Đông Mai cũng giống như bao làng khác ở vùng đồng bằng Bắc bộ, nghề chủ yếu là trồng lúa nhưng làng còn có một nghề phụ là tinh chế chì từ ắcquy phế liệu. Nhưng đó là một làng nghề sắp mất nghề, một làng nghề chưa được đặt tên.
Làng Đông Mai thuộc xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Làng không cách xa Hà Nội là bao, chừng khoảng ba mươi cây số.
Làng Đông Mai
Theo những người già ở làng kể lại thì vào thời kỳ nhà Lý, có một người quê ở Nam Định trên con đường phiêu bạt để hành nghề đã đến đây và dạy cho dân làng Đông Mai nghề đúc kim loại. Ngày nay người làng Đông Mai gọi cụ là cụ tổ nghề và lập đền thờ ngay bên cạnh ngôi chùa của làng. Hàng năm cứ đến ngày mồng 9 tết âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ tế tổ nghề và đây cũng được gọi là ngày "cụ mở hàng". Tuy nhiên, ngày nay cái nghề đúc kim loại không còn nữa.
- Ảnh bên : Cổng làng Đông Mai.
Vào những năm 1987-1988 khi đất nước mở cửa, những sản phẩm đúc kim loại như nồi nhôm, xoong, chảo không còn tiêu thụ được, dân làng đã chuyển hẳn sang nghề tái chế chì phế liệu. Họ đi thu mua ắcquy hỏng ở khắp mọi nơi, tháo gỡ và phân loại để lấy ra những thành phần có thể nấu ra chì. Người làm nghề này gọi là "hẩy". Một ngày ở làng Đông Mai những người làm nghề ở đây có thể xử lý từ 40-50 tấn phế liệu. Nghề tái chế chì phế liệu đã mang lại nhiều thay đổi cho cuộc sống của những người dân nơi đây, nhưng cũng từ cái nghề này đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Vào những năm 1989-1995 khi cả làng đều nấu chì và rồi chẳng ai nghe ai, mạnh nhà nào nhà ấy làm. Không người nào, nhà nào quan tâm tới môi trường sống xung quanh mình. Họ nấu chì ở bất cứ chỗ nào có thể. Khói bụi và khí thải độc hại từ những lò nấu chì thoát ra phủ dày đặc khắp nơi và tràn sang cả những làng lân cận.
Nhiều vấn đề về tổ chức sản xuất cho làng nghề được đặt ra. Cả làng có 530 hộ với 2300 nhân khẩu trong khi đất đai để canh tác là 97ha, tính trung bình 444m2/nhân khẩu. Nếu chỉ trông vào cây lúa thì cuộc sống của họ lại quay trở lại cái vòng khó khăn, luẩn quẩn. Trong khi đó nghề tái chế chì phế liệu lại mang lại cho người dân một khoản thu nhập ổn định.
Với quy mô sản xuất của làng, mỗi năm sản xuất được 15.000 tấn chì và kim loại màu với doanh thu khoảng 9-10 tỉ đồng, thu nhập bình quân của người làm nghề từ 2 triệu-2,5 triệu đồng/tháng. Để duy trì được nghề tái chế chì phế liệu, không còn con đường nào khác, dân làng phải tự mình tìm ra hướng đi mới và việc đầu tiên phải làm là vấn đề xử lý môi trường, sau đó là quy hoạch tập trung làng nghề theo chủ trương của chính quyền địa phương.
Xử lý môi trường và quy hoạch làng nghề
Người làng Đông Mai đã ngồi lại với nhau để tìm ra phương án xử lý khí thải từ các lò nấu chì trong làng. Họ cử người đến các trường đại học ở Hà Nội để mời chuyên gia về làng nghiên cứu và lập dự án xử lý khí thải độc hại từ việc nấu chì, điều tra, thẩm định đánh giá tác hại đối với môi trường của làng nghề. Những giáo sư, tiến sĩ và cả những đoàn sinh viên đã lần lượt về làng. Họ đã nghiên cứu rồi lập dự án nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa được là bao.
