Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Muốn làm nhà, phải được hàng xóm “cấp phép”

Muốn làm nhà, phải được hàng xóm “cấp phép”

Viết email In
Buộc phải khảo sát nhà bên cạnh trước khi xây nhà và phải được sự đồng thuận của hàng xóm. Đây là một trong những nội dung của thông tư 39 hướng dẫn về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ được bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ ngày 1.2.2010.

Văn bản này nêu rõ: chủ công trình có thể tự kiểm tra hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực để thực hiện. Nội dung kiểm tra gồm: tình trạng lún, nghiêng, nứt, thấm dột và các biểu hiện bất thường khác của nhà liền kề. Kết quả kiểm tra này phải được lập bằng văn bản hoặc ghi nhận bằng hình ảnh, băng từ. Đây là cơ sở để làm chứng cứ sau này nếu có phát sinh sự cố. Kết quả kiểm tra hiện trạng phải được sự thống nhất giữa chủ công trình với các chủ nhà lân cận…

Bộ Xây dựng ban hành thông tư này với hy vọng sẽ giảm thiểu được những xung đột liên quan đến xây nhà riêng lẻ vốn xảy ra khá nhiều, nhất là ở khu vực đô thị như TP.HCM, Hà Nội. Tuy nhiên, thông tư này lập tức đã vấp phải sự phản đối khá quyết liệt từ các chuyên gia cũng như người dân. Bởi trước đây, UBND TP.HCM đã từng có văn bản (số 9, có hiệu lực từ tháng 4.2007) với nội dung tương tự, nhưng khi áp dụng vào thực tế đã phát sinh nhiều vướng mắc.

Hiểu một cách nôm na, quy định trên chẳng khác nào trao cho hàng xóm quyền được “cấp phép lần thứ hai” – sau khi đã xin phép chính quyền – cho những người muốn làm nhà. Hàng xóm thì có người yêu, người ghét. Nếu quan hệ của người muốn làm nhà với hàng xóm “cơm không lành, canh không ngọt” thì khó có thể có được sự thoả thuận như quy định. Thậm chí với không ít hàng xóm quên mất câu “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, thì tìm được sự đồng ý để chụp, vẽ nhà của họ lại càng khó hơn. Trong khi đó, những ràng buộc chế tài lại không đủ mạnh để buộc hàng xóm phải tuân thủ.

Trên thực tế, đã có tình trạng hàng xóm lợi dụng quyền được “cấp giấy phép” để quấy nhiễu chủ nhà có ý định xây hoặc sửa chữa nhà, nhằm tư lợi cho mình. Cũng đã có trường hợp, nhà bên cạnh khăng khăng không đồng ý vì hai nhà sử dụng chung một vách tường. Lại có trường hợp nhà gia chủ giáp với ba nhà cùng lúc, một trong ba không đồng ý nên đành “bó tay”. Đó chỉ là một vài dẫn chứng trong số vô vàn những rắc rối phát sinh trên thực tế.

Theo một số chuyên gia bất động sản, khi một công trình xây dựng nào đó đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép có nghĩa là các hộ liền kề, những người liên quan có trách nhiệm phải thực hiện và tuân thủ. Cơ quan chức năng sẽ chịu trách nhiệm thẩm định, chẳng hạn như bản vẽ đó có phù hợp với quy hoạch, có đảm bảo các tiêu chuẩn về thiết kế, an toàn phòng cháy chữa cháy... chứ không nên bắt buộc chủ đầu tư hay người muốn làm nhà phải có biên bản thoả thuận với các hộ liền kề. Tình trạng làm gây lún, nứt tường, bể hố gas... nhà bên cạnh trong quá trình xây dựng có thể xảy ra. Theo quy định của pháp luật, trong những trường hợp này, thì người gây ra thiệt hại sẽ phải bồi thường, nếu nhà bên cạnh có chứng cứ chứng minh.

Có lẽ bộ Xây dựng ban hành văn bản trên xuất phát từ ý tốt. Nhưng, xây nhà là quyền của mỗi công dân, không bắt buộc phải “xin phép” hàng xóm. Quy định này, chẳng khác nào làm tăng thêm rắc rối về thủ tục trong xây dựng vốn đã lắm nhiêu khê và làm khó người dân.

Mai Đình - Ảnh: H.T.
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo