LTS: Dù đa phần làng hình thành trên cơ sở tự phát, dựa trên những yêu cầu thiết yếu về sinh sống và sản xuất, nhưng trải qua quá trình phát triển với những hương ước nghiêm luật lại dần tạo nên đặc tính riêng của mỗi làng, trở thành bản sắc – văn hóa của làng mà trong đó kiến trúc là biểu hiện rõ rệt nhất. Bảo tồn những giá trị của kiến trúc làng xã cũng là lưu giữ những “hình ảnh quê hương” đã in vào trong tâm khảm mỗi con người Việt Nam khi nghĩ về cội nguồn, quê quán. Trong phạm vi bài viết, KTS Nguyễn Phú Đức trao đổi theo hướng “Bảo tồn thích ứng” các di sản làng xã truyền thống trong quy hoạch nông thôn mới với những định lượng, địa chỉ cụ thể và nội hàm của Kiến trúc bao gồm cả Kiến trúc cảnh quan và Kiến trúc công trình.
Đường làng cổ Cự Đà, Cự Khê, Hà Nội
Những thiết chế kiến trúc làng truyền thống
Cho dù làng đa phần phát triển tự phát nhưng qua quá trình hình thành và phát triển, đã dần hình thành nên những thiết chế cốt yếu, trở thành bộ khung của cấu trúc làng. Đó là: Cổng làng – Đường giao thông chính – Hệ thống các công trình tôn giáo tín ngưỡng (chùa, nhà thờ, đình, đền, miếu…) – Nhà thờ họ và Nhà ở truyền thống.
Vì vậy, việc gìn giữ kiến trúc làng xã là liên quan đến tất cả các yếu tố: Khuôn viên – Cấu trúc làng (quy hoạch), cảnh quan – cấu trúc nhà – nông (nơi sinh sống – sản xuất) và kiến trúc công trình (cộng đồng cũng như nhà ở từng hộ dân).
Những làng xã chịu tác động nhanh và mạnh dẫn đến sự biến đổi những giá trị văn hóa kiến trúc
Xu thế mở ngày nay (kinh tế, kiến thức) đi ngược lại cấu trúc đóng khi hình thành làng nên ngày càng có nhiều tác động làm biến đổi những cấu trúc cảnh quan, kiến trúc truyền thống của làng xã nhất là tại các khu vực sau:
- Các làng có vị trí gần các đô thị lớn phát triển, có sức hút về công ăn việc làm: Làng có lợi thế liền kề các cực tăng trưởng, giá trị địa tô chênh lệch nhiều so với trước, xuất hiện nhu cầu bất động sản là nhà ở hộ dân, nhà ở cuối tuần…đã đẩy giá đất lên cao. Các ô đất từng hộ dân bị chia nhỏ hoặc chia cho con cháu hoặc nhượng, bán một phần cho những cư dân từ nơi khác đến. Tình trạng này không chỉ làm thay đổi dân cư, cấu trúc, tăng mật độ xây dựng và quy mô tầng cao, thay đổi loại hình từ nhà vườn sang biệt thự, thậm chí nhà hàng phố…của từng ô đất, giảm đất dành cho cây xanh vườn ao, mất cả mô hình vườn – ao – chuồng giúp thay đổi cải tạo vi khí hậu của từng nhà cũng như của xóm, làng nói chung
- Các làng có nghề phát triển thích ứng, kể cả làng nghề truyền thống cũng như nghề mới. Các nghề truyền thống: lụa, gốm, bánh đa nem, miến, đúc đồng, làm bạc… cũng như nghề mới: gia công gỗ, sản xuất thép… khi phát triển tự phát đều ảnh hưởng đến cấu trúc riêng của từng hộ dân sản xuất đến việc sắp xếp tập trung sản xuất nghề tại các khu đất mới, lớn để làm nhà xưởng, sản xuất và kinh doanh vừa làm mất đi diện tích nông nghiệp, cây xanh vừa gặp vấn đề lớn về tác động và xử lý môi trường nước thải, rác thải…
- Các làng sản xuất nông nghiệp, cây trồng không hiệu quả, nằm trong các vùng kinh tế trọng điểm chuyển đổi thành các khu công nghiệp mới. Diện tích cây trồng, nông nghiệp không còn hoặc giảm thiểu lớn dẫn đến việc mất nghề nông truyền thống, nhiều nơi không tạo cơ hội hay không tổ chức hướng dẫn dạy nghề, chuyển đổi công việc, tình trạng nhận đền bù đất được một khoản lớn, dân không chuyên tâm tiết kiệm, chí thú làm ăn mà chỉ nghĩ tiêu xài hoang phí, không đầu tư vào sản xuất, dẫn đến các hệ luỵ về ô nhiễm từ công nghiệp xen lẫn và các tệ nạn xã hội như nghiện hút, trộm cắp...
