Cơ hội việc làm thiếu, tỷ lệ đô thị hoá thấp được xác định là một trong những nguyên nhân khiến người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bỏ xứ đi “Bình Dương”. Do đó, muốn chặn đứng di dân, ngoài việc phải tạo công ăn việc làm, thì cần phải nâng cao điều kiện sống cho người dân.
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thực hiện đã chỉ ra rằng, trong 10 năm (từ 2009 đến 2019) tốc độ tăng trưởng dân số của vùng chỉ 0,1%, trong khi tỷ lệ chung của cả nước là 1,1%.
Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho biết trong vòng 10 năm qua, dân số ĐBSCL gần như không thay đổi. “Năm 2009, dân số ĐBSCL là 17,2 triệu người, thì đến năm 2019 là 17,3 triệu người”, ông dẫn chứng và nhấn mạnh rằng: “Đây là vùng duy nhất có tốc độ tăng trưởng dân số gần như là 0% trong 10 năm qua”.
Trong mười năm qua, đã có khoảng 1,3 triệu người – tương đương với dân số của một tỉnh thuộc ĐBSCL – rời khỏi ĐBSCL để đến TPHCM và Đông Nam bộ (người miền Tây hay nói là đi Bình Dương - PV) để làm việc và sinh sống.
Dòng người nối nhau rời TPHCM về quê mỗi dịp Tết. (Ảnh: thanhnien.vn)
Di dân đúng là một câu chuyện nhức nhối của ĐBSCL như lời của ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, trao đổi với TBKTSG Online bên lề lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL nói trên.
Đâu là nguyên nhân của di dân?
Khi nói về nguyên nhân của câu chuyện di dân ở ĐBSCL, ông Tự Anh cho rằng, do cơ hội kinh tế của ĐBSCL đang suy giảm hay nói cách khác ĐBSCL kém hấp dẫn một cách tương đối so với các vùng, miền khác.
Cũng dẫn từ bản báo cáo, ông Nguyễn Phương Lam cho hay tình trạng di dân xảy ra phần lớn ở vùng nông thôn. “Điều này chứng tỏ điều kiện sống thấp và cơ hội tìm kiếm việc làm của khu vực này (nông thôn-PV) không nhiều”, ông dẫn chứng và giải thích do đã đạt ngưỡng phát triển về lượng doanh nghiệp.
Cụ thể, theo ông Phương Lam, doanh nghiệp mới thành lập của vùng tăng rất chậm, đầu tư nước ngoài (FDI) vào vùng cũng thuộc ít nhất cả nước và các doanh nghiệp lớn đầu tư từ vùng khác vào ĐBSCL cũng không nhiều.
“Nguyên nhân lớn nhất cản trở thu hút đầu tư đó là hạ tầng giao thông. Khi giao thông không nối kết và không đủ, thì sẽ không có nhà đầu tư. Và khi không có đầu tư, tức không giải quyết được việc làm”, ông Phương Lam khẳng định.
Trong bối cảnh thu hút được đầu tư kém, thì doanh nghiệp hiện hữu của vùng cũng không thể mở rộng thêm. “Có thể nói, chúng ta đã tới ngưỡng của sự phát triển về việc làm”, ông nói.
Một nguyên nhân khác cũng khiến di dân là câu chuyện báo động của ĐBSCL, theo ông Lam, đó là tỷ lệ đô thị hoá của ĐBSCL thấp nhất cả nước. “Tỷ lệ đô thị hoá có tăng trưởng, nhưng so với các vùng khác thì chúng ta rất chậm”, ông nói.
Tỷ lệ đô thị hoá thấp, trong khi người dân lại đòi hỏi và mong được hưởng điều kiện sống cao hơn. “Rõ ràng, khi họ thấy cuộc sống không tốt, thì họ phải tìm đi nơi khác”, ông Lam nói.
“Đau" đâu phải "trị" đó
Từ những nguyên nhân đã được xác định, ông Lam cho rằng, cốt lõi của vấn đề là phải giải quyết được bài toán hạ tầng giao thông. Bởi, khi hạ tầng kết nối phát triển tốt, thì việc thu hút đầu tư sẽ được cải thiện, tức việc làm mới được tạo nhiều hơn hay nói cách khác người dân ĐBSCL sẽ không phải di dân nữa.
