Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng dựa vào hệ thống cây xanh để “bắt mạch” tình trạng sức khỏe bầu không khí quốc gia. Theo đó, cây xanh cung cấp những chỉ báo quan trọng liên quan đến lượng oxy, khí thải...
Đối với nhiều đô thị ở nước ta, có lẽ chưa cần đến hệ thống cây xanh hay tấm bảng điện tử công bố thông tin về chất lượng không khí... chỉ cần quan sát chiếc khẩu trang hiện diện một cách thường xuyên trên khuôn mặt người dân mỗi khi ra đường là có thể nhận biết được thực trạng môi trường.
Ở ta, ban đầu, khẩu trang xuất hiện lác đác trên những người có cơ địa dị ứng với khói bụi trên đường, nhưng dần dần nó phát triển tới mức đại trà, trở thành thứ phụ kiện không thể thiếu khi ra đường của mọi tầng lớp cư dân đô thị vì mức độ ô nhiễm ngày càng tăng. Nó khiến cho vẻ đẹp trên khuôn mặt của nhiều người bị che đi một cách bất đắc dĩ và vô lý.
Người dân hễ ra đường là phải khẩu trang bịt mặt. Từ trẻ nhỏ đến người già, từ phụ nữ đến nam giới, ai nấy đều gắn bó thân thiết với chiếc khẩu trang. Chưa một vị lãnh đạo nào dám tuyên bố sẽ “lột” được chiếc khẩu trang trên khuôn mặt người dân nhằm trả lại vẻ đẹp tự tin, rạng ngời cho cư dân đô thị.
Bạn có nghĩ việc che đậy gương mặt bất đắc dĩ này có thể dẫn đến chỗ người ngay và kẻ gian bị đánh đồng? Trên kênh truyền hình Quân đội hàng ngày phát bản tin về tình hình truy nã tội phạm. Hình ảnh những tên tội phạm bị truy nã trên toàn quốc được cập nhật thường xuyên để người xem có thể phát hiện và tố giác. Song, với hiện trạng khẩu trang bịt mặt phổ biến như hiện nay, dù có mong muốn tố giác kẻ phạm pháp cũng bó tay.
Làm sao chúng ta có thể phát hiện được dung nhan con người ẩn sau lớp khẩu trang bịt kín mít, che khuất bộ mặt thật.
Thỉnh thoảng khi vào những bãi giữ xe có yêu cầu người điều khiển phương tiện kéo khẩu trang xuống cho máy quét nhận dạng, chúng ta lại có một cảm giác khó chịu tương tự như đối diện trước cơ quan điều tra. Trải qua cảm giác lúc đó mới thấy khẩu trang đã làm thay đổi thói quen văn hóa, kể cả tâm lý con người lúc nào không biết.
Người sống và người chết phân biệt nhau ở hơi thở. Một người bình thường có thể ăn uống nhiều ít khác nhau trong ngày, nhưng ai cũng phải hít thở 24/24 giờ. Tình trạng bệnh viện quá tải, các chứng bệnh về đường hô hấp, thậm chí kể cả bệnh huyết áp, tim mạch, đột quỵ... gia tăng đều liên quan đến chất lượng bầu không khí mà ta đang hít thở hàng ngày.
Các đô thị đang trong giai đoạn xây dựng phát triển với những công trình ngổn ngang, cộng hưởng với sự gia tăng liên tục của các phương tiện giao thông, khí nóng từ máy điều hòa nhiệt độ từ các tòa nhà cao tầng xuất hiện ngày một nhiều... trong khi diện tích cây xanh không thể tăng một cách tương ứng khiến bầu khí quyển càng bức bí.
Chừng nào, chiếc khẩu trang chưa thấy mình trở nên trơ trẽn, dư thừa, tạo thành sự ngột ngạt cho người sử dụng, vẫn còn là sự lựa chọn thiết yếu của thị dân nhằm bảo vệ cơ quan hô hấp của mình mỗi khi chạy xe ra đường thì chừng đó nó vẫn là chỉ dấu phản ánh bầu không khí tệ hại của đô thị. Hình ảnh chiếc khẩu trang che khuất gương mặt thị dân chính là thông điệp về chất lượng sống đáng báo động của một thành phố!
Lê Hải Đăng
(TBKTSG)
- Biết sống một đời!
- 'Phố đi bộ' quanh Hồ Gươm: Đừng bàn lùi!
- Nhà ơi!
- Đà Nẵng: Một tòa nhà, nhiều bài học
- Cầu bộ hành: Làm gì để phát huy tác dụng?
- Những tòa nhà lịch sử trong khuôn viên UBND Thành phố Hồ Chí Minh
- Hà Nội "khát"... nước sạch
- Thị trường thép và Formosa
- Doanh nghiệp bất động sản đang "làm không công" cho Doanh nghiệp điện, nước?
- "Giải cứu" chung cư cũ tại TP.HCM: Câu chuyện chưa hồi kết