Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Góc nhìn "Siết" cao ốc ở trung tâm Sài Gòn

"Siết" cao ốc ở trung tâm Sài Gòn

Viết email In

Thành phố sẽ hạn chế xây cao ốc ở các quận nội thành, nhất là quận 1 và 3 bởi hạ tầng đô thị nơi đây đang quá tải, ùn tắc ngày càng nghiêm trọng.

Đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đoạn từ nút giao Lê Duẩn tới vòng xoay Công trường Mê Linh dài hơn một km nhưng có đến 15 tòa cao ốc thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê... Buổi sáng vào giờ tan tầm, xe cộ dày đặc trên đường, nhích từng chút một. Nhiều ôtô bật đèn xi nhan nối đuôi ra vào các tòa nhà ven đường khiến dòng xe máy lâu lâu phải khựng lại nhường đường.


Quận 1 nhìn từ trên cao tháng 9/2020 - nơi bị hạn chế xây dựng dự án cao ốc nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội tương ứng.
(Ảnh: Như Quỳnh)

Chị Thanh Nhàn, 32 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận 4 cho biết, bốn năm nay gần như ngày nào đường Tôn Đức Thắng cũng bị kẹt xe. Nhà ở quận Bình Thạnh cách chỗ làm ở quận 4 hơn 3 km nhưng nhiều hôm chị mất chừng 30 phút mới tới công ty. Từ khi đường bị rào chắn để thi công cầu Thủ Thiêm 2, kẹt xe càng nghiêm trọng hơn.

"Tôi từng thử đi đường khác để tránh ùn tắc nhưng không khả thi vì đi đâu cũng gặp ùn tắc. Nhiều người sốt ruột chạy xe lên cả vỉa hè", chị Nhàn nói và cho biết từ khi hai hàng cây cổ thụ ở đường Tôn Đức Thắng bị chặt, hàng dài cao ốc càng lộ rõ. Ùn tắc giữa lúc nắng gắt khiến nhiều người đi đường tỏ vẻ mệt mỏi.

Tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm cũng hay xảy ra ở các tuyến đường tại quận 1 và 3 có nhiều nhà cao tầng, như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Văn Đạt, Hồ Tuấn Nghiệp, Ngô Đức Kế... Ở những tuyến đường này, ôtô xếp hàng dài ở lòng đường, taxi, xe ôm công nghệ ra vào liên tục. Còi xe bấm inh ỏi tạo nên cảnh ùn tắc, kẹt xe giờ cao điểm.

Đường Bến Vân Đồn, quận 4, dài 2 km từ cầu Khánh Hội đến cầu Nguyễn Văn Cừ mấy năm gần đây mọc lên nhiều cao ốc, chung cư hàng chục tầng. Mỗi khi các tòa nhà tổ chức sự kiện quy mô lớn, người đổ về đông khiến tuyến đường ùn tắc nghiêm trọng - điều mà trước đây hiếm gặp.


Chung cư nằm san sát nhau ở Bến Vân Đồn, quận 4.
(Ảnh: Hà An)

Thành phố hiện có hơn 1.000 tòa nhà cao 25-100 m, tập trung ở các quận 1, 3, 5 khiến hạ tầng nơi đây bị quá tải. Chính quyền thành phố những năm qua đã có những điều chỉnh về quy hoạch nhằm giảm áp lực. Đáng chú ý đề án phát triển nhà ở TP HCM vừa được UBND thành phố thông qua, 10 năm tới 7 quận (1, 3, 4, 5, 6, 11 và Phú Nhuận) bị hạn chế xây nhà cao tầng. Quỹ đất ở các quận này sẽ ưu tiên dự án xây mới thay thế chung cư cũ; chỉnh trang nhà ở kênh rạch...

Đại diện Sở Xây dựng (đơn vị xây dựng đề án) lý giải việc hạn chế các dự án cao tầng xuất phát từ hạ tầng đô thị, giao thông ở khu vực trung tâm đang quá tải, thường xảy ra ùn tắc, ô nhiễm và ngập nước. Trên thực tế, nhiều tuyến đường chỉ dài 2-3 km, rộng 8-10 m nhưng đang "gánh" đến vài chục cao ốc với hàng chục nghìn hộ dân nên hạ tầng đô thị, giao thông không theo kịp.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM cho biết thành phố là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, quá trình đô thị hóa nhanh nên cần xây dựng nhiều cao ốc mới đạt hiệu quả về mặt kinh tế. Tuy nhiên, việc này chỉ phát huy tác dụng nếu hệ thống đường sá, cầu cống xung quanh các tòa nhà được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu người dân, giúp việc đi lại thuận lợi.

"Thành phố hạn chế xây cao ốc là hoàn toàn đúng vì đường xá, hạ tầng ở khu trung tâm đã đến mức giới hạn, không thể tiếp nhận thêm nữa", ông Cương nói và cho biết giải pháp này từng được nhiều chuyên gia quy hoạch đề xuất chính quyền thành phố.

Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM cũng cho rằng không chỉ hạn chế xây dựng mà thành phố có thể dùng biện pháp mạnh cấm xây dựng cao ốc ở khu trung tâm. Khu vực nào muốn xây thì chủ đầu tư phải cam kết đầu tư hạ tầng cầu cống, đường xá cho người dân thuận tiện đi lại.


Khu vực vòng xoay tượng đài Trần Hưng Đạo gần Bến Bạch Đằng, quận 1, có 4 tòa nhà cao tầng gần nhau.
(Ảnh: Hà An)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea) nói rằng vấn đề kiểm soát cao ốc ở trung tâm thành phố đã được chính quyền thành phố nhiều lần đặt ra. Có lúc thành phố còn dự tính không cho phát triển dự án nhà cao tầng ở trung tâm nhưng có nhiều đơn vị có ý kiến nên việc cấm đã không xảy ra.

Theo KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM, để kiểm soát việc xây cao ốc, thành phố cần có những quy định chi tiết về hệ số sử dụng đất ở khu vực trung tâm, hạn chế mật độ xây dựng, tầng cao... để giảm tác động tiêu cực tới đô thị từ nhà cao tầng.

Ông Mười cho hay động thái hạn chế nhà cao tầng ở trung tâm là điều kiện để thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh như khu Tây Bắc (huyện Củ Chi), khu Đông (TP Thủ Đức)... Tuy nhiên, những nơi này phải đảm bảo điều kiện hạ tầng trường học, bệnh viện, khu giải trí, trung tâm thương mại, giao thông thuận lợi mới thu hút người dân. Điều này cũng phù hợp chủ trương phát triển đô thị đa cực của thành phố và là giải pháp giãn dân, giảm áp lực cho trung tâm.

Hữu Công - Hà An

(VnExpress)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...