Ashui.com

Saturday
Nov 30th
Home Tương tác Góc nhìn TPHCM: Dân khổ với ngập nước, mùi hôi, kẹt xe

TPHCM: Dân khổ với ngập nước, mùi hôi, kẹt xe

Viết email In

Tình trạng ngập nước nghiêm trọng sau cơn mưa tối 26/8, mùi hôi từ rác thải đang làm khổ nhiều cư dân khu Nam Sài Gòn; kẹt xe, tai nạn giao thông tăng, nhiều hộ dân chưa có nước sạch... là những đề tài nóng bỏng được các sở ngành nêu ra cùng mổ xẻ, bàn phương án xử lý trong cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội TPHCM 8 tháng đầu năm diễn ra sáng 29/8.  


Ít ai ngờ rằng, chỉ sau một cơn mưa lớn nhiều tuyến đường ở TPHCM đã biến thành sông!
(Ảnh: Vũ Yến) 

Nhức nhối vì ngập!

Báo cáo tại cuộc họp sáng nay, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết cơn mưa tối 26/8 với vũ lượng lớn trong hơn 2 giờ đã gây ngập nhiều tuyến đường với nhiều mức độ khác nhau. Nguyên nhân chính được cho là do mưa đã vượt năng lực thoát nước theo quy hoạch thành phố đã duyệt trước đây. Chẳng hạn theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của thành phố đến năm 2020 cần 6.000 km cống thoát nước thì đến nay mới chỉ xong 43%. 

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chống ngập TPHCM, cơn mưa tối 26/8 làm 27 tuyến đường bị ngập; trong đó có hai "điểm nóng" là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và đường Phan Xích Long.

Tại cuộc họp sáng nay, thông tin về giải pháp xóa những điểm ngập nói trên được Giám đốc Trung tâm Điều hành chống ngập nêu ra dường như vẫn chưa thể làm người dân an tâm. Cụ thể, tại khu vực đường Phan Xích Long, ông Công cho biết ngập nhiều là do nhiều cửa xả thoát nước ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị người dân xả rác bít cứng.

"Tính đến nay chúng tôi thống kê có đến 250 trường hợp lấn chiếm kênh rạch, xây hầm ga chồng lên cống gây tắc nghẽn dòng chảy", ông Công thông tin.

Trong khi đó, tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Công cho biết hiện quận Tân Bình đang làm chủ đầu tư công trình thoát nước dự kiến ngày 20/9 tới đây sẽ hoàn thành; song song đó một tuyến cống khác nối khu vực sân bay với đường Nguyễn Kiệm cũng đã hoàn thành 85%.

Một công trình nâng cấp cống tuyến kênh Hy Vọng giúp giảm áp lực thoát nước khu vực sân bay thì đang vướng 97 hộ cần tái định cư; còn đoạn Nguyễn Văn Quá tại quận 12 dù đã nâng xong đường nhưng còn vướng chưa có cửa xả nước ra kênh nên vẫn còn ngập; bến Mễ Cốc quận 8 bị ngập cũng vì do nhiều khu vực không thông cống xả được...

Khẳng định tại cuộc họp sáng 29/8, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng khi các công trình chống ngập làm quá chậm thì mưa xuống gây ngập là chuyện đương nhiên.

"Mọi nỗ lực chống ngập nếu không giải quyết đồng bộ thì ngập vẫn cứ ngập, chương trình chống ngập nói rất nhiều mà khi mưa xuống thì nhà dân, đường sá vẫn cứ bị ngập", ông Phong nói tại cuộc họp và cho biết thêm vừa qua đọc các "comment" trên các báo viết về ngập nước mà nhức nhối vì tác động rất lớn đến đời sống của người dân.

Ông Phong đã yêu cầu ngay thời điểm nay đến giữa tháng 9 tới, từ chủ tịch đến các phó chủ tịch UBND thành phố đều cùng đi xuống địa bàn để chống ngập (trừ phó chủ tịch Nguyễn Thị Thu), quyết không để ngập kéo dài nữa.

Mùi hôi "tra tấn" dân Phú Mỹ Hưng có nguồn từ Đa Phước

Liên quan đến việc nhiều người dân khu vực Phú Mỹ Hưng phản ánh dạo gần đây mùi hôi gây đảo lộn sinh hoạt, tại cuộc họp sáng nay, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và giám đốc sở này bước đầu khẳng định có nguyên nhân bắt nguồn từ bãi rác Đa Phước.

Ông Phong cho rằng đã có nhiều đơn thư phản ánh và yêu cầu các sở ngành sớm bắt tay khảo sát, giải quyết sớm để đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Trước đó, từ tháng 10/2015 nhiều khu đô thị ở Nam Sài Gòn như Phú Mỹ Hưng và các cư dân khu Era Town, Hoàng Anh Gia Lai, Hoàng Anh An Tiến, Sài Gòn Mới... phản ánh bị ảnh hưởng bởi mùi hôi từ rác thải, đặc biệt trong khoảng thời gian có gió Tây Nam từ 16 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND thành phố, ngoài việc UBND thành phố có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với UBND quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh kiểm tra, xác minh nguyên nhân mùi hôi toàn bộ khu vực phía Nam Sài Gòn, sắp tới thành phố cũng tính đến phương án đặt trạm quan trắc mùi tự động để phân tích, quy trách nhiệm chính xác nơi phát tán mùi hôi.

Theo ông Hoan, sắp tới khi Sở Tài nguyên và Môi trường có kết quả kiểm tra sẽ công bố cho người dân biết.

Cố gắng đạt tăng trưởng kinh tế trên 8%

Tại cuộc họp sáng nay, Chủ tịch UBND thành phố cho biết trong năm 2016 TPHCM nỗ lực đạt tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên 8%. Tuy nhiên, nếu nhìn lại trong 6 tháng đầu năm nay GRDP chỉ đạt mức 7,47% thì 3 tháng cuối năm phải nỗ lực rất lớn, quyết liệt mới kỳ vọng đạt mục tiêu đề ra.

Một trong những nội dung thúc đẩy phát triển kinh tế và hoạt động doanh nghiệp được người đứng đầu UBND thành phố đề nghị các sở ngành thực hiện trong các tháng cuối năm chính là thực hiện rốt ráo kế hoạch của UBND thành phố về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cho năm 2016 và những năm tiếp theo.

Ông Phong nhắc lại chỉ tiêu đến năm 2020 thành phố sẽ đạt 500.000 doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi nếu triển khai quyết liệt các giải pháp về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bởi hiện nay thành phố đang có 290.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó phần lớn có đủ điều kiện phát triển lên doanh nghiệp, chưa kể các hợp tác xã và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

"Nếu chúng ta có chính sách, cơ chế hỗ trợ thích hợp thì mục tiêu 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được", ông Phong nhận định và cho biết thêm là không dừng ở con số doanh nghiệp mà điểm nhấn sẽ phát triển những doanh nghiệp có thương hiệu lớn, đủ sức vươn tầm ra thị trường thế giới.

Trước đó, chính quyền TPHCM đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) giai đoạn 2016-2020 bình quân hàng năm 8-8,5%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp và thủy sản, trong đó tỷ trọng của dịch vụ đến năm 2020 chiếm 56-58%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 9.800 đô la Mỹ …

Điểm nhấn lớn nhất đang được chính quyền TPHCM hướng đến là sẽ xây dựng TPHCM thành một đô thị thông minh trong giai đoạn 2025-2030 với ba tiêu chí lớn,gồm xây dựng chính quyền điện tử, quy hoạch thông minh và thúc đẩy phát triển hoạt động kinh tế. 

Văn Nam 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...