Tan tành cây xanh Hà Nội sau một cơn dông, thế là trên mọi vỉa hè của thành phố ngổn ngang những gốc (đã bật), những khúc cây (đã cưa) những đống cành còn nguyên lá (đã vun lại)... Ba ngày sau cơn giông lớn vẫn ngổn ngang những thứ ấy, vì cây đổ quá nhiều, chưa thể dọn hết.
Nói chuyện gì bây giờ nếu không nói chuyện cây?
Nhưng nói chuyện cây thì biết nói gì?
Một thân cây đổ ngáng ngang đường ngay trước cổng Bệnh viện Hữu Nghị, phố Trần Khánh Dư. (Ảnh: Thu Hằng)
Chưa khi nào người Hà Nội khốn khó như thế vì cây xanh. Sự khốn khó ấy bị đẩy lên cao trào bởi chiến dịch chặt 6.700 cây (đã dừng) và cơn dông (đã ngừng) nhưng những tranh luận chung quanh hai sự kiện đó thì mãi không dứt. Chưa khi nào người ta cần những thông tin chính xác, tỉnh táo và đàng hoàng của báo chí chính thống đến như vậy.
Tối 15/6, trên kênh Truyền hình Quốc phòng có một đoạn tin ngắn về những cây bị đổ còn nguyên bầu bọc nylon, lưới, dây quấn..., những bầu cây đó khó mà tự hoại được. Đó có thể coi là kết luận sớm nhất về những cái bầu cây, các báo khác đến hôm sau mới đưa thêm thông tin, và cũng chỉ dừng ở đấy. Lý do vì UBND thành phố Hà Nội chưa có trả lời chính thức, Phó tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh cho đến chiều 15/6 vẫn phát biểu rằng “không biết ai trồng cây để nguyên bầu” và việc này “đang xác minh”.
Tất nhiên, phát biểu như thế thì quá lạ. Nó cũng lạ như việc Vĩnh Phúc bỗng dưng bỏ ra gần ba trăm tỷ đồng để xây một tòa Văn Miếu nguy nga thờ Khổng Tử hay tuyến đường sắt trên cao của Hà Nội mãi không thể hoàn thành. Nhưng báo chí dường như coi những cái lạ ấy ít hơn những cái lạ khác, lạ kiểu như “Cường “đô-la” ra Hà Nội chụp ảnh nghệ thuật” hoặc “bắt gặp Việt Trinh đi thử váy cưới với bụng to bất thường”...
Thỉnh thoảng cứ phải hỏi xem báo chí ở đâu?
Báo chí trong vụ cây xanh Hà Nội hầu như dựa vào mạng xã hội để phát biểu. Từ ngày mỗi người dân đều có thể đưa ý kiến lên mạng, việc dựa vào ấy có vẻ ngày càng nhiều. Bởi thế, luôn mang màu sắc cảm tính. Dù đứng ở phía bênh vực chủ trương chặt cây hay ngược lại. Không có những cuộc điều tra độc lập của phóng viên tòa soạn về sự minh bạch trong toàn bộ quá trình khốn khó vì cây cũng như cây khốn khó vì con người. Mỗi gốc cây bật gốc đều mang ý nghĩa tố cáo sự bị đối xử bất công của con người bao năm qua với nó, những bầu rễ bị chặt cụt lủn, đè nén bằng bê tông bên trên và các công trình ngầm phía dưới... Nhưng đấy lại không phải điều báo chí quan tâm lắm, hoặc có quan tâm thì quan tâm thụ động, đợi kết luận của các cơ quan chức năng.
Tất nhiên, làm báo bây giờ khó lắm. Không thể chê trách một chiều. Nhưng vụ cây xanh bị đổ làm vỉa hè trở nên buồn bã và bất an quá. Người ta thèm đến chết đi được ngày nào đó ngồi trong một quán chè chén năm xu bên gốc cây và giở một tờ báo ra đọc, như xưa.
Dễ thế, mà dường như không thể nữa rồi...
Hà Phạm
(Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)
- Cận cảnh sự xuống cấp của trụ sở tòa án 'độc nhất vô nhị' 130 tuổi ở Sài Gòn
- Đường Nguyễn Thị Minh Khai (Đà Nẵng): Nét mộc mạc trong lòng thành phố
- Sống khổ trong những ngôi nhà di sản
- Cho phép người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại VN: Không nên mở cửa hẹp
- Những cây cầu gắn với lịch sử của Sài Gòn
- Phản biện từ thiên nhiên
- Đô thị sau đợt nóng lịch sử
- Lãng phí gió sông Sài Gòn
- Sơn Tây âm thầm một phía
- Công trình xanh: bài toán môi trường hay kinh tế?