Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Phản biện từ thiên nhiên

Phản biện từ thiên nhiên

Viết email In

1. Trận cuồng phong chiều tối ngày 13/6/2015 khiến người Hà Nội kinh hoàng trong mưa gió, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Và thêm một lần cần có lời phản biện…

Vừa cố chạy xe trên phố Nguyễn Thái Học mong kịp thoát khỏi tâm cơn lốc đầy giận dữ đang đổ bộ, bỗng nghe rầm một tiếng trước mặt. Một cây xà cừ cổ thụ bật gốc đổ xuống ngang đường. May mắn và hú vía. Bởi mình chỉ nhanh mấy giây thôi là đến đó, và chưa biết điều gì xảy ra... 

Tránh sang vỉa hè chạy tiếp dọc các phố, thấy cơn cuồng nộ thiên nhiên đã kịp quật đổ nhiều cây xanh, bẻ ngang cột điện… Rất nhiều “vật thể lạ” từ mái nhà, từ các mái vẩy hàng quán bay vù vù… những tấm tôn thép mỏng là đáng sợ nhất. Tôn từ mái nhà do bong đinh, tuột ốc bay khắp phố. Chẳng may nó liệng vào người…  


Đáng lo là bộ rễ của cây

Theo thống kê chưa đầy đủ, cơn lốc xoáy đã làm chết 2 người, do cây đổ, hàng chục người bị thương, có tới gần ngàn cây xanh bị bật gốc, gãy cành, nhiều cột điện bị đổ, nhiều mái nhà tốc mái, hàng trăm biển quảng cáo lớn bị sụp đổ, hàng chục xe ô tô, xe máy bị đè bẹp, hư hỏng… 

Cả buổi tối và suốt đêm 13/6 là thời gian cực nhọc nhất của lực lượng chức năng chống bão lũ ở Hà Nội. Rất nhiều cảnh sát trật tự và CSGT có mặt cùng lực lượng cứu hộ có mặt gần như suốt đêm để xử lý cây đổ, tắc đường, lấy lại vẻ phong quang cho những con phố. 
 

2. Trận cuồng phong bất ngờ đã làm bộc lộ những vấn đề cần suy nghĩ, khắc phục. Đó là vấn đề trồng cây xanh đường phố. Hệ thống cây xanh đường phố là cây lưu niên, cổ thụ, nhưng điều kiện sống của cây rất đáng báo động. Bằng chứng là nhiều cây bật gốc cho thấy cây không có rễ cọc bám sâu vào lòng đất, mà chỉ có một ít rễ chùm ăn nông.

Cây xanh rất cần một không gian sống, từ diện tích đất cho mỗi gốc đến độ sâu của gốc, và tán lá cũng cần một khoảng không cần thiết…

Phần lớn cây cổ thụ trên phố nghiêng ra đường và nếu không kịp tỉa cành, tạo hình tốt, sẽ bị xiêu đổ… Nhiều cây cổ thụ đường phố bị chặt hết phần rễ chùm do thi công hạ tầng như cáp điện, cống nước thải…

Vấn đề quy hoạch, xây dựng cũng cần đặt ra một cách nghiêm túc. Trong cơn dông rất nhiều tấm lợp bay lên trời rồi rơi xuống đường rất nguy hiểm. Điều đáng nói là chỉ khi dông bão mới lo sợ như vậy.

Theo quy định, mái nhà lợp tôn chỉ sử dụng trong khoảng thời gian nhất định. Sau đó phải thay mái, nếu không tôn bị gỉ, đinh tróc gây nguy hiểm khi gió bão… Tại sao không có chế tài xử lý mái vẩy, nhà tạm lợp tôn không đúng chuẩn? Và biển quảng cáo tấm lớn có được nghiệm thu, giám sát độ an toàn khi treo lên các nóc nhà, mái phố hay không? Rất nhiều những nguy cơ đến từ… trên trời không được cảnh báo ngăn ngừa. Dù biết rằng mọi thứ đều có văn bản, quy định quy chuẩn.

Rõ ràng là chúng ta đang coi thường thiên tai, đang đùa mới tính mạng con người. Sự trừng phạt của thiên nhiên thật ghê gớm. Khi ta đau xót mất người, lại còn hao của để khắc phục thì mọi sự đã muộn rồi. 

Trận cuồng phong đi qua thành phố, dù sức gió chỉ mới đạt cấp 7, cấp 8, tình hình đã rất bất ổn. Nói chi tới bão lớn, khi đó không biết mọi thứ sẽ ra sao? 

Dẫu sao đó cũng là một lời cảnh báo, lời phản biện từ thiên nhiên. 

Tân Linh 
(Thể thao & Văn hóa) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo