Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Phản biện Di dời nhà máy và lấy đất cho không gian công cộng

Di dời nhà máy và lấy đất cho không gian công cộng

Viết email In

Hà Nội bây giờ thiếu không gian công cộng nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng một khi Thành phố cho di dời các nhà máy từ nội đô ra ngoại thành hoặc đến các khu công nghiệp thì cần dành quỹ đất đó để phát triển các không gian công cộng, thay vì xây chung cư, trung tâm thương mại.

Đó là ý kiến của các chuyên gia, người dân tại buổi công bố khảo sát của người dân Hà Nội về không gian công cộng được tổ chức vào ngày 23/7 tại Hà Nội. Khảo sát này do Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG), nhóm Vì một Hà Nội đáng sống, Đại sứ quán Đan Mạch và Đại sứ quán Úc phối hợp thực hiện.


Hà Nội đang rất thiếu những công viên như thế này.
(Ảnh: Ecopark)

Thiếu không gian công cộng

Có mặt tại sự kiện trên, kiến trúc sư Đinh Đăng Hải, chuyên gia Dự án thành phố đáng sống, cho hay diện tích không gian công cộng của Hà  Nôi hiện nay rất ít. Tổng không gian công cộng của Hà Nội chia bình quân trên đầu người dân chỉ đạt 3m2. Tính riêng khu vực Hoàn Kiếm thì tỷ lệ này chỉ đạt 30cm2 , quá thấp so với mức khuyến nghị 9m2 của các tổ chức trên thế giới.

Và ông Hải cũng cho rằng trong bối cảnh Hà Nội thiếu không gian công cộng như vậy, nên ưu tiên dùng phần diện tích đất của các nhà máy sau khi họ dời đi để phát triển không gian công cộng.

Cũng đồng quan điểm với ông Hải về sự thiếu vắng không gian xanh công cộng tại Hà Nội và cần dùng quỹ đất chuyển đổi từ việc di dời các nhà máy ra khỏi nội đô để phát triển thành các không gian công cộng đáng mong đợi, bà Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, còn cho rằng cần phát huy tối đa công năng các công viên đã có và không chuyển đổi chúng thành các công trình xây dựng.  

21/39 nơi từng là nhà máy buộc phải di dời đã thành chung cư

Trình bày khảo sát tình trạng 39 nhà máy thuộc diện phải di dời ra khỏi nội thành của Hà Nội, ông Lê Quang Bình, chủ tịch Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân cho hay, sự việc vào tháng 8 năm ngoái khi nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông tại nội thành Hà Nội cháy đã làm dấy lên những sự nghi ngại trong dân cư thủ đô về việc liệu có thủy ngân phát tán ra môi trường gây độc hại hay không.

Vào lúc đó, người dân Hà Nội mới thực sự quan tâm hơn về việc cần phải di dời nhà máy ra khỏi nội đô để tránh gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Ông Bình cho hay Hà Nội đã lên danh sách 89 nhà máy cần phải di dời khỏi nội thành từ 2011. Và nhóm của ông đã tiến hành khảo sát 39 trong số các nhà máy đó để xem các nhà máy đã được di dời hay chưa và thay thế nó là cái gì.

Kết quả khảo sát cho thấy trong 39 nhà máy nêu trên có 21 nhà máy đã di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng với diện tích trung bình mỗi nhà máy gần 27.000m2, đa số thuộc sở hữu công ty cổ phần nhà nước. Trong 21 nhà máy này thì có 19/21 thành tổ hợp chung cư, trung tâm thương mại, một nhà máy làm đường trên cao và một nhà máy chuyển đổi thành trường đại học tư nhân.

Có 11/39 nhà máy dừng hoạt động, với diện tích trung bình 19.000m2/1 nhà máy, đa số là công ty cổ phần nhà nước hoặc công ty TNHH nhà nước, đa số sau khi di dời có kế hoạch xây chung cư, trung tâm thương mại; Có 7/39 nhà máy đang hoạt động, thuộc sở hữu tư nhân, diện tích nhà máy thường nhỏ với chỉ khoảng 4.000m2.

Ông Bình cho hay người dân tham gia khảo sát cho biết rất ủng hộ việc di dời nhà máy ra khỏi nội đô Hà Nội và phần lớn tán thành sẽ chuyển đổi diện tích đất đó làm các không gian công cộng, thiên nhiên như: công viên, vườn hoa, trường học, bệnh viện... bởi họ thấy hiện Hà Nội rất thiếu các không gian công cộng.

Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải cho rằng, việc thiếu các không gian công cộng như công viên, vườn hoa tại nội đô sẽ không chỉ gây ô nhiễm cho thủ đô mà còn gây béo phì cho người dân (do thiếu các không gian xanh để tập thể dục)... do đó ông cho rằng nếu thay thế các nhà máy ở nội đô bằng các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại có thể tạo lợi ích ngay về kinh tế cho thành phố nhưng lại tốn rất nhiều chi phí cho giải quyết vấn đề xã hội khác.

Do đó, bà Loan cho rằng vấn đề lợi ích kinh tế và xã hội luôn cần được chính quyền cân nhắc. Cần đưa ra những quyết sách có lợi cho phần đa người dân hay chỉ một nhóm người.

Các chuyên gia cho rằng trong 21 nhà máy đã di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì 19 cái đã thành các chung cư thương mại là một thực trạng đáng báo động. Người dân muốn có không gian sinh hoạt công cộng thay thế vào quỹ đất của các nhà máy chuyển đi cần phải lên tiếng mạnh mẽ để cho chính quyền biết điều này.

Đúng là việc tạo ra các không gian công cộng thường do chính quyền quyết định. Nhưng mỗi công dân cần lên tiếng để chính quyền biết, đóng góp để không gian mình sinh sống trở nên đáng sống hơn, bởi trong Luật Quy hoạch cũng yêu cầu chính quyền phải tham vấn cộng đồng.

Ông Bình cho hay, sau buổi công bố khảo sát hôm nay tổ chức này sẽ có thư kiến nghị đến UBND TP Hà Nội về nội dung trên. Ông cũng cho biết việc tổ chức công bố và hội thảo về nội dung này cũng là bước khởi đầu, nhắc nhở cho người dân biết về cơ hội, vai trò của họ trong việc tham gia góp ý, giám sát trong quyết sách phát triển các không gian công cộng của Hà Nội.

Các chuyên gia còn cho rằng, vấn đề này của Hà Nội cũng là một kinh nghiệm để người dân các thành phố khác trên cả nước hiểu và nhất định phải tham gia đóng góp ý kiến với chính quyền để tạo những không gian xanh, không gian công cộng khi di dời các nhà máy để đảm bảo môi trường, cuộc sống của người dân.

Vân Ly

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo