Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Sống khổ trong những ngôi nhà di sản

Sống khổ trong những ngôi nhà di sản

Viết email In

Nhiều ngôi nhà cổ ở Hội An (Quảng Nam), bị hư hỏng nặng nhưng không được sửa vì phải chờ giấy phép nhiều năm. Khi Hội An “vượt mặt” các nghị định để cho phép sửa chữa thì người dân lại hết tiền. 

Ngày 3/7, ông Nguyễn Chí Trung, Giám tốc Trung tâm bảo tồn và quản lý di sản Hội An (Quảng Nam), cho biết hàng trăm hồ sơ xin sửa chữa nhà của người dân vừa được cấp phép sau thời gian dài ách lại vì vướng nghị định. Do các ngôi nhà cần trùng tu gấp trong khi làm theo nghị định phải trải qua nhiều khâu mất thời gian và tốn kém, Hội An đã “làm lơ” để cho phép người dân sửa nhà trước mùa mưa bão.


Dù đã được thành phố cấp phép nhưng ngôi nhà này chưa thể sửa vì chủ nhân hết tiền. (Ảnh: Tiến Hùng) 

Tháng 9/2012, Chính phủ ban hành nghị định 70 trong đó có quy định thẩm quyền thẩm định và phê duyệt dự án tu bổ di tích. Với di tích cấp quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ thỏa thuận các bước chủ trương đầu tư, thẩm định dự án và thẩm định bản vẽ thi công để trùng tu, sửa chữa. Sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành nghị định 15 về quản lý di sản, trong đó trách nhiệm thẩm tra, thẩm định về thiết kế công trình phải qua Bộ Xây dựng. 

Người dân muốn sửa nhà dù chỉ lát nền, thay ngói, làm công trình phụ… cũng phải gửi hồ sơ ra Bộ Văn hoá để xin phép. Bộ sẽ điều đội ngũ chuyên môn vào Hội An để thẩm định. Nếu được đồng ý, các hộ dân tiếp tục ra Hà Nội một lần nữa để gửi bản thiết kế công trình tới Bộ Xây dựng rồi mới được cấp phép sửa chữa. Nếu hai bộ không đồng quan điểm, việc xin phép sửa chữa nhà phải kéo dài nhiều năm. 

Ngôi nhà cổ của bà Phạm Thị Nga nằm trong hẻm nhỏ trên đường Phan Chu Trinh, từng được liệt vào danh sách những công trình cần trùng tu khẩn cấp nhưng phải ách lại vì vướng nghị định. Trước khi được Hội An cho phép sửa chữa, trên mỗi chiếc giường trong nhà đều phải căng ni lông để che mưa, trông như những căn lều dã chiến dựng lên giữa những bức tường gạch, gỗ cũ kỹ. Toàn bộ khung sườn của nhà bị mục nát, phải lắp thêm 12 cây chống đỡ. Ngói trên mái nhà cũng hư hỏng theo thời gian, lộ ra những lỗ hở cho nắng rọi, mưa dột khắp nơi...

Do không phải mặt tiền, không kinh doanh được nên mỗi lần sửa nhà, bà Nga được Nhà nước hỗ trợ 75% kinh phí. Chủ nhà chỉ bỏ số tiền nhỏ nên ngôi nhà đã trùng tu ngay sau khi được thành phố cấp phép. 


Ngôi nhà trong con hẻm nhỏ của bà Nga được Nhà nước hỗ trợ 75% kinh phí nên được trùng tu ngay sau khi Hội An cấp phép. (Ảnh: Tiến Hùng) 

Không thuận lợi như bà Nga, gia tộc họ Huỳnh ở số 26 Bạch Đằng chờ giấy phép nhiều năm không được, đến khi được sửa chữa thì lại hết tiền. 

“Nhà hỏng, dành dụm mãi mới gom đủ tiền để đi xin phép sửa nhưng không được. Lo ngại nhà đổ, chính quyền đã phải tháo dỡ phần mái phía trên xuống, các thành viên trong gia đình phải chen chúc trong căn phòng dùng để bán hàng lưu niệm trước nhà”, chủ nhân ngôi nhà 26 Bạch Đằng nói, "ngôi nhà này dự kiến sửa chữa hết gần một tỷ đồng, trong đó được hỗ trợ 40%. Số còn lại gia đình không biết lấy đâu ra". 

Giám đốc Trung tâm bảo tồn và quản lý di sản Hội An trần tình: "Dù biết làm sai nhưng nhà dân đang hư hỏng nặng, nếu không cấp giấy phép sửa chữa mà xảy ra rủi ro như đổ sập, gây chết người thì ai chịu trách nhiệm. Chưa kể người dân không có đủ ‘cơm áo gạo tiền’ ra tới Hà Nội nhiều lần để xin phép sửa nhà".

Hội An có hơn 1.000 ngôi nhà cổ và 80% số đó thuộc sở hữu của người dân. Mỗi năm Hội An có khoảng 200 hồ sơ xin tu bổ nhà cổ. "Việc tu bổ là khẩn cấp, số lượng nhiều nên áp dụng theo nghị định với các thủ tục hành chính rườm rà, kéo dài gây rủi ro cho các hộ dân có nhà sắp đổ sập.", ông Trung cho hay.

Thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam đã gửi văn bản đề nghị các bộ báo cáo Chính phủ để có sự điều chỉnh hợp lý về các nghị định này. 

Tiến Hùng 
(VnExpress)  

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo