Tôi từ quê ra đang ngà ngà trong men rượu chợt bừng tỉnh: “Đã tới Hà Nội rồi” – Ai đó vừa nhắc. Tôi dụi mắt nhìn về phía trước, trời vừa tối hẳn, đèn thành phố bật sáng. Trước mắt tôi hay chính giữa nơi giao nhau giữa quốc lộ 5 và đường số 1 cũ (nơi ấy xưa nay được gọi là ngã 3 Cầu Chui) bỗng lung linh hiển hiện một chiếc cổng làng. Chiếc cổng ấy giống hệt chiếc cổng làng tôi - một cổng làng đặc sệt Kinh Bắc.
“Đã tới cổng “Kinh Bắc”. Quý khách chuẩn bị hành lý. Hà Nội kính chào quý khách đã đến với Thủ đô của nước Việt Nam”. Hệt như một kẻ xa xứ, mặc dù tuần nào, tháng nào tôi chẳng đi qua đây nhưng hình ảnh chiếc “cổng làng” ngay nơi cửa ngõ Thủ đô luôn làm tâm trí tôi bồi hồi bao cảm xúc. Tôi như kẻ đi làm ăn xa, thành đạt và mãn nguyện, hào hứng trở về làng. Phía trong chiếc cổng làng ấy tôi có mẹ, có cha, có gia đình nhỏ của mình. Những lần đi làm ăn xa, tôi trở về không hề tủi hẹn với những gì thân thương nhất ở bên trong chiếc cổng làng. Và rồi một sớm mai nào đó, tôi bịn rịn ra đi bỏ lại sau lưng chiếc cổng làng với lời hẹn thề vinh danh ngày trở lại.
- Ảnh bên : Cổng làng Ước Lễ - Hà Nội
Những hình dung giản dị và thân thương ấy cứ đeo đẳng tâm trí tôi suốt mấy mươi năm qua, để rồi một sớm đầu hè tôi đặt bút viết lên dự án: “Xây dựng cổng làng truyền thống Việt Nam tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô Hà Nội”. Bạn thử hình dung mà xem, những cổng làng truyền thống mang đậm nét văn hóa Việt Nam, sâu sắc tâm hồn người Việt Nam có ở những làng quê ẩn khuất đâu đó nơi châu thổ Sông Hồng hay trong những lối ngõ xa mờ vùng thượng du Bắc Bộ, bỗng một ngày hiển hiện ngay ở Thủ đô nước mình.
Đã có lần tôi hào hứng đặt vấn đề xây dựng ở những cửa ngõ ra vào Thủ đô, những quần thể tượng đài uy nghi, ngạo nghễ, nhưng rồi năm tháng đã cho tôi một nhận thức rằng: “Tượng đài đâu phải là văn hóa Việt. Hơn nữa một hình mẫu cụ thể của tượng đài chắc gì chúng ta đã có được”.
Đem suy nghĩ đó để hỏi nhiều người, sự đồng tình chung là: “Cửa ngõ ra vào Thủ đô không thể không có một biểu tượng kiến trúc - văn hóa thuần Việt”.
Và thử hình dung mà xem, nếu bạn là một người nước ngoài, một ngày đẹp trời nào đó đến với Thủ đô của nước Việt Nam, nếu ngay nơi cửa ngõ ra vào mà bạn bắt gặp những tòa building cao ngất, những dòng xe nườm nượm, bạn sẽ nói luôn thua xa Hồng Kông, kém xa New York, và bạn sẽ hỏi bạn đang đến đất nước nào vậy?!
Và thử hình dung mà xem, cũng giống hệt như tôi, ngà ngà tỉnh rượu, chợt bắt gặp 1 hình ảnh vừa ấn tượng, vừa mới lạ: “Cổng Việt đây rồi. Đã tới Thủ đô của đất Việt Nam”. Đặt chân tới một nơi đất mới, chẳng nhẽ chúng ta lại không thấy một hình ảnh đặc trưng tiêu biểu cho vùng đất ấy.
- Ảnh bên : Cổng Làng La Phù - Hà Nội
"Cổng Việt” chính là biểu tượng không chỉ là văn hóa mà tận trong sâu thẳm “Cổng Việt” chính là tâm hồn, là cốt cách, là ý chí, là tinh thần của người Việt Nam chúng ta.
Thủ đô Hà Nội, thành phố Thăng Long - một ngàn năm tuổi không thể không có những biểu tượng văn hóa - kiến trúc lịch sử tôn vinh những giá trị của văn hóa và tinh thần Việt Nam. Tôi hình dung và mong muốn một ngày sắp tới ở tất cả các cửa ngõ ra vào Hà Nội sẽ hiển hiện những chiếc “Cổng làng” mà ở từng hướng ra vào Thủ đô.
