Công trình xây dựng luôn có những tác động to lớn cả trực tiếp và gián tiếp tới môi trường bởi trong suốt vòng đời kéo dài hàng thập kỷ, công trình sử dụng năng lượng, nước, vật liệu thô và phát sinh rác thải cũng như phát thải các loại khí thải độc hại vào khí quyển. Điều này đã trở thành động lực chính thúc đẩy việc phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng và tài nguyên trên toàn cầu.
Công trình xanh: Lợi ích tài chính
Hiệu năng của công trình trong suốt quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành được thể hiện qua những con số cụ thể. Ví dụ như tòa nhà văn phòng FPT Complex Đà Nẵng tích hợp nhiều giải pháp và công nghệ hiệu quả tài nguyên sẽ giúp tiết kiệm được 21% năng lượng, 32% lượng nước tiêu thụ hàng năm và 20% năng lượng dùng để sản xuất vật liệu xây dựng công trình. Vận hành hiệu quả hơn giúp mang lại những lợi ích thiết thực cho chủ đầu tư, cụ thể Công ty Cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng có thể tiết kiệm 148.000 USD mỗi năm.
Tương tự, chung cư Bridgeview của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long có mức giảm hơn 20% năng lượng, 21% lượng nước sinh hoạt và 26% vật liệu và đã được cấp chứng chỉ Thiết kế Tối ưu Nâng cao Hiệu quả Công trình EDGE của IFC. Như vậy, các hộ gia đình tại đây có thể tiết kiệm khoảng 20% tiền điện nước mỗi tháng.
Theo thống kê của tổ chức GBCA, tổ chức đã đánh giá hàng ngàn công trình xanh với chứng chỉ LEED trên thế giới, chủ đầu tư có thể được hưởng lợi ích nhiều mặt khi đầu tư vào công trình xanh, bao gồm chi phí vận hành giảm 8-9% trong khi giá trị tài sản tăng 7,5%, giá cho thuê tăng 3%, ngoài ra tốc độ lấp đầy công trình cao hơn và tỉ lệ người thuê rời bỏ công trình giảm do khách hàng hài lòng hơn với các dịch vụ công trình. Nhờ vậy, nhiều công trình xanh có mức hoàn vốn ấn tượng 6,6%, tỷ suất sử dụng tăng 3,5% và giá thuê tăng 3%.
Như vậy chủ đầu tư công trình xanh tại Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi từ xu thế này, đặc biệt khi nhận thức môi trường của người mua hay thuê công trình ngày càng cao.
Và những lợi ích khác
Nhiều nghiên cứu của của Hội đồng Công trình Xanh Mỹ và Úc đã cho thấy ảnh hưởng của môi trường bên trong công trình tới sức khỏe và năng suất làm việc của người sử dụng. Đặc biệt, các nghiên cứu chi tiết trong một số công trình văn phòng xanh tại Úc và Mỹ đã cho thấy năng suất lao động tăng 10% và tỉ lệ nghỉ ốm giảm đáng kể so với công trình thường nhờ hệ thống thông gió và điều hòa tốt giúp lưu thông khí tươi và tăng tiện nghi về nhiệt trong công trình. Trên thực tế, một công trình đảm bảo nhiệt độ phù hợp không lạnh hay nóng quá sẽ giúp tăng sự hài lòng về công trình nói chung, đồng thời tăng hiệu quả công việc và giữ chân nhân viên ở lại nơi làm việc lâu hơn. Các nghiên cứu về tiện nghi nhiệt của Mỹ đã chứng minh năng suất làm việc giảm 4% khi nhiệt độ bị lạnh hơn so với ngưỡng yêu cầu và giảm 6% khi con người phải làm việc trong điều kiện nóng hơn so với ngưỡng tiện nghi.
Tại Việt Nam, đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng và giá điện tăng cao, đầu tư vào một công trình xanh tận dụng triệt để các yếu tố thông gió và chiếu sáng tự nhiên, đồng thời sở hữu hệ thống điều hòa thông gió tiết kiệm năng lượng chính là giải pháp tối ưu nhất giúp tiết kiệm tài nguyên và chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng môi trường trong công trình.
