Như tin đã đưa, ngày 18/1, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2009 và bàn biện pháp thực hiện kế hoạch năm 2010. Bên cạnh những thành tựu đạt được, Hội nghị cũng đã thẳng thắn phân tích một số hạn chế cần khắc phục, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ và quy hoạch nông thôn.
Bức xúc công tác cán bộ
Theo ông Trần Hòa - Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa - tỉnh này có 666 xã, phường nhưng trước đây chỉ duy nhất một xã có cán bộ có bằng trung cấp xây dựng, còn lại đều không có chuyên môn chuyên ngành. Được sự quan tâm của chính quyền, đến nay 100% cán bộ địa chính của tỉnh đã được tập huấn qua lớp đào tạo quản lý nhà nước chuyên ngành. Chứng chỉ đào tạo này là một trong nhưng cơ sở quan trọng để bổ nhiệm cán bộ cấp xã. Tuy nhiên, theo ông Hòa, Thanh Hóa có đến 1 triệu đồng bào dân tộc miền núi, có những huyện, cán bộ cấp xã, cấp huyện yếu quá, muốn thay nhưng không có người thay. Địa phương phân cấp mạnh, nhưng người giúp việc lại không năng lực chuyên môn. Ông Hòa ví dụ: Một chủ tịch xã mới học đến lớp 7 giao cho làm chủ đầu tư dự án thì làm sao làm được.
Có cùng bức xúc về trình độ cán bộ ở địa phương, ông Phan Doãn Thanh - Giám đốc Sở Xây dựng Lào Cai - cho biết: Những năm qua, Bộ Xây dựng đã giúp Lào Cai nhiều trong công tác đào tạo cán bộ nhưng đó là cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện. Còn cán bộ của xã vẫn rất khó khăn. Người ở tỉnh, huyện thì không chịu về xã. Còn lấy người ở xã thì người học hết phổ thông quá ít, chủ yếu mới học hết lớp 3 - 4.
Ông Thanh đề xuất, nên chăng đào tạo cán bộ địa chính địa phương theo cách của quân đội. Ngày trước, khi tuyển quân, quân đội thậm chí tuyển cả người không biết chữ. Trong thời gian quân chính, họ vừa làm nghĩa vụ quân sự vừa học văn hóa. Sau nay, khi rời quân ngũ, trở về địa phương họ trở thành những ứng cử viên sáng giá cho các chức danh cán bộ ở cấp xã.
Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng thường trực Cao Lại Quang chỉ đạ Bộ Xây dựng sẽ chú trọng phát triển lực lượng xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Xây dựng và tòan xã hội. Bộ sẽ chăm lo đào tạo, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và mọi người dân tham gia hoạt động xây dựng.
Vẫn nhầm lẫn trong nhận thức về quy hoạch nông thôn
Cũng tại hội nghị, vấn đề “nóng” không kém là các câu chuyện liên quan đến quy hoạch nông thôn. Ông Trần Hòa cho biết, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa thực hiện Chương trình quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn với tinh thần quyết liệt nhưng hiện nay mới chỉ phủ quy hoạch được 20%. Lý do tỉnh rộng, nhu cầu lớn mà ngân sách thì hạn hẹp. Ông Hòa kiến nghị: “Bộ hỗ trợ hơn nữa cho Thanh Hóa trong công tác quy hoạch dân cư nông thôn. Cứ để chính quyền các cấp tỉnh - huyện - xã tự lo thì khó lắm”.
- Ảnh bên : Tỷ lệ phủ kín quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn trong cả nước hiện đạt 23 - 24%.
Câu chuyện của Giám đốc Sở Xây dựng Tuy Hòa thì lại gây một bất ngờ khác. Bởi theo ông, tránh nhiệm triển khai quy hoạch nông thôn trên địa bàn là Sở NN&PTNT chứ không phải là Sở Xây dựng. Đồ án quy hoạch phê duyệt rồi thì giao lại cho địa phương. Quy hoạch tốt đấy nhưng địa phương lại không có tiền đầu tư xây dựng theo định hướng của quy hoạch.
Trước các vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân một lần nữa yêu cầu: Cần nhận thức đầy đủ từ trung ương đến địa phương là quy hoạch không gian là trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Do vậy, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn là trách nhiệm của ngành xây dựng địa phương. Để làm tốt công tác này, cần 3 yêu tố: Vốn lập quy hoạch, lực lượng tư vấn và quy chuẩn, tiêu chuẩn, hồ sơ, quy trình lập quy hoạch nông thôn. Với yếu tố thứ 3, ngoài các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã ban hành, Bộ sẽ có những hướng dẫn cụ thể tiếp theo. Về yếu tố thứ 2, Bộ trưởng nhắc lại một lần nữa vốn cho quy hoạch là vốn sự nghiệp. Các địa phương phải có xây dựng kế hoạch lập quy hoạch cụ thể trên cơ sở đó cấn đối ngân sách, bố trí được bao nhiêu, còn lại thiếu bao nhiều thì đề xuất trung ương hỗ trợ.
Tương tự như vậy, đối với yêu tố lực lượng tư vấn, cả nước chỉ có mấy viện quy hoạch, còn lại là các trung tâm quy hoạch. Các Cty tư vấn thì không mặn mà về xã làm quy hoạch. Vì vậy trong kế hoạch triển khai quy hoạch nói trên, bên cạnh yêu tố vốn là bao nhiêu, các địa phương phải đưa ra các tính toán về lực lượng tư vấn. “Nếu không có kế hoạch và tính toán cụ thể nói trên, các địa phương đừng nói chuyện quy hoạch nông thôn mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Ông cũng cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng trong năm 2010 là tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương lập kế hoạch thực hiện Chương trình quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn và tổ chức tập huấn hướng dẫn các đơn vị tư vấn, cán bộ quản lý đồng thời tổ chức nghiên cứu mẫu quy hoạch nông thôn đặc trưng các vùng miền để từ đó nhân rộng, áp dựng trên phạm vi cả nước.
Tiểu Vũ
- Chuyện di dân của phố cổ Hà Nội
- Dự án xóa nhà trên kênh rạch ở TP.HCM chậm tiến độ vì vắng bóng nhà đầu tư
- Luật Thủ đô sẽ tạo sức bật cho Hà Nội “cất cánh”
- Giữ “hồn” phố cổ
- Rác quảng cáo đang bủa vây đô thị
- Quy luật và... luật!
- Chờ... thiết kế đô thị?
- Không thể bó tay với ùn tắc giao thông
- Đông Mai: Một làng nghề chưa được đặt tên
- TPHCM: Khó giải tỏa nhà ven kênh