Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Phá biệt thự tại TPHCM: Mất dần không gian kiến trúc đặc thù?

Phá biệt thự tại TPHCM: Mất dần không gian kiến trúc đặc thù?

Viết email In

Theo báo cáo quy hoạch chi tiết 1/2.000 và lập quy chế quản lý kiến trúc khu trung tâm hiện hữu TP.HCM công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) - đơn vị thắng trong cuộc thi thiết kế khu trung tâm hiện hữu TP.HCM - “khu vực biệt thự tại quận 1 và quận 3, là một trong những khu vực được đô thị hoá sớm nhất kể từ thời Pháp thuộc, sẽ được tái phát triển theo hướng bảo tồn”. Tuy nhiên, việc này chưa được quyết định một cách rõ ràng thì tình trạng biệt thự ở khu quận 1, quận 3 mất đi ngày càng nhiều.


Biệt thự 32 Trần Quốc Thảo giờ đã bị đập 

Mất dần không gian kiến trúc đô thị đặc thù

Mới đây nhất, biệt thự 32 Trần Quốc Thảo đã bị đập. Theo KTS Nguyễn Khởi, biệt thự số 32 Trần Quốc Thảo là một công trình di sản quý giá của TPHCM. "Công trình này có giá trị cũng như những công trình của kiến trúc Pháp mà Hà Nội đang cố gìn giữ… Do vậy, tôi không hiểu sao đây là công trình thuộc một cơ quan công quyền mà lại phá bỏ di sản này đi để xây, thay thế vào đó một công trình mới hiện đại".

Theo KTS Khởi, toàn bộ mảng biệt thự tại khu vực quận 1, quận 3 là những di sản cần được bảo tồn vì những công trình ấy đã phản ánh lên được nét đặc trưng của không gian đô thị xưa. Nếu đập phá hết đi thì còn gì là bản sắc, còn gì là Sài Gòn 300 năm?

TP.HCM muốn phát triển đô thị hài hoà thì việc đầu tiên là phải gìn giữ, phát triển tiếp nối các di sản. Những công trình mới hiện đại muốn có bản sắc phải dựa trên những nét đặc trưng riêng của cái cũ. Nếu TP.HCM cứ xoá toàn bộ những cái cũ đi để thay thế vào đó những cái mới hiện đại thì thành phố sẽ trở thành những Singapore, những phố đông Thượng Hải, những Hong Kong… Những khu này chỉ mang kiến trúc phô trương, quảng cáo cho nền kinh tế chứ người ta sẽ không tìm được trong đó những nét đặc trưng của thời gian, của lịch sử, của chiều dài văn hoá.

Tương tự, trong bài nghiên cứu mới đây PGS TS Nguyễn Trọng Hoà, chủ tịch Hội đồng Kiến trúc – quy hoạch TP.HCM, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng có chung nhận định: trong thời gian qua, kiến trúc đô thị TP.HCM chưa định hình rõ các mảng, tuyến cảnh quan đặc trưng như mảng cao tầng, tuyến phố, mảng biệt thự… Một số khu vực còn nhạt nhoà đi bản sắc vốn có: khu biệt thự quận 3 đang mất dần những khuôn viên biệt thự Pháp do tình trạng chia tách biệt thự cho nhiều hộ cư trú, công trình cũ xuống cấp bị cơi nới, biến dạng hay tháo dỡ để xây dựng lại công trình khác; hay những dãy phố người Hoa ở quận 5, quận 6 bắt đầu đan xen những nhà phố xây mới hoặc công trình cao tầng với kiến trúc chưa thực sự phù hợp.