Trong khi đó, để nâng cao điều kiện sống cho người dân, ông Lam gợi ý, cần phát triển những đô thị vệ tinh ở cấp huyện, vùng ven, vùng xa một cách hoàn chỉnh hơn, tốt hơn. “Khi người dân cảm thấy có những cơ hội (việc làm), điều kiện sống tốt hơn, thì họ sẽ ít phải di dân”, ông giải thích.
Theo ông Lam, nếu giải quyết được hai bài toán về đô thị và hạ tầng giao thông, thì sẽ kéo theo đầu tư nhiều hơn, cuộc sống tốt hơn, người dân sẽ ít bỏ đi hơn. “Đó là chưa kể các vấn đề xa hơn, là tác động của biến đổi khí hậu, ngập lụt, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến mùa màng của người dân”, ông cho biết.
Khi nhìn vào cơ cấu kinh tế của vùng, theo ông Anh, trong 10 năm qua, đã có sự thay đổi mạnh, nhưng chủ yếu ở khu vực nông nghiệp và dịch vụ (nông nghiệp giảm, dịch vụ tăng), trong khi công nghiệp gần như không tay đổi. “Đây là điểm chí tử của ĐBSCL và nếu không giải quyết vấn đê này, thì ĐBSCL rất khó phát triển”, ông nhấn mạnh.
“Tại sao như vậy?”, ông Anh nêu câu hỏi và cho rằng, khi nói dịch vụ, thì ĐBSCL dịch vụ chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, tức không thể nào tạo ra giá trị gia tăng cao. “Vì vậy, chúng ta phải qua giai đoạn phát triển công nghiệp, tạo công ăn việc làm”, ông cho biết và gợi ý công nghiệp cần gắn với nông nghiệp, công nghiệp gắn với thế mạnh đầu vào...
Một điểm đáng lưu ý được ông Anh nêu ra, đó là chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), thì ĐBSCL là "điểm sáng" khi so sánh với các vùng miền khác. “Tuy nhiên, PCI tăng lên, nhưng số lượng doanh nghiệp lại tăng không tương ứng”, ông cho biết và dẫn chứng tăng trưởng doanh nghiệp cả nước khoảng 5,2%, trong khi của ĐBSCL chỉ khoảng 1,3%.
Từ phát hiện nêu trên, ông Anh đặt câu hỏi và yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL cũng như VCCI và VCCI chi nhánh Cần Thơ cùng tìm hiểu lời giải, đó là: “Liệu rằng sự quan tâm của chúng ta là đúng chưa? PCI rõ ràng cao, nhưng sao doanh nghiệp lại thấp?”.
Hệ quả của doanh nghiệp thấp, đó là cơ hội việc làm cho người dân cũng ít, cho nên, cần giải quyết để "xoá" câu chuyện người dân ĐBSCL bỏ đi Bình Dương như thực tế đã nêu ở trên.
Trong khi tăng trưởng doanh nghiệp của vùng thấp, thì quy mô sử dụng lao động cũng như quy mô vốn của doanh nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm. “Quy mô vốn thấp điều đó có nghĩa rất khó để tăng công công suất, ứng dụng công nghệ...”, ông cho biết.
Trung Chánh
(TBKTSG)
- 2021 - năm cầu an và hy vọng
- Vành đai 3 quanh TP.HCM dang dở sau 10 năm phê duyệt
- Tâm thức biển của người Việt: một cái nhìn văn hóa - lịch sử
- Công trình xanh "tự phong": Đâu phải trồng cây xanh là có chứng nhận xanh
- "Không thể cứ vỉa hè vỡ thì đổ tại ô tô"
- Mối nguy rác thải nhựa
- Nét hiện đại và xưa cũ trong không gian kiến trúc Hà Nội
- Phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội: Thông chỗ này tắc chỗ kia
- Những vấn đề tiếp nối của đô thị
- Phát triển bảo tàng với nhiều cách tiếp cận