Cổng chùa làng Nôm, Hưng Yên
Những vấn đề về bảo tồn kiến trúc giá trị trong mô hình nông thôn mới ngày nay
Nhìn chung với việc thực hiện Chương trình Nông thôn mới với 19 tiêu chí, bộ mặt nông thôn có thể nói đã sang trang mới theo hướng văn minh hơn, phần nào thể hiện sự thiết thực của mục tiêu Chương trình đề ra, đặc biệt là hệ thống hạ tầng kĩ thuật: giao thông, điện, cấp thoát nước… được nâng cấp, thay đổi rõ rệt. Các công trình tiện ích phục vụ nhân dân như nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng được nhanh chóng triển khai xây dựng là thiết thực.
Tuy nhiên, về vấn đề bảo tồn, tiêu chí làm đường bê tông của chương trình nông thôn mới đã làm hư hại hoặc phá hủy bản sắc nông thôn như hình ảnh những con đường bê tông phá đi hình ảnh quen thuộc của các đường làng lát gạch xưa mà có phần đóng góp của các đôi vợ chồng mới cưới như ở các vùng nông Phù Lưu (Bắc Ninh), Bát Tràng (Hà Nội)…
Để bảo tồn duy trì và phát huy giá trị bản sắc làng xã, đặc biệt về kiến trúc cần đề cập, tiếp cận các nội dung từ mọi góc nhìn:
Đối với cấp quản lý: Cấp quản lý chịu trách nhiệm trong việc hoạch định mô hình sản xuất, định hình cơ cấu kinh tế và tổ chức lập quy hoạch. Nhiều bản quy hoạch của xã mới chỉ mang tính chất hoàn thành đúng tiến độ chứ không mang tính hoạch định, phân vùng, thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành nghề hay biến đổi về dân cư, thậm chí có xã còn tình trạng sai phạm khi copy nguyên đồ án của xã khác mà vẫn được phê duyệt.
Thực tế cho thấy, các nội dung bảo tồn mới chỉ được làm rõ trong Luật Di sản văn hóa. Trong các đồ án Quy hoạch nông thôn, nội dung này chưa được quy định mang tính pháp lý, bắt buộc, chưa cụ thể, nhất là với các di sản chưa phải là di tích. Sự quan tâm đến vấn đề di sản trong các đồ án ở từng địa phương là khác nhau, dẫn đến vai trò của đồ án quy hoạch đối với việc bảo tồn di sản chưa được phát huy. Do vậy, rất cần nhà quản lý phải đủ tâm – tầm với chức trách vì việc chung.
Đối với người dân: Việc xây dựng nhà cửa còn tùy tiện, tự phát mà trong Luật liên quan lại không kiểm soát các công trình xây dựng không nằm trên các tuyến đường chính. Do vậy, hộ dân tùy theo điều kiện kinh tế, văn hóa, khí hậu, thậm chí cả yếu tố dân tộc mà xây dựng theo sở thích cá nhân, sao chép những kiến trúc từ thành phố, không phù hợp điều kiện khí hậu, cảnh quan chung.
Tuy nhiên, nhiều nơi, việc xây dựng kiến trúc công trình theo hướng: hoặc xây dựng sử dụng vật liệu địa phương như xây nhà, tường rào bằng đá ong ở Liên Quan (Thạch Thất) hay Đường Lâm (Sơn Tây) của Hà Nội, hoặc các làng có nghề cói ven biển Nga Sơn (Thanh Hóa), Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) lại tạo nên bản sắc làng chuyên biệt, giá trị đáng khuyến khích bảo tồn và phát huy. Hoặc có nhưng nơi sao chép đồng loạt phong cách kiến trúc thị thành như ở làng Cựu – Vân Từ (huyện Phú Xuyên) hay làng Cự Đà – Cự Khê (Thanh Oai) của Hà Nội lại tạo nên những khu làng xóm mang hình dạng phố Pháp, cũng tạo nên hình ảnh chung – bản sắc của làng.
Nhà thờ họ Hồ 3 nhánh ở làng Phước Tích, Huế
Đối với đơn vị tư vấn thiết kế, kiến trúc sư:
Về quy hoạch: Làng xã trước đây tuy hình thành chủ yếu là tự phát nhưng lại có những nơi xây dựng theo phong thủy như Hành Thiện (Nam Định) đào kênh xung quanh làng hình cá chép và các xóm chia lối vuông góc với các kênh chạy xung quanh. Hoặc như làng Thổ Hà (Bắc Giang) với hình cánh cung mà thân chính là hệ thống Cổng – Chùa – Đình hướng ra bến nước… Hoặc có làng cấu trúc đường hoặc dạng xương cá, hoặc dạng bờ lược khi ven sông: Cự Đà, Vạn Phúc (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Bao Vinh (Huế) hay đặc biệt cấu trúc đường các làng hình sao như Đường Lâm (Hà Nội) thì lại chưa được các nhà quản lý, tư vấn thiết kế quan tâm khi quy hoạch.
