...“Bao giờ chúng ta sẽ phá đình làng?”. Đấy không phải là một câu hỏi chơi. Đấy là một câu hỏi đầy lý do. Bởi chúng ta đang phá đi rất nhiều những di sản tinh thần vô giá trong đó có cả những di sản thiên nhiên ban tặng.
Có một điều rất may mắn là khi chùa bị phá như một chiến dịch thì không ai phá đình. Bởi thế cho đến bây giờ, những ngôi đình đã xây ở các làng vẫn còn. Tuy rằng nhiều ngôi đình đã bị thời gian và chủ yếu là sự thờ ơ của con người làm cho hư hỏng.
Có một lần, một người bạn tôi đang uống cà phê bỗng cất lên một câu hỏi nghe xong mà thất kinh: "Bao giờ chúng ta sẽ phá đình làng?". Trước kia, chúng ta phá chùa bởi sự ấu trĩ về văn hoá và nhiều mặt khác. Bây giờ có phá đình thì lại bởi một lý do khác: lý do đô thị hoá.
Tất nhiên, chẳng ai rồ dại lại nghĩ đến một ngày những ngôi đình làng bị phá để xây một thứ khác. Nhưng nếu cứ đà phá các vùng thiên nhiên đặc biệt để mở các khu vui chơi giải trí hay các công trình gì đó, hoặc xây dựng các khu dịch vụ xunh quanh các danh lam thắng cảnh thì biết đâu có ngày người ta phá luôn cả đình làng.
Nỗi lo sợ đã cất lên một câu hỏi làm thất kinh người nghe của bạn tôi không phải là không có lý. Bởi thực tế, chúng ta đã ngang nhiên và vô cảm tàn phá thiên nhiên và làm tổn hại đến nhiều danh lam thắng cảnh chỉ vì mục đích kinh doanh.
Những nhà quản lý và những nhà nghiên cứu văn hoá làng truyền thống đã và đang nói đến nguy cơ văn hoá làng bị cơn thác của đô thị hoá tàn phá. Nhưng có một điều tôi chưa thấy ai nói đến vị trí tối thượng của đình trong văn hoá làng.
Nếu ở một làng quê Bắc Bộ có một ngôi chùa và một ngôi đình thì khi người ta phá ngôi chùa đó văn hoá làng cũng chỉ bị lung lay chút ít. Nhưng nếu người ta phá đình thì văn hoá làng giống như một cái cây bị chặt hết rễ. Cái cây sẽ héo dần và chết. Với những người đã sinh ra và lớn lên ở làng quê sẽ dễ cảm nhận hơn khi ngôi đình bị phá đi. Không có gì có thể thay thế vào nơi một ngôi đình khi đã bị biến mất. Nó sẽ để lại một lỗ thủng khổng lồ trong đời sống tinh thần của dân làng. Lỗ thủng đó sẽ giống như một vết hoại tử ăn dần từng bộ phận trên cơ thể.
Các làng quê hiện nay không cưỡng nổi sự ám ảnh ma quỷ của bê tông hoá. Chính thế mà không ít gia đình ở thôn quê đã phá ngôi nhà cổ vô giá của mình để xây một khối bê tông nặng nề và phi thẩm mỹ. Nhưng có điều lạ là hầu như tôi không thấy người ta có ý định sửa lại đình bởi sự mê dụ của kiến trúc thời thượng. Hơn thế, cả những người đã có nguồn gốc làng nhưng sống ở đô thị đã lâu đang ngày càng có ý thức bảo vệ đình làng của họ.
Việc tu bổ đình làng ở nhiều nơi là do người dân tự nguyện quyên góp. Mà phần quyên góp quan trọng nhất lại là những người đang sống ở thành thị. Vì chỉ có họ mới có điều kiện kinh tế để làm việc đó và hơn ai hết họ hiểu được giá trị tinh thần thiêng liêng của những ngôi đình.
Những lúc về quê, tôi thường lần mò đi dọc các ngõ làng vào buổi trưa để chụp ảnh những dấu vết kiến trúc của làng xưa còn lại. Có lúc tôi ngẩn ngơ trước một cái cổng ngõ đã bị xây bịt kín của một ngôi nhà. Gia chủ thích có một cái cổng ngõ xi măng quét sơn xanh đỏ cùng với hai cánh cửa sắt như những gia đình ở thành phố. Nhưng những gì còn lại của cái cổng ngõ cũ đó dù đã bị thời gian phủ lên vẫn lộng lẫy và kỳ ảo biết nhường nào. Và tôi cảm nhận được hơi thở của ngàn năm rạo rực và ấm nóng tràn về qua những cổng ngõ đã bị bịt kín đó.
