Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Nhà rông văn hoá?

Nhà rông văn hoá?

Viết email In

Toà tổng giám mục và Chủng viện Kon Tum, bảo tàng rất phong phú và được tổ chức khá chuyên nghiệp ở đó, rồi nhà thờ gỗ và quán Evacafe của ông Ẩn am tường, Biển hồ nhỏ xíu, nhưng rất đẹp của Pleiku, chén rượu với ông già làng hóm hỉnh sau khi ông nhiệt tình giới thiệu buôn, khu nhà mồ, mấy bộ cồng chiêng và nhà rông của buôn ông, vài ly với những người mới quen...

Hai ngày ghé thăm Pleiku và Kon Tum thật tuyệt vời. Cảnh đẹp, con người thân thiện, nhất là các bạn mới quen.... đã để lại trong tôi những ấn tượng đặc biệt.

Nhưng vẫn có nét buồn. Tôi đã ghé xem hay nhìn thấy 5 chiếc nhà rông. Toàn là "nhà rông văn hoá", có biển đề hẳn hoi. Vào trong thấy treo nhiều bằng khen, giấy khen, có nhà rông toàn bàn học sinh, chắc đã biến thành lớp học cho các cháu.

  • Ảnh bên : Nhà rông văn hóa làng Pring Der (xã Gào, TP Pleiku) đóng cửa im ỉm suốt năm (Ảnh: D. Ngọc / baodatviet.vn)

Giả như không được ghé thăm buôn của ông già làng kể trên và đôi khi nhìn thấy các bà, các chị vận đồ dân tộc, thì chẳng thấy cái gì "đậm đà bản sắc dân tộc" ở đây cả. Thật buồn. Cái giàu có nhất của Gia Lai và Kon Tum, sự đa dạng văn hoá của bao nhiêu dân tộc sống trong các tỉnh đó, không được thể hiện thoả đáng ở hai thủ phủ này. Chắc phải đi sâu hơn, mất nhiều thời gian hơn mới thấy được cái quý giá đó. Phải chăng những người làm du lịch, làm văn hoá và lãnh đạo ở đấy đã và đang vô tình đánh mất cái quý nhất của chính địa phương mình. 

Sao lại gọi là "nhà rông văn hoá"? Thế các nhà rông thứ thiệt, do bà con dân tộc tự tay xây dựng và vận hành thì là "không văn hoá" ư? Cái thực sự và văn hoá nhất thì có lẽ chưa thấy chính quyền tạo điều kiện cho bà con tu bổ, sửa sang hay giúp điều kiện hoạt động. Lại sinh ra cái "văn hoá" mà ngẫm kỹ thì chưa hẳn là "văn hoá".

Mà đâu chỉ có "nhà rông văn hoá". Suốt hơn 300km đường từ Nha Trang đến Pleiku, và ở khắp mọi nơi, từ Hà Nội, Hồ Chí Minh, đến đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta thấy nhan nhản các cổng chào, biển hiệu "phường văn hoá", "thôn văn hoá". Người ta vô tình hay hữu ý đã quá lạm dụng từ "văn hoá".

Có lẽ những người chủ trương gắn cái biển "văn hoá" cho các phường, các thôn, các làng và các nhà rông đã rất có thiện ý. Muốn cho chúng đường hoàng hơn, đẹp đẽ hơn, hoạt động hiệu quả hơn, lành mạnh hơn, tránh một số hiện tượng có vẻ tiêu cực, v.v...

Ý tưởng rất đáng trân trọng. Nhưng vô tình đã có một điều bị lãng quên. Một khía cạnh của sự giàu có về văn hoá chính là sự đa dạng, là sự khác biệt. Rập theo một hay một số quy định, tiêu chuẩn lại phá huỷ cái đa dạng đó và làm nghèo văn hoá đi. Không có một nhà văn hoá nào, một lãnh đạo nào hay tập thể các bậc hiền nhân hay học giả nào có thể vạch ra các quy định, các tiêu chuẩn như vậy. Làm thế là làm nghèo văn hoá, là giết văn hoá và cản trở du lịch, tức là cản trở sự phát triển của đất nước.

Làm theo các quy định, tiêu chuẩn do trên đưa ra sẽ làm cho tình trạng đồng đều thịnh hành, mất tính đa dạng. Hệt như bắt mọi người, ở mọi nơi phải mặc đồng phục. Hãy nhớ lại thời cắt quần loe, cắt tóc dài và mọi người đều ăn mặc gần như nhau. Nghĩ thế mà thấy rợn tóc gáy.

Chúng ta không lạ gì những ý định tốt lại có thể gây ra hậu quả tai hại trong tất cả các lĩnh vực, từ phát triển kinh tế đến thể thao, văn hoá, nghệ thuật. Tất cả mọi chính sách đều có thể có các hậu quả không lường trước. Đó là điều không thể tránh khỏi bởi vì hiểu biết của con người luôn có hạn dẫu người đó uyên bác đến đâu, làm to đến thế nào. Không có gì đáng trách cả khi một chính sách có kết quả không mong đợi. Nhưng rất đáng trách, nếu không ai nói ra, không ai lên tiếng, không ai tranh luận, và vô cùng đáng trách khi những người có thẩm quyền không chịu lắng nghe.

Có lẽ Bộ Văn hoá, Thể thao Du lịch và các sở liên quan nên xem xét lại việc cấp cái mác "văn hoá" cho các nhà rông, các thôn bản và khu dân cư. Nó không những tốn tiền của, công sức bảo trì duy tu mà rất có thể tạo cảm giác không thật, nói toạc ra là "không văn hoá" đối với người dân và khách thập phương. Theo tôi nên bỏ hẳn chúng đi.

Thay cho việc xây các "nhà rông văn hoá", hãy trao tiền bạc và vật liệu cho chính các cộng đồng để họ tự làm, tự xây dựng. Có thế may ra mới khôi phục được cái quý giá và chắc chắn sẽ góp phần làm cho địa phương và đất nước giàu lên (không chỉ về văn hoá, tinh thần mà giàu cả về vật chất nữa).

Nguyễn Quang A

>> Nhà rông thời "bê tông, cốt thép" 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...