Thành phố Thủ Đức sẽ được đầu tư thêm 26 công viên trong năm nay có lẽ là thông tin được nhiều người quan tâm nhất sau bộn bề các thông tin sốt nóng khác từ ngày nơi đây chính thức lên thành phố (TP).
Bởi thiếu mảng xanh là một trong những lý do làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân dù điện, đường, trường, trạm có được đầu tư lớn đến đâu.
(Ảnh: Lê Việt Hà /Ashui.com)
Có thể nói, chưa bao giờ người dân TP.HCM, Hà Nội khát mảng xanh như hiện nay, nhất là khu trung tâm. Cứ nhìn vào con số mục tiêu và thực tế sẽ hiểu, cơn khát này cháy bỏng đến thế nào. Cụ thể theo quy hoạch, diện tích đất dành cho công viên cây xanh của TP.HCM là hơn 11.400 ha, tương ứng mỗi người dân được hưởng 7 m2. Nhưng đến nay, toàn bộ công viên của TP chỉ khoảng 500 ha, tương ứng mỗi người được 0,55 m2. “Lá phổi” teo tóp trong khi ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường... ngày càng trầm trọng đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Công viên mất đi, mảng xanh bị xà xẻo vì 1.001 lý do khác nhau, người dân TP thiếu hẳn chỗ để đi dạo, vui chơi, hít thở không khí trong lành.
Người giàu có thể mua thêm căn nhà thứ 2 ở ngoại ô, ở các tỉnh lân cận, ở các điểm du lịch gần núi, gần biển để cân bằng cuộc sống. Người ít điều kiện hơn cũng cố gắng cơi nới sân thượng, ban công, góc sân trồng thêm ít rau, trồng hoa. Chỉ có người nghèo thành thị phải chấp nhận thiệt thòi khi môi trường sống ngày càng ngột ngạt.
Trở lại với câu chuyện của Thủ Đức. Từ ngày lên TP, những vấn đề được nhắc đến nhiều nhất là cơ chế chính sách đặc thù, là xây dựng TP tri thức, là giá đất sốt nóng... Thế nhưng để trở thành nơi đáng sống, để có thể thu hút đại bàng này, chim sẻ kia đến làm tổ, đẻ trứng thì TP.Thủ Đức không thể thiếu các mảng xanh, một trong những điều kiện cần và đủ để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho cư dân. Nói thế để thấy, việc quy hoạch 26 công viên cho nơi này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, quan trọng nhất là quy hoạch phải được thực hiện chứ không chỉ nằm trên giấy. Như nói trên, quy hoạch công viên của TP.HCM thực ra không thiếu nhưng thực tế thì lại rất yếu bởi toàn quy hoạch treo. Chưa kể, tình trạng công viên bị xà xẻo diễn ra khắp nơi; chính quyền TP cũng nhiều lần tỏ thái độ kiên quyết lấy lại nhưng rồi mọi chuyện đâu vẫn đó. Công viên mới thì hiếm, giữ công viên cũ cũng không xong khiến “lá phổi” của TP ngày càng teo tóp.
Đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020 - 2030 của UBND TP.HCM đã được thông qua, trong đó nêu rất cụ thể quận, huyện nào có bao nhiêu công viên, trồng bao nhiêu cây xanh. Lộ trình thực hiện cũng khá bài bản, từ rà soát các quy hoạch cũ, lấy lại công viên bị xâm chiếm, xà xẻo cho đến xây dựng các mảng xanh mới... Mấu chốt cuối cùng vẫn nằm ở việc lãnh đạo TP có thật sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện hay không. Mà để quyết liệt và thành công, cần có một “tư lệnh” gắn với trách nhiệm cụ thể. Không thể và không nên giao chung chung, chịu trách nhiệm chung chung rồi hết 5 - 10 năm nữa chúng ta lại vẫn loanh quanh với những vấn đề cũ. Bởi tình trạng ô nhiễm không khí đã và đang ngày càng trầm trọng.
Xanh hóa TP, xét cho cùng là cho chính gia đình, người thân, bạn bè và cho chính mỗi chúng ta.
Nguyên Khanh
(Thanh Niên)
- Số phận nào cho tu viện cổ của Đà Lạt?
- Đối tác công tư PPP dưới góc nhìn của quan sát viên
- Kiến trúc độc đáo của đình Hoành Sơn 260 năm tuổi ở Nghệ An
- Bỏ phố về quê - chọn lựa nhất thời hay xu hướng?
- Lướt qua những mảnh làng đào Hà Nội
- Bến Nghé – Dòng sông tâm linh dưới triều Nguyễn
- Những đe dọa với tương lai đô thị
- "Siết" cao ốc ở trung tâm Sài Gòn
- 2021 - năm cầu an và hy vọng
- Vành đai 3 quanh TP.HCM dang dở sau 10 năm phê duyệt