Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Kiến trúc cổ vùng đất phù sa mới: Báu vật chưa được khai thác

Kiến trúc cổ vùng đất phù sa mới: Báu vật chưa được khai thác

Viết email In

Để viết bài phóng sự này, tôi không thể không đến một nơi, đó là ngôi nhà cổ Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) của tộc họ Dương. Ngôi nhà được xây năm 1870, hiện là kiến trúc cổ bề thế còn nguyên vẹn nhất đồng bằng.

Ngôi nhà này càng "nổi như cồn" khi được chọn làm cảnh quay chính cho bộ phim nổi tiếng "Người tình" (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Marguerite Duras). Tại đây, tôi đã lờ mờ nhìn thấy lời giải cho câu hỏi: Làm sao cứu các kiến trúc cổ đồng bằng? 

Báu vật chưa được khai thác

Ngôi nhà cổ đồ sộ Bình Thủy có lối kiến trúc pha trộn Đông – Tây vẫn còn khá nguyên vẹn và giữ nguyên hầu hết vật liệu, đồ đạc nguyên thủy, như: Gạch bông hoa hồng đỏ đen từ Pháp chuyển sang; bàn ghế từ Vân Nam - Trung Quốc... Ngôi nhà từng là bối cảnh cho hàng chục bộ phim nổi tiếng như “Những nẻo đường phù sa”, ”Người đẹp Tây Đô”, “Công tử Bạc Liêu”... Năm 1991, đạo diễn người Pháp JJ.Annaud từng ở trong ngôi nhà suốt một tuần để quay phim “Người tình”. Năm 2009, ngôi nhà được công nhận là di tích lịch sử văn hóa (LSVH) quốc gia.

  • Ảnh bên : Khách du lịch nước ngoài tại nhà cổ Ba Đức.

Trong khoảng 2 giờ lưu lại nơi đây, tôi đếm được hơn 20 khách đến tham quan, chủ yếu là khách Châu Âu. Họ ngắm nghía thật kỹ các cổ vật và dừng lại lâu bên các dấu tích của bộ phim “Người tình”. Chị Julia Sanders cùng chồng đến từ nước Pháp cho biết, những người Pháp có quan tâm tới điện ảnh và không chỉ người Pháp, ai cũng muốn đến đây để có cảm giác sống với phim “Người tình”. Thế nhưng, theo chị, TP.Cần Thơ (và cả thị xã Sa Đéc – tỉnh Đồng Tháp) đang quá phí phạm “báu vật” mà lịch sử trao tặng. Chị nói: “Ở bên chúng tôi, chỉ cần một danh nhân lịch sử từng đến đâu đó ở một thời gian, là nơi đó trở nên khá giả nhờ khai thác du lịch”.

Tại nhà cổ Bình Thủy, không có bất cứ hoạt động gì gọi là “dịch vụ du lịch”. Chị J.Sanders cho biết, trước khi đến đây, vợ chồng chị đã đến tham quan nhà cổ tộc họ Huỳnh ở thị xã Sa Đéc. Chủ nhân của ngôi nhà 120 năm tuổi này (ông Huỳnh Thủy Lê) là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Người tình”. Ngôi nhà đồ sộ còn khá nguyên vẹn này (di tích LSVH cấp tỉnh) là điểm đón khách nước ngoài hàng đầu ở đồng bằng, có ngày lên đến cả ngàn người. Thế nhưng, khách đến đây thường cũng về tay không, túi tiền vẫn còn nguyên.

Chủ ngôi nhà cổ Bình Thủy đang xin cùng Cty du lịch Cần Thơ mở dịch vụ ẩm thực trong khu di tích để phục vụ du khách những món ăn cổ thế kỷ 17 - 18, nhưng chưa được chấp nhận. Không có nguồn thu, chủ nhà chỉ có thể sửa chữa những hư hỏng nhỏ, còn sửa chữa lớn thì nhờ tiền nhà nước. Cả những di tích, những giá trị VHLS đã được “gắn sao” vẫn không thể tự “sống”, mà phải tiếp tục bám vào bầu sữa nhà nước, thì chúng chỉ còn nước cứ xuống cấp và biến mất dần!

Di sản UNESCO

Vài năm trở lại đây, những người quan tâm tới kiến trúc cổ và kinh doanh du lịch ở đồng bằng bỗng dồn sự quan tâm về xã Đông Hòa Hiệp – huyện Cái Bè – Tiền Giang. Một ngôi nhà “siêu cổ” ở đây khi sắp đổ sập, bỗng được phục hồi nguyên trạng, để rồi chủ ngôi nhà đang giàu lên nhờ kinh doanh du lịch trong ngôi nhà. Tôi tìm đến ngôi nhà này gặp lúc trời mưa, khá vất vả mới chạy xe gắn máy vào đến nơi. Vậy mà, khi tôi đến đã thấy hàng chục khách nước ngoài ngồi thưởng thức các món ăn dân dã ở “nhà dưới”. Cảnh ấy gợi trong tôi cái triết lý “hữu xạ tự nhiên hương”, khi mà tận “hang cùng ngõ hẽm” này khách du lịch nước ngoài vẫn đến nườm nượp (bằng đò), trong khi nhiều điểm du lịch cặp quốc lộ, gần thành phố thì vắng tanh.