Nhiều buổi trưa, tôi ngồi một mình trên bờ chiếc giếng bán nguyệt trước cửa đình hoặc ngồi trên hiên đình. Một cảm giác vừa tôn nghiêm, vừa gần gũi, vừa cổ xưa tràn ngập tâm hồn. Cái kỳ lạ của đình làng là làm cho con người khi bước vào đó vừa được trùm phủ lên tâm hồn bởi sự tôn nghiêm, linh thiêng lại vừa được sống trong một không khí ấm áp, gần gũi và giản dị như ở trong chính ngôi nhà của mình.
Theo tôi, lý do quan trọng nhất làm cho đình làng giữ vai trò tối thượng như cái hạt của một cái quả là văn hoá làng truyền thống. Trong suốt mấy chục năm trước đây, đình làng đã được sử dụng ra ngoài mục đích vốn có. Người ta biến đình làng thành nơi đóng quân. Tôi thấy bộ đội xếp đầy súng đạn và ngủ kín trong đình. Đình làng biến thành kho chứa lúa, ngô, khoai, đậu của hợp tác xã, biến thành nơi trông trẻ, thành lớp học trong thời chiến, thành nơi họp xã viên, họp Đoàn, họp Đảng, thành nơi tổ chức đám cưới...
Có một thời, những người già phàn nàn khi có những đôi trai gái làng yêu nhau đã liều lĩnh đưa nhau vào ngủ trong đình. Lý do duy nhất để những đôi trai gái đó làm vậy không phải họ không có ý thức tôn nghiêm nơi công cộng mà bởi họ đã cảm nhận được ngay từ thuở ấu thơ sự ấm áp và gần gũi của đình làng như trong ngôi nhà của họ.
Bản thân tôi ngay hồi còn bé, vào những đêm mùa hạ, tôi thường cùng lũ bạn chơi trận giả trong đình. Tôi đã từng lẻn vào tận hậu cung nấp sau những bức tượng phật mà không có cảm giác sợ hãi như khi bấu váy bà tôi đến chùa. Có đứa bạn tôi còn ngủ quên trong hậu cung cho đến sáng hôm sau vì ở trong đó thật yên tĩnh và rất mát. Sau này lớn lên mới thấy trong nhiều ngôi đình có chạm khắc cảnh trai gái yêu nhau đắm mê mà những nhà nghiên cứu gọi là Chủ nghĩa phồn thực.
Đây chính là điều kỳ diệu của văn hoá Việt. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến nghệ thuật rối nước Việt Nam. Nghệ sỹ rối nước Chu Lượng đã thuyết trình về rối nước tại Đại học Massachusetts mà tôi là một trong những người tham dự. Anh đã nói về văn hoá Việt thông qua rối nước. Anh phát hiện ra rằng: trong rối nước, tất cả trâu bò, vịt gà, con người và thánh thần cùng hoà đồng trong một đời sống. Tất cả cùng sống, cùng lao động, cùng ước mơ như không có sự tách biệt nào cả. Theo tôi, đó là một thông điệp của văn hoá Việt mang tính tư tưởng rất lớn lao về một thế giới đại đồng. Nó có tinh thần của người phương Tây về thiên đường nhưng thiên đường ấy lại được hiện thực hoá ngay khi con người còn sống. Nơi mà các con vật, con người và Chúa trời hay các vị thánh cùng sống trong một đời sống chung.
Sự hiện diện trong hàng chục thế kỷ của đình làng chứa đựng tư tưởng ấy. Đình làng chính là ngôi nhà của những người Việt Nam truyền thống được phóng đại và văn hoá hoá những sinh hoạt thưòng nhật của con người thôn quê. Chính hình thức và nội dung ấy của đình làng mà tôi có thể nói rằng: đình làng là hạt nhân cơ bản sinh ra văn hoá Việt truyền thống và cũng sẽ làm mất đi nền văn hoá ấy.
Và câu hỏi của một người bạn mỗi khi nhớ lại vẫn làm tôi thất kinh: "Bao giờ chúng ta sẽ phá đình làng?". Đấy không phải là một câu hỏi chơi. Đấy là một câu hỏi đầy lý do. Bởi chúng ta đang phá đi rất nhiều những di sản tinh thần vô giá trong đó có cả những di sản thiên nhiên ban tặng.
Vương Thảo
>>
[ Chuyên đề: Kiến trúc nông thôn ]
- Muốn làm nhà, phải được hàng xóm “cấp phép”
- Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm vấn đề đô thị đang phải đối mặt
- Hội nghị nhà chung cư - Một hình thức dân chủ cơ sở
- Một hình dung. Một muốn...
- Đình làng Khuê Bắc tại Đà Nẵng đang kêu cứu
- Con người với Thiên nhiên: Ứng xử hay là ứng phó?
- Chuyển đổi kiến trúc nông thôn truyền thống sang hiện đại: Nhu cầu có thật
- Lời trần tình của một con đường Thủ đô
- Những ý tưởng làm đẹp không gian Hà Nội: Không lẽ chỉ nằm trên giấy?
- Nhà rông thời "bê tông, cốt thép"