Tuy nhiên, do hệ thống nước thải của Thành phố đổ về sông ngày càng nhiều, làm cho dòng sông ngày càng trở nên ô nhiễm.

Sông Tô Lịch chỉ thực sự sạch đẹp vào năm 2008 do có trận lũ lịch sử làm sạch toàn bộ hệ thống sông. Kể từ đó tới nay, hiếm có dịp sông Tô Lịch được xanh, sạch kể cả được đầu tư, cải tạo. Thi thoảng có những dịp mưa lớn tại Hà Nội, nước mưa đổ về sông nhiều làm loãng nước thải thì nước sông mới trở nên xanh trong hơn so với bình thường. Nhưng sự trong, xanh đó không thể bền vững.

Theo ông Long, hiện sông Tô Lịch có tổng diện tích 77,5 Km2 bao gồm 8 tiểu lưu vực (hồ Tây, Tô Lịch, thượng lưu sông Lừ, hạ lưu sông Lừ, Sét, Kim Ngưu, Hoàng Liệt, Yên Sở), toàn bộ chiều dài sông 14,6 km. Để cải tạo dòng sông nếu chỉ dùng phương pháp nạo vét thông thường sẽ chưa thực sự hiệu quả và bền vững. Do vậy doanh nghiệp đề xuất phương án xã hội hoá để giải quyết được bản chất vấn đề, giữ môi trường trong sạch cũng như vẻ đẹp của Thủ đô.

Theo đó, nhà đầu tư sẽ cải tạo lại hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng (có tính đến phương án xử lý nước thải trong tương lai). Nước đổ ra sông sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên.

Đồng thời, dự án sẽ cải tạo lại đáy sông tạo dòng chảy tự nhiên để đảm bảo nguồn nước sạch tạo hệ sinh thái dưới nước. Cùng với đó, sẽ kết nối với sông Hồng, sông Nhuệ… và một số hồ hiện có như Hồ Tây tạo thành dòng đối lưu sông – hồ hài hòa để có thể xử lý thoát nước mưa và chống ngập cho Thành phố.

Nhà đầu tư cũng sẽ áp dụng giải pháp BIM (mô hình thông tin công trình) để quản lý, thi công, vận hành và khai thác nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và môi trường.

Diệu Hoa

(Diễn đàn Doanh nghiệp)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo