Là một trong số ít những đường có từ thời Pháp, đường Nguyễn Thị Minh Khai giờ đây đổi thay từng ngày. Con đường này đã khoác lên mình những tấm áo mới với dáng vóc hiện đại hơn, nhưng cùng với thời gian, vẫn phảng phất đâu đó những nét thân quen, mộc mạc.
Tự hào mang tên vị nữ anh hùng
Những hàng cây trổ tán xanh mát trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Chỉ dài khoảng 1 km, rộng 8m, đường Nguyễn Thị Minh Khai nối đường Lý Tự Trọng với đường Hùng Vương thuộc quận Hải Châu. Thời thuộc Pháp, năm 1902, con đường này mang tên Rue Barbé, tên của một sĩ quan cấp úy trong quân đội viễn chinh Pháp.
Đến năm 1954, Rue Barbé được chia thành hai đường mới. Đoạn từ ngã ba Lý Tự Trọng - Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay đến đường Quang Trung có tên là đường Tự Đức; đoạn từ ngã tư Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai (ngày nay) đến đường Hùng Vương có tên là đường Nguyễn Thị Giang. Sau năm 1975, đường Nguyễn Thị Giang đổi tên thành đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đến năm 1980, đường Tự Đức đổi tên, nối dài vào đường Nguyễn Thị Minh Khai, nâng chiều dài lên đến 943m và đường Nguyễn Thị Minh Khai của ngày nay có chiều dài tương đương với đường Rue Barbé thời Pháp thuộc.
Trong ký ức của những người lớn tuổi sống ở con đường này, trước kia nhiều ngôi nhà được xây san sát nhau, nhà nào cũng có một khoảng lùi để làm sân, những buổi chiều khi nắng tắt, người dân lại thư thả ra ngồi trước sân nhà trò chuyện, ngắm phố phường. Những ngôi nhà xưa cũ giờ cũng ít dần, nhường chỗ cho những công trình to lớn, hiện đại hơn, nhiều tiện ích hơn. Những quán cà phê với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát như Trung Nguyên, Golden fish, A Sinh, Mint... hay những khuôn viên nho nhỏ xinh xinh như café Diễm lúc nào cũng muốn níu chân người qua.
Có người ví von, đường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ giống như cô gái đang vào độ thắm với những hàng cây trổ tán xanh mát phủ rợp con đường. Chỉ cách đây hơn một tháng thôi, khi đang mùa hoa, từng chùm hoa sưa nở vàng rực một góc phố, những bông hoa nhỏ xíu, nhẹ nhàng theo gió rơi xuống bám hờ vào những chiếc xe đậu ven đường, hay theo gió rắc dài một vệt trên phố tạo nên một bức tranh lãng mạn trong mỗi ánh chiều về.
Góc bình yên thân quen, bình dị trên đường Nguyễn Thị Minh Khai
Sự hài hòa của hiện đại và xưa cũ
Không quá dài, nhưng đường Nguyễn Thị Minh Khai lại là tuyến đường xương cá quan trọng, cắt qua nhiều tuyến đường huyết mạch khác của thành phố. Ngay khi vừa đặt chân tới ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai - Lý Tự Trọng sẽ bắt gặp trụ sở cơ quan Công an thành phố và đối diện đó là khách sạn Hải Vân khiêm tốn và bình dị như để phù hợp với nét tĩnh lặng chầm chậm của con phố.
Đường Nguyễn Thị Minh Khai cũng cắt qua một số tuyến phố khác như: Ba Đình, Lê Thánh Tôn, Hùng Vương, Pasteur, Hải Phòng, Quang Trung, Lê Duẩn... Mỗi đoạn đều có điểm nhấn khiến người ta phải lưu tâm. Đó là trường THPT Trần Phú, nơi mỗi chiều học sinh tan trường về, thả bộ dưới tán cây xanh, tà áo trắng bay bay khiến ai cũng muốn ngoái đầu nhìn theo; đó là trụ sở Liên đoàn Lao động khang trang, rộng đẹp. Hay tại điểm giao với đường Hùng Vương, đường Nguyễn Thị Minh Khai sẽ dẫn người đi đến con phố mua sắm sầm uất nhất nhì Đà Nẵng.
Đặc biệt nhất là ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Duẩn. Năm 2014, khi được quy hoạch lại để triển khai phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn, ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Duẩn được mở rộng, vỉa hè được làm lại khiến con đường rộng và thoáng hơn. Có lẽ vì thế mà tuy ngắn nhưng đường Nguyễn Thị Minh Khai cũng thu hút nhiều thương hiệu lớn như nhà hàng Lotteria, KFC, nhà hàng Xiên que - những điểm đến quen thuộc của các bạn trẻ.
Thành phố phát triển, con đường nào cũng thay đổi theo và Nguyễn Thị Minh Khai không nằm ngoài quy luật đó. Tuyến phố này giờ cũng thành con đường của tiện ích bởi các cửa hiệu thời trang, các công ty, doanh nghiệp chọn nơi đây để đặt trụ sở kinh doanh, giao dịch. Vì thế, người ta dễ dàng bắt gặp những đơn vị lữ hành lớn như Công ty cổ phần du lịch Việt Nam (Vitour), Công ty CP du lịch VietnamTravel Mart, Công ty Nghệ thuật Việt… Ngoài ra, sự hiện diện của Trung tâm thông tin học liệu Đà Nẵng trên con đường này cũng thu hút đông đảo giới sinh viên Đại học Đà Nẵng thường xuyên ghé thăm.
Nhắc đến tên con đường này nhiều người còn nghĩ ngay tới món xôi gà thơm lừng, nóng hổi. Các quán san sát nhau, dù không gian rất hẹp, thậm chí phải ngồi cả ra vỉa hè nhưng buổi sáng nào cũng nhộn nhịp khách vào ra. Hàng quán đa phần do các bà các chị đã lớn tuổi đứng bán. Những đôi tay thoăn thoắt lấy xôi từ trong xửng, hạt xôi vàng óng, căng mẩy, thơm dẻo được xếp trên đó là những miếng thịt gà xé, một chút ớt đỏ kèm rau thơm trông rất bắt mắt khiến ai đã ăn một lần cứ lưu luyến muốn quay lại lần nữa để thưởng thức vị thơm của hạt nếp xôi, vị ngọt của thịt gà pha chút cay cay của ớt đỏ.
Dù có nhiều đổi thay, phát triển từng ngày nhưng đường Nguyễn Thị Minh Khai vẫn còn những ngôi nhà giữ được khoảng xanh của riêng mình. Sẽ có một chút bồi hồi, nhung nhớ nếu ai vô tình bắt gặp những khóm tre xanh mát đang rủ bóng trong sân nhà người.
Sẽ có một chút nôn nao khi thấy những ngôi nhà cũ kỹ với màu sơn vàng đã phai cùng chiếc cổng sắt đã hoen màu, không kiểu cách như càng khẳng định thêm tuổi tác của ngôi nhà. Nó khiêm tốn nép mình bên những không gian hiện đại của ngày hôm nay không hề có sự kệch cỡm hay khác biệt về sang-hèn mà tất cả như toát lên một bức tranh nhiều màu sắc của cuộc sống, sự dung hòa giữa hiện đại và xưa cũ. Với những người ưa hoài niệm, khi đi trên con đường này, đâu đó họ gặp lại những nét rất thân quen, xưa cũ, bình dị của Đà thành.
Bài, ảnh: Thu Hà
(Báo Đà Nẵng)
- Những căn nhà… "ổ kiến" giữa Sài Thành
- Tranh chấp đất nông, lâm trường: Bao giờ đi đến hồi kết?
- Sài Gòn - Gia Định một thời để nhớ: Tháp nước gần 140 năm tuổi
- Lộn xộn quy hoạch nông thôn: Méo mó, dị hợm
- Cận cảnh sự xuống cấp của trụ sở tòa án 'độc nhất vô nhị' 130 tuổi ở Sài Gòn
- Sống khổ trong những ngôi nhà di sản
- Cho phép người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại VN: Không nên mở cửa hẹp
- Những cây cầu gắn với lịch sử của Sài Gòn
- Tản mạn chuyện cây
- Phản biện từ thiên nhiên