Cần một công cụ đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên đơn giản và thuận tiện
Trong khi những lợi ích về kinh tế, sức khỏe và môi trường của công trình xanh đang ngày càng được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam, thì cho đến gần đây trên thị trường vẫn chưa có một công cụ thiết kế công trình xanh nào thực sự đơn giản, dễ dùng và chỉ rõ các lợi ích về tài chính cũng như môi trường của các giải pháp xanh. Nắm bắt nhu cầu này, Bộ công cụ Thiết kế Tối ưu Nâng cao Hiệu quả Công trình (EDGE) của IFC giúp đưa ra những giải pháp đơn giản và hợp túi tiền nhất đồng thời mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho công trình. Được thiết kế dành riêng cho hơn 100 thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia hay Việt Nam, EDGE hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật và thiết kế phù hợp nhất với khả năng đầu tư và tiềm năng tiết kiệm của thị trường đó.
Buổi giới thiệu Bộ Công cụ EDGE tại Việt Nam dành cho các nhà phát triển bất động sản, các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sẽ được tổ chức từ 8.30 – 12.00 h ngày 4/6/2015 tại khách sạn New World Sài Gòn, 76 Lê Lai, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Vào cửa tự do. |
Bộ công cụ miễn phí EDGE có thể áp dụng cho 5 loại công trình phổ biến, bao gồm nhà ở, khách sạn, bệnh viên, văn phòng và công trình thương mại. Phần mềm trực tuyến miễn phí EDGE (www.edgebuildings.org) cho phép các kiến trúc sư, chủ đầu tư công trình, và các chuyên gia của các cơ quan chức năng thẩm định nhanh hiệu quả sử dụng tài nguyên của các thiết kế công trình. Phần mềm cung cấp các mức chi phí đầu tư và tiết kiệm năng lượng khác nhau tương ứng với các giải pháp áp dụng cho thiết kế công trình đang được thẩm định. Nếu mức tiết kiệm điện, nước, và năng lượng dùng để sản xuất các vật liệu được sử dụng cho công trình đạt 20% theo tính toán của EDGE, thì công trình đó có thể xin cấp chứng chỉ EDGE. Hệ thống chứng chỉ EDGE bổ trợ cho Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Các Công trình Xây dựng Sử dụng Năng lượng Hiệu quả QCVN 09:2013/BXD và khuyến khích các công trình vượt lên trên các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng tối thiểu mà Quy chuẩn quy định.
“Động cơ ban đầu của EDGE là kinh tế, nhưng kết quả lại là môi trường,” ông Autif Sayyed, chuyên gia công trình xanh của IFC, khu vực Đông Á-Thái Bình Dương chia sẻ. “EDGE góp phần giảm biến đổi khí hậu nhờ khuyến khích xây dựng những công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, đồng thời cho phép giảm đáng kể chi phí. Đây là điều đặc biệt quan trọng vì đến năm 2050 dự kiến sẽ có 70% dân số thế giới sống ở thành thị, từ đó kéo theo những nhu cầu lớn về nhà ở trong tương lai.”
Với tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam vào loại nhanh nhất trong khu vực, công trình xanh đang mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho các chủ đầu tư, mang lại lợi ích kinh tế và môi trường cho chính họ cũng như toàn cộng đồng.
Hà An
(Báo Đầu tư)
- Tản mạn chuyện cây
- Phản biện từ thiên nhiên
- Đô thị sau đợt nóng lịch sử
- Lãng phí gió sông Sài Gòn
- Sơn Tây âm thầm một phía
- Những người phục dựng nhà cổ ở làng Phù Yên (Hà Nội)
- Thương xá Tax được bảo tồn trong kiến trúc mới
- Sắp mất phố cổ Sài Gòn
- Phát triển hai bờ sông Sài Gòn - 3 bước tới thành công
- Hồn xưa còn đọng lại