Nằm cạnh quần thể danh thắng Non Nước - Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng hơn 10km về phía đông nam, đình làng Khuê Bắc được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 18, có niên đại hàng trăm năm tuổi.
Trải qua bao thăng trầm, hiện nay ngôi đình đã gần như bị hư hỏng hoàn toàn, còn chăng chỉ là phần “xác”.
Theo những cụ cao niên tại địa phương và một số nhà nghiên cứu lịch sử, đình làng Khuê Bắc thuộc làng Sơn Thủy, tổng Bình Thới xưa, nay là khu vực quận Ngũ Hành Sơn. Đình được xây dựng một phía tiếp giáp sông Cổ Cò, phía sau lưng là hòn tiểu Hổ Sơn.
Đình được xây dựng theo kiến trúc 5 gian, theo lối "tiền phong hậu tẩm". Trong quần thể đình làng còn có miếu Tam vị, miếu bà Còng, giếng Mọi... tất cả đều hướng mặt ra bờ sông.
Cụ Nguyễn Đấu, là người lớn tuổi nhất ở địa phương hiện nay (98 tuổi) cho biết: "Đình làng đã có từ thời ông nội tôi, khi tôi lớn lên thì thấy là hàng năm đã có cúng tế rồi. Đình thờ những bậc hiền nhân và một số vị thần Chămpa như Brama, Siva, Thiên Y A Na..."
Mỗi năm có 2 lễ chính cầu cho mưa thuận gió hòa diễn vào 20/3 và 20/8 âm lịch. Đình làng cũng là nơi tụ họp của dân làng Khuê Bắc mỗi khi có sự kiện quan trọng, là nơi sinh hoạt văn hóa, chính trị của người dân nơi đây.
Ngoài việc cúng tế hàng năm thì cứ 3 năm một lần, làng mở lễ hội lớn, bên cạnh phần lễ là phần hội thi múa hát, thi hát bội, thi đua thuyền.
Trong Cách mạng Tháng Tám, đình là nơi tập trung thanh niên míttinh, sinh hoạt, đi cướp chính quyền. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình là địa điểm lực lượng cách mạng ém quân để đánh giặc.
Không chỉ có giá trị về mặt di tích lịch sử văn hóa, trong khuôn viên ngôi đình, cố Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng nhiều lần dẫn đoàn chuyên gia sử học đến khảo sát và khai quật 2 di chỉ khảo cổ học trong khu vực này (cách đình khoảng 50m) và thu được một số hiện vật như mộ táng, tiền Ngũ Thù Tây Hán, tiền Vương Mãng (thế kỷ I sau công nguyên), bình hình trứng, đồ gốm thô, rìu đá, đá tím mài.
Những hiện vật trên đã xác định được đây là một vùng đất cổ, nơi đã có con người sống từ xa xưa và họ đã để lại những giá trị văn hóa vô cùng quý giá.
Hiện nay, ngôi đình đã gần như bị hư hỏng hoàn toàn, cả dãy tường rào kiên cố thì hiện nay chỉ còn 1 đoạn khoảng 3m, ngôi đình chính thì đã bị sập gần hết chỉ còn trơ lại phần mặt tiền, các họa tiết, hoa văn và ký tự, đồ dùng thờ cúng cũng tan hoang và hầu như không còn. Có chăng chỉ là những dấu vết còn hằn lại nhưng cũng không rõ.
Song, việc khai quật các di chỉ khảo cổ học xong rồi cũng “để đó”, và đình làng Khuê Bắc thì vẫn “thi gan” với thời gian và mưa gió. Theo các chuyên gia nghiên cứu thì nếu không sớm có biện pháp thiết thực để trùng tu, phục dựng lại đình Khuê Bắc cũng như bảo tồn các di chỉ ở đây thì những giá trị văn hóa, lịch sử sẽ mai một theo thời gian.
Hiện thành phố đã có chủ trương quy hoạch khu vực đình Khuê Bắc hơn 8ha. Tuy nhiên, để tiến hành phục dựng lại đình thì trước hết là phải di chuyển hết số hài cốt thời chiến tranh còn nằm trong khu vực. Một đơn vị đã đứng ra nhận trách nhiệm cất bốc, di dời số hài cốt trên đến nơi khác.
“Chúng tôi sợ rằng nếu càng để lâu thì di tích lịch sử văn hóa đình làng Khuê Bắc sẽ sụp đổ hoàn toàn và khi đó công việc phục dựng lại càng khó khăn" - một đại diện lãnh đạo địa phương cho biết./.
(Báo Tin tức/Vietnam+)
>>
[ Chuyên đề: Kiến trúc nông thôn ]
- Hà Nội: Bãi đỗ xe thành cafe fastfood
- Muốn làm nhà, phải được hàng xóm “cấp phép”
- Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm vấn đề đô thị đang phải đối mặt
- Hội nghị nhà chung cư - Một hình thức dân chủ cơ sở
- Một hình dung. Một muốn...
- Bao giờ chúng ta sẽ phá đình làng?
- Con người với Thiên nhiên: Ứng xử hay là ứng phó?
- Chuyển đổi kiến trúc nông thôn truyền thống sang hiện đại: Nhu cầu có thật
- Lời trần tình của một con đường Thủ đô
- Những ý tưởng làm đẹp không gian Hà Nội: Không lẽ chỉ nằm trên giấy?