Thế là chúng ta chính thức bước vào năm 2021. Chưa bao giờ chúng ta lại tiết kiệm niềm mong ước đến thế.
Đầu năm lên chùa, không mấy ai còn cầu lộc, cầu tài mà chỉ cầu an và cầu phước. Ngay trên mặt báo tất niên, thấy vắng bóng hẳn những cụm từ như “tràn trề hy vọng”, “tăng trưởng mạnh mẽ”, “bứt phá, đột phá, tăng tốc” mà thay vào đó là “lạc quan chừng mực”, “bước đi thận trọng”, “hy vọng hồi phục”, “tái thiết từng phần”. Cũng phải thôi, năm 2020, cả thế giới rơi vào một trạng thái khủng hoảng toàn diện chưa từng xảy ra trước đó, do vậy năm 2021 này với người dân thành phố chúng ta niềm mong ước thật bình dị, đó là còn nhìn thấy nhau mỗi ngày, cả thành phố tiếp tục siết tay nhau tránh né dịch Covid-19, nhưng xem ra điều mong ước ấy cũng mong manh lắm, chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là bao nhiêu cố gắng của cả đất nước “đổ sông, đổ biển” ngay.
Thành phố Thủ Đức - điểm đột phá chiến lược của TPHCM. (Ảnh: N.K)
Mô hình “thành phố trong thành phố” được coi như chìa khóa mở ra một vận hội phát triển mới cho TPHCM và Đông Nam bộ. Đó là việc kết nối liền mạch tạo nên dải đô thị ở phía Đông Bắc của khu vực Đông Nam bộ từ thành phố Thủ Đức lên thành phố Biên Hòa, nối vào thành phố sân bay Long Thành và lan ra Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Mặc dù vậy, năm 2020 cũng có một vài tín hiệu vui làm tiền đề cho tái thiết hậu dịch Covid-19, đó là việc Quốc hội thông qua đề án chính quyền đô thị cho TPHCM. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển nền quản trị đô thị đi từ thời bao cấp (sau 1975) đến hiện đại và tiệm cận với trình độ phát triển của thế giới. Quyết định này cũng chấm dứt một quá trình quyết tâm kiên trì đeo bám của chính quyền và nhân dân trong suốt 13 năm (2007-2020), và mở ra một giai đoạn mới là hiện thức hóa đề án vào trong đời sống của một thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất, đông dân nhất cả nước. Quyết định này cho phép TPHCM áp dụng mô hình chính quyền đô thị ngay mà không phải qua thử nghiệm, nhằm giúp TPHCM tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, với mục tiêu tinh gọn bộ máy, tiến hành phân quyền sâu rộng, đẩy mạnh chính phủ điện tử, xây dựng nền công vụ gần dân, vì dân.
Đồng thời với nó là mô hình “thành phố trong thành phố” lần đầu tiên ra đời ở Việt Nam. Quyết định quan trọng này được coi như chìa khóa mở ra một vận hội phát triển mới cho TPHCM và Đông Nam bộ. Đó là việc kết nối liền mạch tạo nên dải đô thị ở phía Đông Bắc của khu vực Đông Nam bộ từ thành phố Thủ Đức lên thành phố Biên Hòa, nối vào thành phố sân bay Long Thành và lan ra Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây sẽ là dải đô thị đóng vai trò động lực chính cho toàn vùng nói chung, TPHCM nói riêng, nhằm phá vỡ điểm nghẽn và sức ỳ xuất hiện trong thời gian năm năm gần đây.
Những cái được gọi là ưu thế vượt trội có tính cạnh tranh cao của TPHCM đã rơi vào điểm tới hạn. Đó là nhân công giá rẻ không còn được ưa chuộng; quỹ đất cho bất động sản và công nghiệp đã cạn kiệt; hệ thống dịch vụ cho sản xuất, cư trú, du lịch của các tỉnh lân cận đã cải thiện đáng kể; đầu tư nước ngoài (FDI) của Đồng Nai, Bình Dương cao hơn TPHCM.
