TP HCM đã bắt tay triển khai chương trình giải tỏa nhà ven và trên kênh rạch 4 năm nay. Mục tiêu đến năm 2010, thành phố sẽ di dời và tái định cư 15.000 căn hộ. Tới nay, số lượng thực hiện chưa được 40%.
Theo một cán bộ Sở Xây dựng: “Mặc dù là một trong những chương trình trọng điểm của TPHCM nhưng với tiến độ trên thì chương trình sẽ không hoàn thành mục tiêu đề ra”.
Thiếu ngân sách
Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn TPHCM có khoảng 1.800km sông, kênh, rạch, do nhiều cơ quan, ban ngành các cấp quản lý. Sau một quá trình dài buông lỏng quản lý, hàng chục ngàn hộ dân lấn chiếm sông, kênh, rạch xây cất nhà cửa. Trong đề án di dời 15.000 căn, lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm khoảng 4.074 hộ; kênh Tham Lương - Bến Cát, Vàm Thuật - rạch Nước Lên, Nhiêu Lộc - Thị Nghè gần 5.000 hộ; kênh Đôi - kênh Tẻ: 4.676 hộ…Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Xây dựng, đến nay Thành phố mới chỉ di dời được hơn 6.000/15.000 căn hộ.
Nhà ven kênh rạch Ụ Cậy (Quận 8) trong đề án di dời nhà ven biển của TP HCM
Theo Sở Xây dựng TPHCM, nguyên nhân khiến tiến độ di dời 15.000 căn nhà ven, trên kênh rạch chậm vì từ đầu năm 2008 Thành phố đã cắt nguồn ngân sách thực hiện chương trình này, thay vào đó là chủ trương đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Ngân sách Thành phố chỉ chi cho công tác khảo sát, đo vẽ hiện trạng… trong khi “gánh nặng” nằm ở chỗ đền bù, giải tỏa và tái định cư nên nhiều dự án có quy mô lớn lần lượt bị tắc do thiếu vốn.
Trong khi đó, chính sách xã hội hóa chưa hấp dẫn nên chủ đầu tư không nhảy vào. Bà Đổng Thị Kim Vui - Bí thư Quận ủy quận 8 cho biết, một mặt các dự án có vốn ngân sách triển khai chậm do thiếu vốn, mặt khác các dự án kêu gọi tư nhân thì chưa được chủ đầu tư quan tâm. Vì hầu hết việc giải tỏa nhà trên kênh rạch chủ yếu nhằm xây bờ kè chống xói lở, đồng thời tạo lập hành lang bờ kênh rạch để xây dựng các tuyến đường giao thông hoặc công viên cây xanh chứ không tạo được quỹ đất kinh doanh nên khó thu hút được nhà đầu tư. Kết quả là đến nay chưa có dự án nào được đầu tư theo hình thức xã hội hóa thành hình.
Cũng vì bài toán kinh phí nên dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm tại quận Bình Thạnh bị treo 8 năm nay.
“Chữa cháy” bằng hạ chỉ tiêu
Một cán bộ phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh thừa nhận:“Hầu hết các nhà di dời được đến nay chủ yếu là do ăn theo các dự án hạ tầng khác”. Cụ thể, nhờ thực hiện dự án cải tạo kênh Ba Bò (quận Thủ Đức) nên quận di dời, giải tỏa được gần 60 hộ; hay nhờ thực hiện dự án chống sạt lở trên bờ kênh kênh Thanh Đa cũng giải tỏa, di dời được 161 hộ. Theo kế hoạch, đến 2010, quận Bình Thạnh sẽ giải tỏa, di dời hơn 3.000 căn ven, trên kênh; nhưng đến nay mới chỉ di dời được gần 250 căn, chỉ đạt 8% kế hoạch.
Để tháo gỡ khó khăn này, Sở Xây dựng và một số quận, huyện có liên quan trong chương trình di dời thống nhất giải pháp thu hẹp hành lang giải tỏa nhà dân (tính từ bờ kênh, rạch) từ 20m xuống còn 7,5m. Theo đó, kinh phí cho giải phóng mặt bằng giảm còn 1/4 đến 1/3 so với kinh phí quy mô giải tỏa hành lang kênh, rạch 20m theo quy định.
Ngoài ra, theo báo cáo của Ban thường trực các dự án nâng cấp đô thị cho biết, chương trình di dời 15.000 căn hộ chỉ có 14 dự án, với 9.110 hộ bị ảnh hưởng có điều kiện triển khai thực hiện và hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong giai đoạn đến năm 2010. Do đó sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu di dời từ 15.000 căn hộ xuống còn 10.000 căn hộ.
Tuy nhiên, cái khó không chỉ có vấn đề kinh phí. Theo UBND quận 8, do thời gian chuẩn bị và triển khai thực hiện chương trình ngắn, trong khi khả năng tạo được quỹ nhà tái định cư đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 là không khả thi. Chính sách kêu gọi đầu tư xã hội hóa chưa hấp dẫn. Do đó cần phải có lộ trình và chính sách phù hợp.
Tây Đô
- “Nóng” vấn đề cán bộ và quy hoạch nông thôn
- Quy luật và... luật!
- Chờ... thiết kế đô thị?
- Không thể bó tay với ùn tắc giao thông
- Đông Mai: Một làng nghề chưa được đặt tên
- Nhà rông văn hoá?
- Quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội - Bài 3: Không thành cao ốc, giá biệt thự sẽ giảm
- Những góc nhìn về Phố hoa
- Quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội - Bài 2: Rối đến bao giờ?
- Quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội - Bài 1: Cao ốc "nốc ao" biệt thự
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này