Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn TP.HCM: Nham nhở bởi chung cư “mì ăn liền”

TP.HCM: Nham nhở bởi chung cư “mì ăn liền”

Viết email In
Trong khi chờ đợi một khu chung cư (CC) hay một khu quy hoạch đầy đủ, đúng nghĩa được xây dựng thì hàng loạt các CC “mì ăn liền” mọc lên ở khắp trong thành phố, khiến cho bộ mặt đô thị trở nên vá víu.

Quy hoạch lổn nhổn

Ở Q.2, tại các khu CC đã và đang được đưa vào sử dụng, theo khảo sát của chúng tôi, hầu như đều thiếu vắng khu vui chơi giải trí, điều kiện để người dân tham gia sinh hoạt khi cần thiết. CC Bình Minh trên đường Lương Định Của được đưa vào sử dụng từ năm 2007 với quy mô khá đồ sộ (11 lầu, mỗi lầu có 14 phòng, mỗi phòng có diện tích từ 104m2 trở lên) nhưng hiện nay số người ở trong CC này còn rất ít. Ông Hoàng Bá Quế - Trưởng BQL các dự án Q.2 cho biết, hiện nay số người đến ở tại CC Bình Minh chỉ chiếm khoảng 50%, còn lại là để trống. Ông Quế lý giải, do cơ sở hạ tầng tại đây chưa hoàn thiện, đường sá còn dở dang, khu vui chơi giải trí không có, đặc biệt khâu giải phóng mặt bằng vẫn còn đang ách tắc nên nhiều người không muốn dọn đến đây ở.

Cũng chung cảnh tượng trên, cao ốc Lương Định Của và CC Cầu Ông Tranh đều là những nơi không có khu vui chơi giải trí. Theo anh Dương Ngọc Hùng - BQL cao ốc Lương Định Của, thuộc Cty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận, do quy hoạch ban đầu không đề cập tới việc xây dựng khu vui chơi giải trí, nay sau 4 năm đi vào sử dụng, bà con có ý kiến muốn có hạng mục này nên cũng khó vì phải chờ giải quyết tranh chấp xong mới xem xét được.

Tại CC Cầu Ông Tranh, do không có khu vui chơi giải trí nên bà con phải lặn lội đưa nhau đến nhà văn hoá Q.2 cách đó chừng 5km để thưởng thức các trò chơi khi có nhu cầu. CC Thạnh Mỹ Lợi xây dựng sau nên có quy hoạch khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em nhưng khu vực này mới chỉ dừng ở việc phục vụ cho trẻ em mầm non sinh hoạt, ca hát chứ chưa phổ cập cho các đối tượng khác.

Cần có một nhạc trưởng

Về thực trạng CC mì ăn liền, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành nhận xét: “CC cứ mọc dồn dập trong khu dân cư một cách tràn lan trong khi hạ tầng xã hội và kỹ thuật không thay đổi, không đầu tư mở rộng. Khi chọn làm CC “mì ăn liền”, doanh nghiệp chỉ thỏa thuận với một vài chủ đất, mặc dù giá cả có cao đi nữa vẫn ít rủi ro. Thủ tục, kinh phí, thời gian đầu tư cũng nhanh chóng, dễ dàng hơn khi làm dự án quy mô lớn. Tiếp đó là hạ tầng cơ sở có sẵn, không lo mảng xanh, trường học, đường sá... lại được mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất cao hơn. Doanh nghiệp chỉ việc chọn khu đất tiện lợi, xây dựng đẹp và cứ thế rao bán, nhanh chóng thu hồi vốn. Vì thế, doanh nghiệp ngày càng thích chọn CC “mì ăn liền” mà ngó lơ dự án lớn bởi quá ngán ngại câu chuyện bồi thường, giải phóng mặt bằng”.

Trước thực trạng trên, ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hội KHKT Xây dựng TP.HCM bức xúc: “Tình trạng quy hoạch hiện nay khiến cho bộ mặt đô thị trở nên méo mó, nham nhở. Những miếng vá cứ kéo dài mãi khiến cho các tuyến phố đều nhếch nhác, không thể trở thành TP văn minh được”.

Nguyên nhân của thực trạng này, theo các nhà chuyên môn là do chưa có kiến trúc sư trưởng đủ tầm, có tâm, có quyền lực để triển khai. Cái khó của quy hoạch hiện nay là mức đền bù làm sao ít tốn kém nhất nhưng hạ tầng kỹ thuật phải đầy đủ, đồng bộ và hiện đại nhất.

Để giải quyết thực trạng này, các TP lớn cần phải quy hoạch được các đô thị vệ tinh. Khi tiến hành xây dựng các khu đô thị vệ tinh, cần giải quyết nhà ở cho người dân, lo công ăn việc làm cho đối tượng nghèo. Các đối tượng này chỉ nên bố trí ở từ lầu 5  trở xuống để họ còn buôn bán, làm ăn, nếu không họ sẽ bán nhà, tìm nơi khác và nhiều khu ổ chuột lại mọc lên. Mật độ xây dựng tại trung tâm phải được cải thiện với mật độ 35%.

Dương Thảo
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo