Quyết định 68 quy định về cấp phép xây dựng được UBND TPHCM ban hành hồi trung tuần tháng 9 được đánh giá là một trong những bước tiến về mặt chính sách trong công tác quản lý xây dựng. Một trong những nội dung quan trọng của quyết định này là khu vực đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở nếu có nhu cầu thì có thể được cấp giấy phép xây dựng tạm tối đa năm tầng.
Như thế, người dân sống tại các khu vực quy hoạch “treo” đã có thể xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà ở của mình lên tối đa năm tầng (xây dựng kiên cố), thay cho quy định trước đây (Quyết định 04/2006) chỉ cho phép người dân được xây nhà bán kiên cố với quy mô một trệt, một lầu. Quy định cũ đã gây khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực bị quy hoạch “treo”; khi sửa chữa, nâng cấp, xây dựng nhà cửa để ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, chính sách mới được đánh giá là thông thoáng hơn vẫn chưa thực sự tháo gỡ hết những khó khăn cho người dân, khi kèm thêm các điều kiện “chủ đầu tư phải cam kết và thực hiện tháo dỡ không điều kiện nhà ở, công trình xây dựng khi Nhà nước triển khai thực hiện quy hoạch” và “phần xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm thì không được bồi thường”.
Lấy ví dụ từ một trường hợp cụ thể, các hộ dân tại khu Cư xá ngân hàng phường 21, quận Bình Thạnh, nhiều năm qua đã phải chịu đựng cảnh nhà cửa xuống cấp, đường nội bộ hư hỏng, lầy lội chỉ vì quy hoạch “treo” gần 15 năm qua. Nay, theo Quyết định 68, các hộ dân nơi đây có thể được cấp giấy phép xây dựng (quy mô đến năm tầng). Tuy nhiên, họ phải chuẩn bị tâm lý chấp nhận việc đập bỏ phần công trình vừa xây dựng xong để bàn giao mặt bằng khi địa phương triển khai thực hiện quy hoạch. Về mặt xã hội, mặc dù Nhà nước sẽ không phải bồi thường phần công trình được xây dựng này nhưng sẽ là một sự lãng phí lớn trong những trường hợp phải đập bỏ hàng trăm, hàng ngàn công trình vừa được xây dựng kiên cố.
Vì thế, cái gốc của vấn đề vẫn là việc nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch nhằm xóa bỏ hoàn toàn tình trạng quy hoạch “treo” ở thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Tại các kỳ họp HĐND TPHCM trong thời gian qua, quy hoạch “treo” luôn là một trong những vấn đề thu hút nhiều ý kiến chất vấn và phản ánh của người dân nhất. Người đứng đầu Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM tại chương trình đối thoại cùng chính quyền thành phố về quy hoạch đô thị do Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM thực hiện vào ngày 25-9 vừa qua cũng khẳng định rằng quy hoạch là công cụ quản lý đô thị của chính quyền thành phố và chính quyền sẽ nghiên cứu việc quy hoạch để phù hợp với định hướng phát triển của thành phố trong lâu dài. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi các cơ quan chức năng vẫn đang nghiên cứu, lập và thẩm định các đồ án quy hoạch chung cho các quận, huyện, quy hoạch chi tiết cho các khu công nghiệp và khu chức năng quan trọng thì người dân vẫn phải tiếp tục xoay xở và sống chung với quy hoạch “treo”.
Yến Dung
- Chia “lô” bờ sông Sài Gòn
- Xót xa lăng Bà Chúa, thành Hoàng Đế
- Đà Lạt: dứt bỏ hoài niệm để tìm hướng phát triển
- Khả năng “nói chuyện” với di sản
- Biến đổi khí hậu: "Sống chung với lũ"
- Khu đô thị mới ngập không thua đô thị cũ!
- Ngôi chùa gần 1000 năm tuổi kêu cứu
- Loạn sàn giao dịch bất động sản: 'Béo cò', đau đầu quản lý
- Đất và lòng người
- Một Hà Nội "chọc trời" trong mắt người nước ngoài