Những chiếc “Cổng làng” ấy là đại diện cho một vùng văn hóa mà nó hướng tới. Này nhé ở hướng Đông có “Cổng Kinh Bắc”- bước qua cổng đó ta dường như sẽ gặp những “liền anh, liền chị” đậm đà giao duyên trong câu Quan họ mê mẩn lòng người. Hoặc ở hướng Tây ta bước qua cổng xây bằng vật liệu đá ong - ta đang đi về vùng đất của người Việt cổ, nơi của một tâm hồn “đẻ đất đẻ nước” đã làm nên bốn nghìn năm nước Việt,...
Lại có những lần tôi như choàng tỉnh giấc, thong dong làm mấy vòng xe trên đường Hoàng Diệu. Ơ con đường thân quen mà suốt ngày như mới lạ. Nhà tôi ở gần đó, ngày nào mà tôi không qua đây nhưng lần nào qua đây, tôi cũng lại hình dung và ước ao giá như trên đoạn tường thành nối từ cổng Tây tới cửa Đoan Môn, bức tường ấy đối diện với đài liệt sĩ Bắc Sơn, không phải là một bức tường gạch rêu phong theo năm tháng mà nó “sáng láng” một “Bức tường nơi lưu danh những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, của đất nước Việt Nam”. Chuyện lưu danh danh nhân trên thế giới đâu phải là chuyện lạ nhưng ở ta “Bức tường” ấy còn chỉ... là mong muốn.
Tôi thầm nghĩ dân tộc ta có truyền thống: “Uống nước nhớ nguồn”. Suốt mấy chục năm qua chúng ta làm rất tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Đã có bao anh hùng liệt sĩ, người có tên, và cả những người chưa tìm được tên - những anh hùng liệt sĩ ấy đều được tôn vinh và tri ân một cách xứng đáng.
Nhưng tôi lại nghĩ suốt mấy ngàn năm qua làm nên đất nước Việt Nam, làm nên giá trị Việt Nam bên cạnh xương máu còn có biết bao trí tuệ và công sức. Việc tôn vinh và tri ân rất cần được thể hiện đầy đủ giữa máu xương và trí tuệ.
- Ảnh bên : Cổng làng Dương Xá - Gia Lâm - Hà Nội
Đôi khi tôi cảm thấy chúng ta còn thiếu hụt trong sự tôn vinh trí tuệ. Một bức tường danh nhân - nơi lưu danh những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, của đất nước Việt Nam trong quần thể di tích lịch sử: Hoàng thành Thăng Long, Thành cổ Hà Nội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng Trường Ba Đình, Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn... như vậy sẽ đầy đủ hơn và trọn vẹn nghĩa tình hơn.
Vào những ngày lễ Tết, một nén hương thành kính, một nhành hoa thơm thảo sẽ trân trọng biết bao những gì là máu xương và trí tuệ mà cha ông ta đã bỏ ra để có một nước Việt Nam như ngày hôm nay. Nhành hoa thơm thảo ấy được đặt bên “Bức tường danh nhân” sẽ nhân lên niềm tự hào về một đất nước Việt Nam, về một dân tộc Việt Nam “biết làm thơ và đánh giặc”. Bạn bè quốc tế tới đây, tới Thủ đô của nước Việt Nam, họ sẽ trầm trồ thán phục bởi đất nước mình còn có bao danh nhân mà trí tuệ của họ đã xây đắp nên “tinh thần và ý chí Việt Nam”.
Tôi lại hình dung và mong muốn những ngày ca nước đón xuân, người Việt Nam từ khắp mọi miền trở về Thủ đô yêu quý được thắp nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, được đặt một nhành hoa để thêm một lần tri ân những danh nhân hào kiệt, như nhà thơ Chế Lan Viên đã thốt lên:
“Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
- Chưa đâu! Và cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn...”
Một hình dung, một muốn. Thủ đô Hà Nội sẽ có “Bức tường Danh nhân”. Một pho sử ngoài trời, một địa chỉ Lịch sử - Văn hóa – Du lịch cho tất cả mọi người. Và cùng với những “Cổng Việt” ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô – Hà Nội của chúng ta sẽ hình thành nên một “Tour” du lịch quanh “thành phố của những chiếc cổng làng”.
Nguyễn Trọng Văn
- Năm 2010: “nóng” các vấn đề về nông thôn
- Hà Nội: Bãi đỗ xe thành cafe fastfood
- Muốn làm nhà, phải được hàng xóm “cấp phép”
- Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm vấn đề đô thị đang phải đối mặt
- Hội nghị nhà chung cư - Một hình thức dân chủ cơ sở
- Đình làng Khuê Bắc tại Đà Nẵng đang kêu cứu
- Bao giờ chúng ta sẽ phá đình làng?
- Con người với Thiên nhiên: Ứng xử hay là ứng phó?
- Chuyển đổi kiến trúc nông thôn truyền thống sang hiện đại: Nhu cầu có thật
- Lời trần tình của một con đường Thủ đô