Đề nghị tạm thời hạn chế cấp phép xây dựng trên diện tích đất dọc theo ba tuyến đường đại lộ Đông - Tây, xa lộ Hà Nội và đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi của Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM mới đây cho thấy sự chậm chạp trong công tác quản lý kiến trúc - cảnh quan của cơ quan chuyên môn này.
Trong văn bản gửi các quận - huyện về định hướng phát triển không gian - kiến trúc - cảnh quan và quản lý các công trình dọc theo ba tuyến đường nói trên, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đề nghị “tạm thời hạn chế việc cấp phép xây dựng để tránh gây lãng phí, thiệt hại cho người dân, trong thời gian lập quy hoạch và chờ thiết kế đô thị”.
Tuy nhiên, theo giới luật sư, nếu đề nghị này được thực thi thì quyền được xây sửa nhà hợp pháp của hàng ngàn hộ dân sẽ bị xâm phạm. (Ranh giới ảnh hưởng của đồ án thiết kế đô thị dọc theo các tuyến đường từ 50-150 mét - tính từ lộ giới đường; riêng tuyến đại lộ Đông - Tây có khoảng 800 héc ta đang được nghiên cứu thực hiện thiết kế đô thị).
- Ảnh bên : Một ngôi nhà "quái dị" xuất hiện trên đại lộ Đông - Tây (ảnh: Trần Phan / Lao Động)
Ngay cả một quan chức của Sở Tư pháp TPHCM cũng cho rằng đề nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm quyền lợi của người dân. Vậy, chẳng lẽ Sở Quy hoạch Kiến trúc không biết điều này? Lãnh đạo sở đã giải thích như sau: văn bản không mang tính chỉ đạo mà là gợi ý, hướng dẫn các quận, huyện.
Dù vậy, theo một cựu lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, việc gợi ý trái luật như thế cho thấy cơ quan này đang chịu sức ép rất lớn từ một bên là nhu cầu bảo vệ cảnh quan và bên kia là nhu cầu xây dựng của người dân. Mục đích của đề xuất này nhằm tránh tình trạng xây dựng lộn xộn (nhà siêu mỏng, siêu nhỏ), làm xấu mỹ quan của những tuyến đường quan trọng.
Có thể thấy, trong những năm qua, nhiều tuyến đường mới và được mở rộng như Hoàng Sa, Trường Sa (dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa... đã mở ra cơ hội tạo nên bộ mặt kiến trúc cảnh quan mới cho TPHCM. Thế nhưng do năng lực quản lý kiến trúc - cảnh quan của cơ quan chức năng kém nên kiến trúc mặt tiền những tuyến đường này trở nên lộn xộn, nhếch nhác.
Để tránh “vết xe đổ”, Sở Quy hoạch Kiến trúc thực hiện việc lập thiết kế đô thị dọc theo các tuyến đường này để làm cơ sở quản lý cho việc quản lý kiến trúc - cảnh quan, với mong muốn bộ mặt kiến trúc dọc theo các tuyến đường này phải đẹp. Thế nhưng do việc lập thiết kế đô thị chưa xong nên Sở Quy hoạch Kiến trúc đề nghị người dân phải chờ! Vấn đề ở đây là người dân chờ đến bao giờ, tại sao phải chờ và có nên chờ?
Có thể thấy, đại lộ Đông - Tây được khởi công từ năm 2002 nhưng đến nay công tác lập thiết kế đô thị mới ở bước khảo sát hiện trạng trong khi nhiều công trình mới dọc tuyến đường này đã mọc lên loạn xạ. Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi đã giải tỏa, đập nhà dân, nhưng thiết kế đô thị dọc theo tuyến đường chưa biết khi nào có... Hơn nữa, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng thừa nhận thiết kế đô thị là lĩnh vực rất khó và mới, Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn nên sở phải tự mày mò.
- Ảnh minh họa : Lê Toàn
Nhưng có thật sự là thiết kế đô thị sẽ giải quyết được vấn đề mỹ quan cho các tuyến đường? Có thể nói, về lý thuyết, thì được; còn thực tế, trong môi trường xã hội và pháp luật hiện nay lại rất khó. Vì rằng, thiết kế đô thị thể hiện mong muốn của cơ quan quản lý Nhà nước - kiến trúc hoành tráng, đẹp và hài hòa - trong khi người dân không phải ai cũng có khả năng đáp ứng (về tài chính và nhiều mặt khác). Khi đó, để thực hiện theo đúng thiết kế đô thị thì chắc chắn phải đền bù giải tỏa... mà công việc này, liên quan đến hàng ngàn hộ dân, sẽ là chuyện của mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa.
Theo ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, thiết kế đô thị do chính quyền lập ra không phải là cơ sở để người dân xây dựng cũng không phải là bản vẽ để người dân chấp hành mà nó chỉ là tài liệu tham khảo để cơ quan nhà nước soạn thảo những quy định về kiến trúc - cảnh quan dọc các tuyến đường. Chính bản quy định này mới là căn cứ để cấp phép xây dựng.
Có lẽ để kiến trúc các công trình dọc các tuyến đường tạo được vẻ mỹ quan tương đối, đồng thời không xâm phạm quyền hợp pháp của người dân, Sở Quy hoạch Kiến trúc cần sớm ban hành các quy định có tính cốt yếu như yêu cầu về bề rộng tối thiểu của khu đất xây dựng, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng cho từng khu vực... Hướng dẫn về kiến trúc cho người dân trước khi giải tỏa đền bù, như khi đập nhà dân thì phải cấp ngay cho họ giấy phép xây dựng theo định hướng kiến trúc mà nhà quản lý mong muốn!
Tại sao chúng ta lại phải chờ thiết kế đô thị trong khi cái cần thiết hiện nay là những quy định hướng dẫn kiến trúc trước nhu cầu cấp bách xây dựng lại nhà ở của người dân ngay sau bị giải tỏa một phần - do mở đường? Chính những quy định này (có tính khả thi cao) sẽ hướng kiến trúc mặt tiền các trục đường quan trọng dần dần đẹp hơn.
Quang Chung
>>
- Luật Thủ đô sẽ tạo sức bật cho Hà Nội “cất cánh”
- Giữ “hồn” phố cổ
- Rác quảng cáo đang bủa vây đô thị
- “Nóng” vấn đề cán bộ và quy hoạch nông thôn
- Quy luật và... luật!
- Không thể bó tay với ùn tắc giao thông
- Đông Mai: Một làng nghề chưa được đặt tên
- TPHCM: Khó giải tỏa nhà ven kênh
- Nhà rông văn hoá?
- Quản lý biệt thự cũ tại Hà Nội - Bài 3: Không thành cao ốc, giá biệt thự sẽ giảm