Dự thảo Luật Thủ đô sẽ trình Quốc hội trong năm 2010 được xem như một công cụ pháp lý hỗ trợ chính quyền quản lý thủ đô tốt hơn, văn minh hơn. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ dự thảo luật này sẽ thấy còn những mâu thuẫn cần phải chỉnh sửa cho phù hợp.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng luật là các quy định của nó không được mâu thuẫn với Hiến pháp và các bộ luật khác. Sự thống nhất trong hệ thống luật pháp của một quốc gia không chỉ thể hiện trình độ xây dựng một nền văn minh pháp luật, mà còn tạo ra hiệu quả trong việc quản lý xã hội.
Dự thảo Luật Thủ đô sẽ trình Quốc hội trong năm 2010 được xem như một công cụ pháp lý hỗ trợ chính quyền quản lý thủ đô tốt hơn, văn minh hơn. Dù với bất cứ mục tiêu tích cực nào, thì bản thân nó cũng tôn trọng những nguyên tắc căn bản như đã nêu trên. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ dự thảo luật này sẽ thấy còn những mâu thuẫn cần phải chỉnh sửa cho phù hợp.
Đơn cử như khoản 1, Điều 19 của dự thảo luật quy định muốn đăng ký thường trú ở thủ đô thì phải có điều kiện tạm trú liên tục từ 5 năm trở lên. Trong khi đó, Luật Cư trú quy định để đăng ký thường trú ở thành phố thì công dân phải chứng minh đã tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên.
Một quy định khác của dự thảo Luật Thủ đô là người không thường trú hoặc tạm trú muốn làm việc tại thủ đô phải có giấy phép lao động do Sở LĐTBXH thành phố cấp. Quy định này sẽ tạo ra cơ chế xin – cho trong mối quan hệ Nhà nước – công dân, một “cơ chế” cần phải loại trừ trong tiến trình cải cách hành chính. Công dân muốn làm việc ở đâu, muốn làm nghề nghiệp gì là quyền của họ, miễn sao không vi phạm pháp luật.
Công dân Việt Nam, dù ở bất cứ địa phương nào trong nước, đến làm việc bất cứ nơi nào trong lãnh thổ quốc gia hoặc đi ra nước ngoài làm việc mà không vi phạm pháp luật thì Nhà nước cũng phải có trách nhiệm tạo điều kiện.
Chưa kể, Nhà nước phải có trách nhiệm tạo ra việc làm để cho người dân có được việc làm. Trong trường hợp người dân tự tìm việc, dù là ở thủ đô hay bất cứ đâu thì cũng không nên gây khó khăn bằng thủ tục xin được cấp giấy phép lao động.
Các quy định chưa phù hợp của dự thảo Luật Cư trú còn tiềm ẩn một nguy cơ khác, đó là khó thực thi khi luật vận hành vào đời sống. Các quy định vừa kể ra không thể hạn chế lao động nhập cư, bởi vì người lao động về thành phố để tìm việc làm, kiếm kế sinh nhai là quy luật. Người dân không nhất thiết phải xin nhập hộ khẩu. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã và đang có những cách khác nhau để hạn chế người nhập cư ồ ạt về thủ đô. Tuy nhiên, mỗi quốc gia phải tuỳ điều kiện xã hội khác nhau mà có giải pháp phù hợp để vừa có thể thu hút người tài, vừa không ảnh hưởng đến quyền cư trú của công dân. Ở Việt Nam cũng vậy!
Lê Thanh Phong
- Dự án xóa nhà trên kênh rạch ở TP.HCM chậm tiến độ vì vắng bóng nhà đầu tư
- Luật Thủ đô sẽ tạo sức bật cho Hà Nội “cất cánh”
- Giữ “hồn” phố cổ
- Rác quảng cáo đang bủa vây đô thị
- “Nóng” vấn đề cán bộ và quy hoạch nông thôn
- Chờ... thiết kế đô thị?
- Không thể bó tay với ùn tắc giao thông
- Đông Mai: Một làng nghề chưa được đặt tên
- TPHCM: Khó giải tỏa nhà ven kênh
- Nhà rông văn hoá?