Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Rác quảng cáo đang bủa vây đô thị

Rác quảng cáo đang bủa vây đô thị

Viết email In

Việc tiếp thị, mở rộng không gian cho thông tin về sản phẩm kinh doanh là quan trọng, song, đã đến lúc phải nhìn nhận lại về hiệu quả mà các hoạt động đó mang lại và cần tôn trọng không gian sinh thái, văn hóa, sự xuất sắc trong ý tưởng và độc đáo tinh tế trong hình thức tiếp cận tình cảm của khách hàng.

Trong cuốn sách Lời thú tội của một người làm quảng cáo (xuất bản năm 1963), David Ogilvy, người sáng lập công ty quảng cáo nổi tiếng tại Mỹ Ogilvy & Mather đã viết rằng: “Cá nhân tôi có một niềm đam mê dành cho phong cảnh, và tôi chưa từng bao giờ thấy một phong cảnh nào được bảng quảng cáo làm cho đẹp lên. Ở mọi nơi có cảnh vật tươi đẹp, kẻ nào dựng lên một bảng quảng cáo chính là kẻ đê tiện nhất”.

Không gian sống của đô thị Việt Nam đang bị bủa vây bởi rác quảng cáo. Từ những hình thức quảng cáo “du kích”, bất hợp pháp thể hiện chi chít trên cột điện, những tường nhà, chỉ cần sau một đêm, đã bị bôi bẩn bởi những bảng quảng cáo hút hầm cầu, khoan cắt bê tông, dạy kèm, ra mắt album... Trước đây, chính quyền Hà Nội từng ra tay dẹp loạn quảng cáo kiểu này nhưng cũng chỉ mang tính “chiến dịch”, đánh trống bỏ dùi. Bất trị.

  • Ảnh bên: Biển quảng cáo tại ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TPHCM (Ảnh: Lê Toàn)

Ngoài ra, còn có những hình thức quảng cáo (có vẻ) “hợp pháp” hơn nhưng cũng gây nhức mắt không kém. Hãy nhìn trên những tán cây đẹp tại những ngã ba, ngã tư hay công viên của thành phố chi chít những băng rôn giăng mắc ngổn ngang, sà xuống lòng thòng ngang tầm nhìn, kèm theo đó là đội quân những bảng lớn bảng nhỏ từ chương trình ca nhạc, hội diễn, liên hoan, cộng với các khẩu hiệu tuyên truyền văn minh đô thị nhưng cũng có gắn logo nhà tài trợ được thiết kế và diễn đạt lắm lúc rất phản cảm và cao hơn nữa, trên những vách nhà là một rừng những bảng tên cửa hàng, bích chương quảng cáo lớn vật vã giành giật nhau từng tấc không gian để đập vào mắt mọi người.

Bầu trời đô thị vốn đã vẩn đục vì ô nhiễm, cắt vụn vì kiến trúc lố nhố, nay lại càng hẹp vì bảng biểu quảng cáo bát nháo, mất mỹ quan.

Một phần lớn những bảng biểu quảng cáo bèo nhèo (bằng vải, nilon) theo kiểu tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả (đập vào mắt khán giả) ấy là sản phẩm nối dài của tư duy, kiểu cách tuyên truyền vận động thời bao cấp cộng với chút ít tâm lý thực dụng của tiếp thị chụp giật, quảng bá cưỡng bức. Hiệu quả thẩm mỹ rất kém. Thậm chí thẩm mỹ là thứ không hề được đặt ra. Quan niệm của “đội quân” này rất đơn giản: treo càng nhiều, loa càng lớn càng tốt.

Vẫn biết việc tiếp thị, mở rộng không gian cho thông tin về sản phẩm kinh doanh là quan trọng, song, đã đến lúc phải nhìn nhận lại về hiệu quả mà các hoạt động đó mang lại. Tư duy chụp giật sẽ không còn phù hợp trong bối cảnh mà nghệ thuật quảng cáo đòi hỏi trước hết là sự tôn trọng không gian sinh thái, văn hóa, sự xuất sắc trong ý tưởng và độc đáo tinh tế trong hình thức tiếp cận tình cảm của khách hàng.

Là khách hàng thụ hưởng giá trị văn hóa, đã đến lúc người tiêu dùng nên biết cách từ chối mua vé những chương trình biểu diễn, không chọn mua những sản phẩm mà hình thức, hoạt động quảng cáo của chúng rẻ tiền, phản cảm, phản văn hóa, giết chết không gian chung. Một khi sự quản lý của nhà nước còn quá lỏng lẻo, thì có lẽ cần đến những hành động từ khách hàng, từ thị trường. Có lẽ bằng cách đó, những “bầu sô” dễ dãi, những kẻ tiếp thị tùy tiện sẽ không còn đất sống.

Ngoài ra, phải tạo một cơ chế để người dân có được cái quyền được phản ứng trước tình trạng không gian sống và hít thở của mình đang có nguy cơ bị chiếm đoạt.

Nguyễn Vĩnh Nguyên 

>> Quảng cáo đô thị từ góc nhìn văn hóa 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...