Về kiến trúc: Trong các cuộc thi quốc tế, nhiều kiến trúc sư Việt Nam cũng đoạt rất nhiều giải cho việc thiết kế các loại hình nhà ở nông thôn thích ứng khí hậu như kiến trúc vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long.
Về loại hình nhà ở nông thôn: Trước đây chúng ta đã từng có các nghiên cứu, hội thảo, thậm chí Viện Nghiên cứu kiến trúc (Bộ Xây dựng) đã từng đưa ra các mẫu nhà ở nông thôn cho từng vùng, miền.
Tuy nhiên, chưa hẳn các kiến trúc sư đã từng nằm vùng, ăn ở và thấm – ngẫm đủ điều kiện kinh tế, văn hóa lẫn sinh hoạt dạng “3 cùng” với người dân nên các thiết kế vẫn ở dạng áp đặt mà chưa thích ứng yêu cầu giản đơn của người dân bản địa. Ví dụ ở vùng ngập lụt, lũ khi khảo sát điều tra xã hội học thì người dân chỉ mong muốn nhà ở như chiếc thuyền, nước nổi thì nhà nổi chứ không phải nhà ở trên cọc, cốt cao cố định như thiết kế của kiến trúc sư.
Lớn hơn là các loại hình kiến trúc cộng đồng trong thiết chế làng: không những các công trình kiến trúc có giá trị không được xếp hạng di tích để bảo tồn dẫn đến việc bị phá hủy xây mới, hoặc cải tạo theo cách xây mới như nhà thờ, chùa… hoặc không khai thác sử dụng đúng – đủ hết chức năng mà đã xây mới công trình tương tự. Ví dụ sử dụng đình làm không gian sinh hoạt làng như chức năng gốc thì không nhất thiết phải xây các nhà mang tiếng nhà văn hóa nhưng kiến trúc lại giản đơn như nhà tạm, cấp 4.
Tất cả những sự việc diễn ra như trên đều dẫn đến việc biến đổi các giá trị kiến trúc cảnh quan, cấu trúc làng cũng như cấu trúc nghề nhà – nghề và khuôn viên làng, khuôn viên ô đất… ở tình trạng đáng báo động.
Lịch sử tồn tại, phát triển của hương ước, lệ làng đã trải qua nhiều bước thăng, trầm. Kế thừa và phát huy giá trị của hương ước, quy ước để tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp và chiến lược tăng tốc là một trong những định hướng phát triển của đất nước
Hương ước do dân được tham gia bàn luận, đóng góp và được chính quyền chấp thuận để xây dựng thành truyền thống và trở thành truyền thống đặc trưng của mỗi làng, là cơ sở pháp lý để thuởng phạt nghiêm minh bất luận là quan hay dân. Chỉ cần xây dựng lại cách làm xưa xây dựng hoàn chỉnh Hương ước mới thì “lệ làng” này sẽ trở nên văn minh, thích ứng thời nay.
Đình làng Chuồn, An Truyền, Huế
Kết luận
Đô thị đa phần bắt nguồn từ làng xã. Nếu như mối quan hệ cư dân trong đô thị lỏng lẻo do dân cư từ đa địa phương cùng về công tác, làm việc nhưng lại không chung sinh hoạt thì làng xã lại là nơi khu trú tập trung, phát triển bền vững và gắn kết bởi các yếu tố sản xuất, họ tộc nên nhớ về quê là nhớ đến các hình ảnh – Hồn Quê trong tâm khảm.
Hãy nhìn hình ảnh đô thị cô đơn như rừng xác bê tông, giảm sức sống mỗi khi Tết đến, Xuân về khi cư dân về với nơi chốn – Làng quê thanh bình, xanh ngát và ấm áp tình người thì mới thấy trong Trái tim của mỗi con người “Quê hương là chùm khế ngọt” và thấy trách nhiệm của tất cả mọi người trong việc gìn giữ bảo tồn các giá trị làng xã như thế nào.
Gìn giữ “Trí nhớ làng xã” thông qua các hình ảnh văn hóa, kiến trúc, cảnh quan thiết chế chính yếu của làng xã tức là khơi tạo lại tình yêu nơi chốn, quê hương mà nói rộng ra là tình yêu đất nước.
KTS Nguyễn Phú Đức
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)
- Cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh": Khó khả thi
- Di sản Hội An: Con gà đẻ trứng vàng
- Có hay không việc tư nhân hóa đất di sản - đất công ở Đà Lạt?
- Khai thác khu Đồi Dinh ở Đà Lạt thế nào?
- Phục hưng Sài Gòn - “Kinh đô sông nước”
- Lựa chọn kiến trúc hiện đại hay cổ điển cho cầu Trần Hưng Đạo?
- Thành phố ven sông Hồng ở Hà Nội: 20 năm vẫn dang dở, vì sao?
- Di dời nhà máy và lấy đất cho không gian công cộng
- Chống ngập kiểu đô thị sông nước nhìn từ Thủ Thiêm
- Tiến trình cấp "sổ đỏ" cho condotel gặp sự phản biện từ Bộ Công an