Năm 1997 một dự án xử lý môi trường đã được làm xong, người làm ra dự án này là PGS.TS Lê Đức của trường Đại học Quốc gia HN. Khi dự án được hoàn thành thì việc thực thi nó lại gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Số tiền cần khoảng 6.000USD cho dự án không thể tìm đâu ra.
Trong những lúc khó khăn nhất, những người làm nghề ở Đông Mai vẫn không nản chí. Trong làng đã xuất hiện những người trẻ tuổi. Họ tự mình mày mò nghiên cứu và lần lượt những thử nghiệm đã được tiến hành và hiệu quả của những cuộc thử nghiệm cũng thật bất ngờ.
Thay đổi quá trình xử lý những bình ắcquy sau khi được thu gom về, khác với cách làm truyền thống trước đây. Tất cả những thành phần của bình ắcquy hầu như đều được tái sử dụng và quan trọng nhất vẫn là vấn đề khí thải và bụi từ việc nấu chì đã được khắc phục triệt để.
Khẳng định cho sự thành công này đã được chứng minh qua sự đo đạc, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và thẩm định kết quả một cách kỹ lưỡng của các cán bộ, chuyên gia Bộ Tài nguyên và Môi trường. Có được những thành công này cũng phải kể đến những con người đã đi tiên phong trong những ngày đầu đầy khó khăn để tìm ra hướng đi mới.
Đó là những anh Đào Viết Thi, Trịnh Minh Quân và tiếp theo hai anh là những người lãnh đạo và những người làm nghề thuộc hai công ty TNHH Ngọc Thiên, Minh Quang. Không dừng lại ở đó, hiện nay cả hai công ty đã lập xong dự án đánh giá tác động môi trường cho hai xưởng xử lý ắcquy chì phế thải và tái chế nhựa, kim loại màu của họ, và dự án đã được Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường phê duyệt.
Sau đó vấn đề quy hoạch nơi sản xuất cho làng nghề cũng gặp không ít khó khăn. Để tránh lặp lại cảnh làm ăn lộn xộn trước đây, hai công ty TNHH Ngọc Thiên, Minh Quang đã lập dự án quy hoạch nơi sản xuất tập trung vào một nơi và điều kiện trước tiên được đặt ra là khu vực đó phải cách xa khu dân cư.
Vùng đất họ chọn để lập dự án xây dựng là khu vực biệt lập giữa cánh đồng của xã Chỉ Đạo. Một vị trí có những đặc điểm đất đai chiêm trũng, chua mặn, nghèo dinh dưỡng và không cho năng suất cao khi canh tác lúa ở đó. Dự án được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn về quy hoạch làng nghề như khu vực sản xuất, nhà kho, đường giao thông, đường điện, nguồn nước riêng biệt; có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn của Tiêu chuẩn VN.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dự án quy hoạch làng nghề vẫn đang trong quá trình chờ các cấp lãnh đạo của tỉnh phê duyệt và những người làm nghề này ở làng Đông Mai vẫn đang thấp thỏm chờ đợi. Chỉ biết rằng, mỗi ngày chờ đợi qua đi là kèm theo sự lo lắng của những người làm nghề "hẩy" chì ở Đông Mai.
Thanh Giang
>>
- Rác quảng cáo đang bủa vây đô thị
- “Nóng” vấn đề cán bộ và quy hoạch nông thôn
- Quy luật và... luật!
- Chờ... thiết kế đô thị?
- Không thể bó tay với ùn tắc giao thông
- TPHCM: Khó giải tỏa nhà ven kênh
- Nhà rông văn hoá?
- Quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội - Bài 3: Không thành cao ốc, giá biệt thự sẽ giảm
- Những góc nhìn về Phố hoa
- Quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội - Bài 2: Rối đến bao giờ?