Chính vì thế, sự ra đời của dải đô thị phía Đông Bắc này đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho TPHCM. Hỗ trợ cho dải đô thị này là một loạt các dự án quan trọng, trước hết phải kể đến tuyến metro số 1, theo thiết kế ban đầu nó dài chừng 20 ki lô mét, từ Bến Thành đến Suối Tiên, nhưng nay Chính phủ đã đồng ý kéo dài hai nhánh, một nhánh về Bình Dương (hơn 2 ki lô mét) nối với Thủ Dầu Một và một nhánh đến ngã tư Vũng Tàu (dài hơn 5 ki lô mét). Tuyến metro này sẽ được đưa vào hoạt động năm 2021, vì tính chất con thoi đi về giữa hai đầu và hoạt động 24/24, cho nên nó sẽ trở thành phương tiện giao thông kết nối thường trực và sinh động nhất giống như xương sống của dải đô thị. Một thị trường bất động sản và các công trình dịch vụ dọc theo tuyến metro này đang hình thành sôi động.
Tiếp theo đó là sân bay quốc tế Long Thành. Sân bay Long Thành không đơn thuần chỉ là cảng hàng không, mà nó sẽ trở thành một thành phố cảng sân bay có quy mô lớn và hiện đại ngang tầm với các thành phố sân bay trên thế giới. Thành phố sân bay Long Thành trở thành điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 56 ki lô mét. Theo thiết kế ban đầu thì tuyến này có 4 làn xe, nhưng nay Chính phủ đã đồng ý mở rộng ra 8-12 làn xe để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của khu vực này. Nó sẽ là trục giao thông huyết mạch của dải đô thị này.
Cuối cùng là sự ra đời của thành phố Thủ Đức trong kỳ vọng là điểm đột phá chiến lược của TPHCM. Đây sẽ là trung tâm khoa học sáng tạo, công nghệ - kỹ thuật cao, tương tác đa chiều nhằm tạo động lực phát triển kinh tế cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung theo hướng nền kinh tế tri thức, và theo kỳ vọng khi hình thành nó sẽ tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ cho thành phố và người khởi xướng ý tưởng đã phỏng đoán là nó sẽ đóng góp một phần ba GDP cho TPHCM, tức khoảng 7% GDP của cả nước. Với diện tích 212 ki lô mét vuông và dân số 1,1 triệu người chắc chắn nó sẽ tạo ra một khu vực phát triển năng động. Như thế dải đô thị với gần 2 triệu dân và 500 ki lô mét vuông này chắc chắn sẽ trở thành cục nam châm khổng lồ hút các nhà đầu tư tầm cỡ trong và ngoài nước, và rất có thể trở thành nơi phát triển nóng nhất cả nước từ nay đến năm 2050.
Dù phía trước còn khó khăn chật vật, chưa kể những biến cố bất thường có thể xảy ra, nhưng người dân thành phố này vẫn mong có được cuộc sống bình yên. Có thể chưa phải là trung tâm tài chính lớn nhất châu Á, có thể chưa hoàn toàn là thành phố đang sống lý tưởng, nhưng cần làm sao cho người dân không còn chịu cảnh ngập nước đến ngang lưng, rác thải, ô nhiễm khói bụi bủa vây, không còn nạn trộm cướp hoành hành, tai nạn giao thông, kẹt xe, cháy nổ, rủi ro giảm hẳn.
Ít có ở nơi nào như ở TPHCM và toàn vùng đất Nam bộ này, các địa danh, công trình, tên người gắn với chữ An nhiều đến thế. Nào là An Giang, An Phú - An Khánh, An Phước, An Điền, An Khang, An Lạc,... Điều đó nói lên tính cách người Nam bộ đấy. Đêm 30, sau giao thừa, mọi người thong thả lên chùa, nhà thờ, đình, miếu trước là cầu cho quốc thái dân an, sau là cầu cho nhà nhà an bình. Mong năm 2021 đến nhẹ nhàng, bớt hành dải đất hình chữ S này vốn đã chịu quá nhiều tổn thương. Thôi thế được thế cũng là nhiều rồi.
Nguyễn Minh Hòa
(TBKTSG)
- Lướt qua những mảnh làng đào Hà Nội
- Trả lại mảng xanh cho đô thị
- Bến Nghé – Dòng sông tâm linh dưới triều Nguyễn
- Những đe dọa với tương lai đô thị
- "Siết" cao ốc ở trung tâm Sài Gòn
- Vành đai 3 quanh TP.HCM dang dở sau 10 năm phê duyệt
- Tâm thức biển của người Việt: một cái nhìn văn hóa - lịch sử
- Công trình xanh "tự phong": Đâu phải trồng cây xanh là có chứng nhận xanh
- "Không thể cứ vỉa hè vỡ thì đổ tại ô tô"
- Để giảm thiểu tình trạng di dân ra khỏi ĐBSCL: "Đau ở đâu, trị ở đó"