Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Năm 2010: “nóng” các vấn đề về nông thôn

Năm 2010: “nóng” các vấn đề về nông thôn

Viết email In

Nếu được bình chọn những sự kiện nổi bật ngành Xây dựng năm 2009, chắc chắn sẽ có phiếu bầu cho những chương trình quy hoạch nông thôn được khởi động. Đây đều là những chương trình nhằm hiện thức hóa các nội dung chỉ đạo Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ban hành nhiều công cụ pháp lý

Trong những chương trình dành cho nông thôn được khởi động, đầu tiên phải kể đến việc Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009). Có 19 tiêu chí được đề cập, chia thành 5 nhóm, trong đó nhóm quy hoạch gồm các tiêu chí về quy hoạch và thực hiện quy hoạch, nhóm hạ tầng kỹ thuật bao gồm các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, trường học, điện, bưu điện, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư… Về nhà ở dân cư, bộ tiêu chí nông thôn mới xác định rõ sẽ không còn nhà tạm, dột nát và tất cả các vùng miền trong cả nước phải bảo đảm  80% nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đề ra.

  • Ảnh bên : Không gian nông thôn truyền thống đang thay đổi

Nhằm đáp ứng các tiêu chí của Bộ tiêu chí nông thôn mới, ngay sau đó, Bộ Xây dựng lần lượt ban hành Thông tư 21/2009/TT-BXD quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn, Thông tư 31/2009/TT-BXD ban hành tiêu chuẩn quy hoạch nông thôn mới và Thông tư 32 /2009/TT-BXD ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch nông thôn. Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn phải đáp ứng các yêu cầu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, tiết kiệm và khai thác hiệu quả đất đai, đáp ứng các nhu cầu phục vụ  đời sống dân sinh, sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn xã. Hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phải đáp ứng yêu cầu phát triển cho các giai đoạn 5 năm, 15 năm và tầm nhìn 30 năm. Khi tiến hành chỉnh trang và cải tạo các điểm dân cư hiện hữu phải phù hợp với đặc điểm hiện trạng của xã, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống, vùng, miền và bảo tồn các di sản (nếu có). Các địa phương sẽ phải dự kiến quy hoạch mới, quy hoạch mở rộng các khu dân cư phục vụ cho nhu cầu phát triển trên địa bàn đồng thời dự báo dân số và nhu cầu xây dựng các loại công trình... Bộ Xây dựng quy định chỉ tiêu sử dụng đất xây dựng cho các điểm dân cư nông thôn phải phù hợp với điều kiện đất đai của từng địa phương nhưng không được nhỏ hơn 25m2/người đối với đất ở, không nhỏ hơn 5m2/người đối với đất xây dựng công trình dịch vụ công cộng, đất xây dựng giao thông và hạ tầng kỹ thuật, không nhỏ hơn 2m2/người đối với đất cây xanh công cộng. Các loại đất khác như đất nông, lâm ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phục vụ sản xuất thì tuỳ thuộc vào quy hoạch phát triển của từng địa phương.

Có thể nói, các thông tư  nêu trên đều là những công cụ pháp lý quan trọng để điều tiết mọi hoạt động quy hoạch xây dựng trên địa bàn nông thôn.

  • Ảnh bên : Làng Vân Hà (Hà Nội)


Khởi động nhiều chương trình

Cũng trong năm 2009, Bộ Xây dựng đồng thời triển khai một số chương trình quan trọng khác hướng đến nông thôn. Điển hình là đề án “Chương trình, kế hoạch lập quy hoạch xây dựng nông thôn”. Mục tiêu của đề án là xây dựng kế hoạch cụ thể cho công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn của từng địa phương nhằm triển khai đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn trên phạm vi cả nước và nâng cao chất lượng lập đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn. Đề án dự kiến được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tập trung lập quy hoạch xây dựng cho các xã chưa có quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch cho đối tượng là các xã cận đô thị, có đường giao thông chính đi qua, có tiềm năng phát triển kinh tế. Giai đoạn 2 tiếp tục triển khai công tác lập quy hoạch cho các xã còn lại. Đề án xác định nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn trên phạm vi cả nước từ nguồn vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

  • Ảnh bên : Làng ven đô Triều Khúc (Hà Nội)

Bên cạnh đó, thực hiện kết luận của Ban Bí thư về đề án Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn lập đề án nghiên cứu mô hình quy hoạch xây dựng điểm nông thôn mới với 11 xã thí điểm được chọn đại diện các vùng miền trong cả nước. Theo đề án, VIAP sẽ đề xuất cụ thể cho từng mô hình, từng vùng miền tiêu chí về mạng lưới điểm dân cư, môi trường ở, hạ tầng kỹ thuật và xã hội, về ổn định cuộc sống người dân và tiêu chí về nhà ở. Các tiêu chí đề xuất sẽ làm cơ sở cho định hướng chiến lược chính sách phát triển nông thôn về lĩnh vực quy hoạch xây dựng trên cả nước ở từng vùng miền...

Ngoài ra, trong năm 2009, Bộ Xây dựng đồng thời báo cáo Chính phủ về công tác quy hoạch khu dân cư nông thôn tập trung vùng bị ảnh hưởng thiên tai và điều phối Chương trình 167 của Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở... Khởi động hàng loạt chương trình lớn dành cho nông thôn trong năm 2009, với tinh thần khẩn trương, vì vậy sẽ không bất ngờ khi các vấn đề nông thôn sẽ còn “nóng” trong năm 2010. Chưa bao giờ, khu vực nông thôn nhận được sự quan tâm từ Trung ương đến các bộ, ngành và địa phương nhiều đến thế.

Theo báo cáo của các địa phương, đến tháng 6/2009, tỷ lệ số xã đã có quy hoạch xây dựng chiếm tỷ lệ trung bình 23,8%. Tuy nhiên, các xã có quy hoạch chủ yếu tập trung vào quy hoạch trung tâm xã, số lượng các điểm dân cư nông thôn tập trung có quy hoạch còn thấp. Chất lượng đồ án quy hoạch xây dựng nhìn chung còn yếu, tính khả thi chưa cao. Các động lực phát triển nông thôn được xác định không đầy đủ, không thu hút được nguồn lực đầu tư phát triển. 

Tiểu Vũ

[ Chuyên đề: Kiến trúc nông thôn ]
 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...