Những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hiện đang kinh doanh tại căn hộ chung cư sẽ bị “trục xuất” trong vòng 6 tháng.
Đó là quy định tại điều 80 Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở. Cụ thể: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong vòng sáu tháng, kể từ ngày 10/12/2015 (ngày có hiệu lực của nghị định này). Sau ngày 10/6/2016, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh tại căn hộ chung cư nữa.
Ngay cả trường hợp doanh nghiệp đó từng được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ghi trụ sở tại chung cư thì cũng không có nghĩa được sử dụng địa điểm đó để kinh doanh. Ngược lại, còn có thể bị cấm và yêu cầu chuyển địa điểm khác.
Những chung cư kín biển hiệu của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh
Theo thống kê, hiện tại TP.HCM có gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký trụ sở ở chung cư, 1.300 doanh nghiệp đăng ký trụ sở ở cao ốc. Có trên 10.000 doanh nghiệp đăng ký trụ sở trong tòa nhà, trong đó hơn một nửa đặt ở các tòa nhà quận 1.
Đặc biệt, là giai đoạn trước năm 2010, khi chưa có văn bản quy định về việc hạn chế kinh doanh trong căn hộ chung cư, rất nhiều doanh nghiệp đã từng được cấp đăng ký kinh doanh với trụ sở là nhà chung cư. Do đó, các doanh nghiệp này đều cần chủ động di dời đến trụ sở khác. Nếu không cũng sẽ bị “trục xuất” khi cơ quan quản lý đi hậu kiểm và phát hiện trụ sở trong căn hộ chung cư.
Với trường hợp doanh nghiệp đăng ký trụ sở công ty trong đăng ký kinh doanh địa chỉ ở chung cư, thì Sở Kế hoạch & Đầu tư không đòi hỏi chứng minh quyền sử dụng trụ sở kinh doanh mà để doanh nghiệp tự khai và tự chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ý nghĩa đúng như tên gọi, tức là chỉ chứng nhận việc có đăng ký của doanh nghiệp. Chứ không có nghĩa là trụ sở này được sử dụng để hoạt động kinh doanh. Việc doanh nghiệp có được kinh doanh tại địa điểm đã đăng ký hay không còn phụ thuộc vào các quy định khác như Luật Nhà ở hay điều kiện kinh doanh khác.
Thực ra, không phải đến Nghị định 99/2015 mới quy định không kinh doanh trong căn hộ chung cư. Từ nhiều năm nay, cơ quan đăng ký kinh doanh đã không cho các doanh nghiệp đăng ký trụ sở tại căn hộ chung cư. Riêng tại Sở KH&ĐT TP.HCM, trước đây doanh nghiệp bị yêu cầu chứng minh quyền sử dụng căn hộ vào mục đích kinh doanh. Doanh nghiệp trình được giấy thì Sở mới cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Có giai đoạn Sở KH&ĐT phải phối hợp với các quận, huyện để lên danh sách các dự án, các cao ốc nào là cao ốc văn phòng, thương mại; cao ốc nào có các tầng thương mại… để cấp đăng ký doanh nghiệp hoặc không. Nhưng cách làm này đã từng bị nhiều doanh nghiệp phản ứng. Doanh nghiệp cho rằng Sở đã đòi hỏi giấy tờ ngoài quy định.
Chính vì vậy, hiện nay Sở không đòi hỏi doanh nghiệp chứng minh quyền sử dụng căn hộ vào mục đích kinh doanh nữa. Tuy nhiên, cách làm này lại khiến nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng được quyền kinh doanh tại căn hộ chung cư vì đã được Sở cấp giấy đăng ký.
Theo ý kiến nhiều nhà quản lý, việc không cho phép kinh doanh trong căn hộ chung cư là đúng quy định và đảm bảo yêu cầu về an ninh. Bởi, nếu cho phép thì đời sống người dân ở các khu chung cư này sẽ khó mà đảm bảo về an toàn, trật tự và môi trường chung.
Bên cạnh đó, thiết kế của khu chung cư phù hợp với công trình nhà ở, nên cần sử dụng đúng mục đích để đảm bảo an toàn công trình.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, có thể duy trì hoạt động kinh doanh tại căn hộ chung cư ở những phần cho phép kinh doanh, vì nó giúp cá nhân, tổ chức bán hàng nhỏ lẻ tiết kiệm chi phí và góp phần giảm chi phí kinh doanh, mang lại lợi ích cuối cùng là giá tốt cho người tiêu dùng.
Thy Hằng
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
- Vì sao dự án của Trung Quốc bị “đào thải” ở nhiều nước?
- “Thành phố đáng sống” bắt đầu từ đâu?
- Sân bay Tân Sơn Nhất 100 năm trước của Sài Gòn
- TPHCM: Dân khổ với ngập nước, mùi hôi, kẹt xe
- Thách thức với phát triển đô thị bền vững
- Biết sống một đời!
- 'Phố đi bộ' quanh Hồ Gươm: Đừng bàn lùi!
- Nhà ơi!
- Đà Nẵng: Một tòa nhà, nhiều bài học
- Cầu bộ hành: Làm gì để phát huy tác dụng?