Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Phía sau cơ chế đặc thù là thách thức

Phía sau cơ chế đặc thù là thách thức

Viết email In

Sau những hào hứng và kỳ vọng về cơ hội phát triển từ việc được trao quy chế đặc biệt (qua Nghị quyết 54/2017/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 24/11), chính quyền TPHCM đang đứng trước những thách thức và khó khăn lớn. Trước hết là nỗi lo lắng về gánh nặng chính sách, sẽ được đặt ra tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TPHCM, dự kiến bắt đầu từ ngày 5/12.

Nghị quyết 54/2017/QH14 mở ra một cơ chế rất thoáng cho chính quyền thành phố, từ thẩm quyền quyết định những dự án đầu tư công nhóm A thuộc thẩm quyền của Thủ tướng lâu nay, quyết định chuyển diện tích trồng lúa với quy mô trên 10 héc-ta thành đất dịch vụ, cho đến việc đặt ra những khoản phí và lệ phí mới, và thậm chí thẩm quyền nâng mức thuế thêm không quá 25% đối với các loại hàng hóa và dịch vụ thuộc nhóm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường sau khi tham khảo ý kiến các cơ quan trung ương.  


Với quy chế đặc biệt vừa được Quốc hội thông qua, TPHCM được kỳ vọng sẽ sớm vận dụng những cơ chế này vào thực tế để hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
(Ảnh minh họa: Thành Hoa) 

Các chính sách này – cùng với việc được giữ lại số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố quản lý và nhiều khoản giữ lại khác – sẽ tạo ra nguồn lực lớn để phát triển nền kinh tế thành phố. 

Nhưng thách thức là không hề nhỏ.

Tất cả thẩm quyền và đặc quyền đó đòi hỏi phải được chuyển hóa thành những chính sách, quy định và quy trình cụ thể, và phải được thiết kế sao cho thật sự tạo ra được một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và cả các cấp chính quyền.

Ví dụ như thẩm quyền nâng mức thuế thêm không quá 25% đối với các loại hàng hóa và dịch vụ thuộc nhóm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường sau khi tham khảo ý kiến các cơ quan trung ương. Rất nhiều rắc rối sẽ nảy sinh từ thẩm quyền này, đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên môn cao của những “nhà làm luật” và một bộ máy thực thi cần phải chuyển hóa.

Thị trường thành phố là một phần của thị trường cả nước, và một câu hỏi lớn nảy sinh là làm thế nào để điều hòa, kiểm soát sự cạnh tranh nội địa, bởi vì hàng hóa từ những địa phương có thuế suất thấp có thể tràn vào TPHCM, nơi sẽ áp thuế suất cao hơn.

Các sản phẩm túi nylon, các loại thuốc trừ sâu, xăng dầu và những mặt hàng khác chịu thuế bảo vệ môi trường (thấp hơn) từ các địa phương khác sẽ thâm nhập thị trường thành phố, và tương tự là bia, rượu, thuốc lá, và vô số các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khác, gây áp lực lên các doanh nghiệp tại địa phương. Các hàng rào không thể dựng lên để ngăn chặn các sản phẩm này, vì Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra yêu cầu là “Bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ.”


TPHCM đang chuyển hướng sang phát triển các dự án công nghệ cao. Hình ảnh minh họa là một khu nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh: NH)

Chỉ một ví dụ về thẩm quyền tăng thuế đã đặt ra không ít thách thức về chính sách cho các cấp chính quyền. Việc đặt ra các loại phí và lệ phí mới, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, việc quyết định các dự án nhóm A, việc cổ phần hóa… chắc hẳn cũng sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và chất xám, trong khi thời gian lại ngắn ngủi vì Nghị quyết về cơ chế tự chủ này chỉ có thời hạn 5 năm, bắt đầu từ ngày 15-1-2018.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, trong cuộc trao đổi với báo giới gần đây, đã nhấn mạnh rằng các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan cần phải nhanh chóng thực hiện Nghị quyết này trong thời hạn ba năm còn lại của nhiệm kỳ, để kịp thời báo cáo Quốc hội vào năm 2020 về các kết quả đạt được. Trên cơ sở đó, các cơ quan trung ương sẽ cân nhắc, xem xét việc tiếp tục duy trì hoặc mở rộng cơ chế tự chủ cho thành phố hay không.

Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội được xem là đòn bẩy để kinh tế TPHCM tăng trưởng nhanh, mạnh và bền vững hơn. Vấn đề còn lại là năng lực sử dụng đòn bẩy đó của thành phố như thế nào, và mọi việc sẽ khởi đi từ các cơ quan đầu não của chính quyền thành phố. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong 18 nội dung của cơ chế, chính sách đặc thù của TPHCM có 12 nội dung cần có quy định của HĐND thành phố. Do vậy, ngay kỳ họp diễn ra trong tháng 12 này, HĐND thành phố sẽ ra nghị quyết để triển khai ngay những nội dung về cơ chế đặc thù cho TPHCM.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ có chương trình thực hiện trong ba năm 2018-2020 và kế hoạch triển khai hàng năm. Như vậy, không phải xin cơ chế rồi để đó hay có sự “chùng chình”. Một thành phố năng động sẽ phải thể hiện qua những hành động và nỗ lực cụ thể, để hướng tới mục tiêu đổi mới và phát triển bền vững. 

Hoàng Khang 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...