Chủ nhà – ông Trần Tuấn Kiệt – cho biết, ngôi nhà được ông tổ xây dựng năm 1838, đến năm 2000 thì rệu rã, chuẩn bị đổ sập. Bất ngờ, năm 2002 Tổ chức JICA của Nhật Bản đến thăm, họ xin được nghiên cứu, khảo sát ngôi nhà. Năm 2003, JICA nhận tài trợ trùng tu ngôi nhà với chi phí hơn 1,8 tỉ đồng. Năm 2004 họ bàn giao lại cho chủ. Anh Kiệt nói: “Họ trùng tu theo quy trình rất nghiêm ngặt, giữ lại hầu hết hiện trạng, chỉ thay thế những bộ phận hư hỏng trên 90%. Đích thân kiến trúc sư Kaneda (Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản) đã ở đây suốt 7 tháng để giám sát thi công”. JICA còn cất công làm hồ sơ để ngôi nhà được UNESCO công nhận là “di sản Châu Á – Thái Bình Dương”. 

  • Ảnh bên : Nhà cổ “Đốc phủ Hải” (Gò Công) dùng làm nhà truyền thống.

Bàn giao ngôi nhà đã được trùng tu, JICA cũng gợi ý chủ nhà cách thức làm du lịch để tạo ra giá trị, từ đó có điều kiện tu bổ ngôi nhà bền vững theo thời gian. Bây giờ vợ chồng anh Kiệt đã có “số má” trong làng du lịch tỉnh Tiền Giang. Anh luôn tìm tòi đầu tư những cái mới cho ngôi nhà, nhưng luôn bảo đảm nguyên tắc “như xưa”.

Cách ngôi nhà cổ “Tuấn Kiệt” chưa tới cây số là “nhà cổ Ba Đức”. Nhà được cụ Phan Văn Cương xây dựng năm 1850 hoàn toàn bằng gỗ, đến năm 1938 các vách gỗ quanh nhà được thay thế bằng tường. Ông Ba Đức - cháu đời thứ 6 của cụ Phan Văn Cương - cho biết: Căn nhà còn được nguyên vẹn như ngày nay là do gia đình ông quyết giữ lại di sản của cha ông. Ông đã sớm kinh doanh du lịch miệt vườn và đã thành công. Một người con của ông Đức học tiến sĩ ở nước ngoài đã giúp ông nhiều ý tưởng trong kinh doanh du lịch gắn với kiến trúc cổ. Hiện mỗi ngày ông đón 100 – 150 khách nước ngoài, nhiều người ngủ lại qua đêm, họ được phục vụ ăn uống như “thượng đế”. Ông Đức vừa được Tổ chức JICA đưa đi tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) để chuẩn bị cho dự án làng cổ Đông Hòa Hiệp.

Mọi con đường đều dẫn tới du lịch

Thực ra, chuyện sử dụng kiến trúc cổ phục vụ du lịch đã được chính quyền tỉnh Bạc Liêu làm trước đó. Ngôi nhà của “công tử Bạc Liêu” từ lâu đã được làm nơi kinh doanh du lịch, nhờ đó mà tạo nên giá trị giúp tu bổ di tích này không bị xuống cấp. Nằm qua đêm trong phòng ngủ của công tử Bạc Liêu ngày nào chỉ với giá 350 ngàn đồng, tận hưởng cái cảm giác sống lùi gần 1 thế kỷ, tôi không biết phải cảm ơn ai: Công tử Bạc Liêu hay những người có ý thức gìn giữ ngôi nhà cổ này. Nhiều ngôi nhà cổ không hề “thua chị kém em” nhưng không được cư xử như vậy bởi nó đang thành công sở, nhà truyền thống... Với các nhà cổ mà người dân đang sở hữu, vấn đề nan giải hơn nhiều.

Đa số chủ nhà đều nghèo, dù tổ tiên họ từng là “ông hội, ông cả” giàu có (phải chăng vì “ai giàu ba họ”). Họ không có ý thức giữ gìn giá trị cổ và không có khả năng duy tu ngôi nhà. Đã có 1 lời giải: Kêu gọi sự trợ giúp quốc tế đầu tư trùng tu một lần, rồi giao lại cho chủ nhà, tạo điều kiện cho họ kinh doanh du lịch giúp họ có điều kiện bảo dưỡng ngôi nhà bền vững theo thời gian. Còn có kênh trợ giúp nào khác “bắt sóng” được tiếng kêu cứu của hàng trăm kiến trúc cổ đồng bằng? Thời gian không chờ đợi ai cả, thời gian càng nghiệt ngã với các công trình kiến trúc cổ trên đất phù sa mới. Đó đây đã bắt đầu xuất hiện những công trình mới xây dựng “giả cổ”, không khéo con cháu người đồng bằng sau này sẽ có “cái thú” chiêm ngưỡng đồ giả!

Kỳ Quan

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo