Giao thông đô thị tại Hà Nội đang đi dần vào ngõ cụt, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trở nên hết sức trầm trọng. Thế nhưng, ngoài một số giải pháp tình thế, Hà Nội dường như đang lãng quên những chủ trương và giải pháp cơ bản cho giao thông đô thị Thủ đô đã được đề ra cách đây nhiều năm.
Trước hết, việc thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện và nhất là các trường đại học ra khỏi nội thành đã không được thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình, dù đã có chủ trương từ rất lâu. Trong khi đó, nhiều cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng vẫn được xây dựng ở khu vực trung tâm Thành phố.
Thứ hai, hầu như tất cả các dự án lớn như đường sắt trên cao, metro, đường cao tốc vành đai III - những công trình đủ sức tạo đột phá về năng lực vận tải đều đang ở trong giai đoạn khởi động, tiến độ hết sức chậm chạp, dù thời gian chuẩn bị đã kéo dài cả thập kỷ.
Thứ ba, hệ thống vận tải công cộng, dù được đầu tư lớn, song đến nay, loại hình vận tải duy nhất là xe buýt cũng chỉ đáp ứng khoảng 5% nhu cầu đi lại của người dân. Hệ quả tất yếu là sự gia tăng vượt tầm kiểm soát của các phương tiện giao thông cá nhân.
Nếu như những khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp nêu trên có thể đổ lỗi do thiếu vốn, thì ngay cả những giải pháp ít tốn kém hơn cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đúng mức. Rõ nhất là công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông chưa được thực hiện quyết liệt và đồng bộ, chưa tạo dựng được một văn hoá giao thông cho người dân.
Việc quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch giao thông nói riêng thiếu ổn định, không bố trí đủ quỹ đất cho kết cấu hạ tầng đường bộ, không quản lý việc thực hiện quy hoạch chặt chẽ, dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Hiện tại, toàn bộ diện tích hệ thống giao thông động và tĩnh tại Hà Nội chỉ chiếm 7% diện tích đô thị, trong khi yêu cầu tối thiểu phải là 20%. Hiện các con đường Hà Nội đang oằn mình dưới sự chen chúc của hơn 300.000 ô tô; 3,6 triệu xe máy và khoảng 1 triệu xe đạp.
Hiện tại, người dân Thủ đô đã quá cực nhọc và tốn nhiều thời gian, chi phí cho việc di chuyển trong Thành phố. Tương lai giao thông đô thị càng ảm đạm hơn, nếu các giải pháp cơ bản và các dự án, công trình trọng điểm không được triển khai quyết liệt, đúng tiến độ.
Trước mắt, cùng với sự phát triển Khu công nghệ cao Hoà Lạc, cần khẩn trương thực hiện việc di dời các trường đại học theo quy hoạch. Đồng thời, phải tăng tốc các dự án lớn, nhằm giải quyết từng bước vấn đề ách tắc giao thông. Để mở lối thoát cho giao thông nội đô Hà Nội giai đoạn 5-10 năm tới, sự xuất hiện của một "nhạc trưởng" giỏi là điều cần thiết. Cơ quan này không chỉ tham mưu được cho Chính phủ những giải pháp phát triển giao thông đô thị hiệu quả, mà còn phải có đủ vị thế, sức mạnh để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các giải pháp, quy hoạch đã được ban hành.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cơ quan chịu trách nhiệm trong việc kiềm chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và chính quyền Thành phố phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước sự bế tắc về giao thông đô thị hiện nay, từ đó có hành động quyết liệt và kịp thời hơn.
Anh Minh
>>
- Giữ “hồn” phố cổ
- Rác quảng cáo đang bủa vây đô thị
- “Nóng” vấn đề cán bộ và quy hoạch nông thôn
- Quy luật và... luật!
- Chờ... thiết kế đô thị?
- Đông Mai: Một làng nghề chưa được đặt tên
- TPHCM: Khó giải tỏa nhà ven kênh
- Nhà rông văn hoá?
- Quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội - Bài 3: Không thành cao ốc, giá biệt thự sẽ giảm
- Những góc nhìn về Phố hoa