Ông Hoà nhận định, trên góc độ không gian đô thị gắn với đặc điểm tự nhiên, thành phố chưa nhận dạng được những bản sắc đô thị đặc trưng cho mỗi loại khu vực với điều kiện tự nhiên khác nhau, dù cho thực tế các khu dân cư, khu đô thị mới được phát triển theo nhiều loại từ nơi đất tốt, cao, ít kênh rạch cho đến nơi đất xấu, thấp, kênh rạch chằng chịt… Các dáng dấp đô thị cũ dần mất đi – tuy chưa nhiều và quá nhanh. Còn phần đô thị mới cấy xen vào đây đó chưa thực sự có cùng ngôn ngữ. Bố cục không gian tầng cao chưa có hệ thống trên toàn thành phố. Có sự khập khiễng về khoảng lùi của các công trình trên cùng tuyến phố. Nhìn chung kiến trúc TP.HCM có phần hỗn loạn, thiếu trật tự và sự sắp xếp bài bản, thiếu tổ chức một cách tổng thể, hài hoà, đồng bộ cho nên chưa tạo được hình bóng của một đô thị văn minh, hiện đại. Gần như chưa thể nhận dạng được kiến trúc Việt Nam đương đại trong đô thị TP.HCM.

Phải giữ lại dáng dấp bên ngoài

Theo ghi nhận của Kiến trúc & Đời sống, hiện có hai luồng ý kiến xung quanh việc các biệt thự có kiến trúc Pháp ngày càng mất đi. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng phải giữ lại, không nên phá bỏ. Luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng, TP.HCM hiện đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, đặc biệt, đối với khu trung tâm. Do vậy, tại những khu vực giá trị đất đắt đỏ như vậy, các biệt thự này nếu chỉ để ở sẽ vô cùng xa xỉ. Hơn nữa, việc bảo tồn các biệt thự không có nghĩa là… bảo tàng hoá chúng. Chỉ có một số những công trình đặc biệt, có ý nghĩa văn hoá, lịch sử lớn, được các nhà chuyên môn thừa nhận như Văn phòng UBND TP.HCM, dinh Thống Nhất, nhà hát TP.HCM… mới phải gìn giữ nguyên trạng, đúng chức năng. Còn các biệt thự khác nếu quá xuống cấp hoặc không có giá trị gì nhiều thì nên bảo tồn theo hướng làm cho chúng phù hợp hơn với thực tế. 

Trong khi đó, theo KTS Nguyễn Khởi, cách đây mười năm TS Lê Quang Ninh nghiên cứu thì toàn thành phố có khoảng 108 di tích kiến trúc Pháp cần bảo tồn. Tuy nhiên, hiện nay con số này giảm đi rất nhiều. Trong đó lượng biệt thự đang mai một đi để thay thế vào đó là những toà nhà cao tầng, hiện đại. Xây cao ốc thì thiếu gì đất xây nhưng một biệt thự đã phá đi rồi thì ba bốn chục hay cả trăm năm sau có tìm lại được không?, ông Khởi cho biết. Theo ông Khởi, cách tốt nhất để những biệt thự này không xuống cấp, không làm giảm đi tính công dụng của nó thì chúng ta có thể chừng mực sửa chữa, duy tu ở bên trong nhưng nhất thiết phải giữ lại cho bằng được kiến trúc bên ngoài.

Đồng quan điểm với KTS Khởi, thạc sĩ Lương Hiền Chung, giảng viên trường đại học Giao thông vận tải có chung nhận định: công năng của biệt thự có thể thay đổi nhưng không thay đổi kiến trúc bên ngoài của biệt thự. Còn theo ông Nguyễn Trọng Hoà, tình trạng mất dần không gian kiến trúc đô thị đặc thù này cũng gắn với vấn đề bảo tồn không gian kiến trúc hiện chưa được nghiên cứu và pháp lý hoá một cách hệ thống: TP.HCM chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý về các công trình bảo tồn và những quy định hướng dẫn sửa chữa, xây dựng đối với công trình bảo tồn cũng như khu vực xung quanh có thể ảnh hưởng đến công trình bảo tồn, cao ốc.

Tùng Quang (thực hiện) - Ảnh: Thu Thủy

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo