Có lẽ nhiều người trong giới trùng tu di tích còn nhớ câu chuyện kiến trúc sư người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (mà người Việt thân quen gọi là Kazik) đã bỏ ra 17 năm trời (1980-1997) để trùng tu từng viên gạch của khu di tích tháp Chăm ở Mỹ Sơn trong hoàn cảnh nước ta còn thiếu thốn phương tiện kỹ thuật, lại phải đối mặt với bom đạn sót lại từ hai cuộc chiến.
Trong những tháng ngày sống với Việt Nam, Kazik không chỉ nặng lòng với Mỹ Sơn mà còn đổ mồ hôi và nước mắt với di tích kinh thành Huế bị bom đạn, bị thời gian tàn phá và sự ứng xử không đúng mực của con người.
Người ta kể rằng, trước khi mất, kiến trúc sư Kazik đã vận động nhiều tổ chức ở Ba Lan tài trợ cho những kiến trúc sư giỏi, trong đó có cả con trai ông đến Việt Nam để tiếp tục công việc trùng tu di tích mà ông thấy còn nhiều duyên nợ.
- Ảnh bên : Tượng đài Kazik ở Hội An (nguồn: Wikipedia)
Nếu các vương triều Champa đã khai sinh, khẳng định một Mỹ Sơn đầy bản sắc trong quá khứ thì Kazik phục sinh một Mỹ Sơn của di chỉ trầm mặc và sâu lắng, của kho tàng di chỉ văn hóa, ký ức lịch sử về một dân tộc.
Hãy thử hình dung, nếu không có hiệp định hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Ba Lan ở những năm đầu thập niên 1980, những chuyên gia trùng tu di tích tài năng, hiểu biết và dấn thân như Kazik không đến Việt Nam thì Mỹ Sơn bây giờ ra sao? (Dễ thôi, cứ nhìn vào các tháp Chăm ở Khánh Hòa, Ninh Thuận được Việt Nam trùng tu sau bằng phương pháp chủ yếu là “đổ đâu trám xi măng đó, gãy đâu đúc bê tông đó” thì sẽ rõ câu trả lời!).
Đặt câu hỏi như thế để quay trở lại một câu chuyện thực tế mà tôi vừa được trải nghiệm. Trong chuyến chu du Đông Bắc gần đây, vài người rủ tôi đến Tuyên Quang tham quan thành nhà Mạc, di tích có 418 năm tuổi. Thấy chúng tôi ngơ ngác tìm cổng thành xưa, bác lái xe ôm bản xứ chỉ tay lên một tấm panô khổ rộng in hình một cổng thành rêu phong cổ kính với những rễ đa già len lỏi qua ngàn thớ gạch đá ong cũ như đang kể câu chuyện trầm tích thời gian. Phía trên tấm panô này còn ghi câu khẩu hiệu: “Hãy chung tay bảo vệ di tích lịch sử cấp quốc gia”.
“Đấy, thành nhà Mạc, thành Tuyên của ngày xưa. Chỉ nên xem tấm ảnh này rồi đi, không nên xem cái lò gạch mới làm gì!” - bác xe ôm nói với giọng hết sức buồn bã. Rồi như không lảng tránh được thực tế, ông dẫn chúng tôi ra bùng binh đường. Không thể nhận ra thành nhà Mạc là đây. Màu gạch mới, vôi vữa mới được bao bọc bằng những cọc inox, kéo rào xích sắt đang thu mình làm trách nhiệm của một… bùng binh giao lộ trung tâm, lọt thỏm giữa những tòa nhà phố kiêu hãnh.
- Ảnh bên : Thành nhà Mạc mới xây cũng là bùng binh trên đường phố Tuyên Quang.
Tâm trạng bác xe ôm tình cờ gặp bên đường có lẽ cũng như tâm trạng của biết bao cư dân đã gắn bó với thành phố này. Họ không giấu được nỗi mất mát lớn lao khi di chỉ văn hóa quen thuộc của cha ông bị xóa dấu và thay bằng một biểu tượng khác xa lạ.
Lật lại những tư liệu gần đây, tôi được biết cái dự án trùng tu di tích thành nhà Mạc này cũng mất đến 9,8 tỉ đồng của ngân sách. Các khâu duyệt, bàn bạc, hội họp từ địa phương đến trung ương cộng với thời gian thi công mất gần chục năm trời. Kết quả, như một tờ báo đã viết - là người ta đủ sức biến 418 năm tuổi thành… 1 tuổi.
Thế rồi, gần đây, báo chí tiếp tục “kêu gào trong tuyệt vọng” về việc “trùng tu tôn tạo” khiến thành cổ Sơn Tây (xây năm 1822 dưới triều Minh Mạng, nhà Nguyễn) trở nên “thất thủ”, hay sự lo lắng về một Ô Quan Chưởng đang thi công giữa Hà Nội, đánh mất vẻ cổ kính của diện mạo di tích.
Chúng tôi đem câu chuyện này trao đổi với một tiến sĩ khảo cổ học (xin giấu tên) và được cung cấp một góc nhìn khác: “Cũng có thể có yếu tố mọi người đã quen nhìn, thả cảm xúc vào dáng dấp đổ nát hoang phế hay cũ kỹ của nó, nên khi trùng tu, chắc chắn, diện mạo mới sẽ khiến người ta nghi ngờ. Song, phải hiểu rằng, ngay chính trên bàn thờ tổ tiên chúng ta, một khi được sơn phết mới hay lau chùi lại, thì tất yếu mọi thứ sẽ mới hơn, phải cần nhang khói mới tìm được vẻ thâm trầm sâu lắng. Di tích sau phục chế, trùng tu cũng cần lớp bụi thời gian mới tìm lại được diện mạo cũ!” - chuyên gia trên cho biết.
Đó là một cách hiểu chuyên môn. Đành là vậy. Song, có hai điều quan trọng nhất của trùng tu di sản là bảo tồn công trình và bảo tồn biểu tượng di chỉ ký ức một cách sống động trong lòng người dân, những chủ nhân của di sản. Nếu một công trình trùng tu chỉ đảm bảo thỏa mãn con mắt của nhà chuyên môn mà không tìm thấy sự đồng cảm, cộng cảm nơi người dân, công luận thì xem như đó là cuộc trùng tu bảo tồn di sản thất bại.
Điều đáng nói là từ lâu, cái cơ chế lập dự án, rót kinh phí và tiến hành thi công trùng tu di tích ở nước ta đã phơi bày quá nhiều những bất cập, như giới chuyên môn không thống nhất về quan điểm, về phương án kỹ thuật; những người triển khai công tác trùng tu không lắng nghe sự góp ý của người dân; chọn chất liệu một đường, thi công một nẻo; thi công ẩu trên tinh thần “xi măng hóa” bất chấp đặc tính vật liệu gốc của công trình; quá trình giám sát thi công lỏng lẻo; làm vội vàng qua loa cho kịp tiến độ…
Những bất cập đó làm mất niềm tin và khiến cho những người gắn bó và nặng lòng với ký ức văn hóa, lịch sử, cảm thấy xót xa khi di sản của cha ông cứ ngày càng bị thất thoát bởi những người nhân danh sứ mạng “bảo tồn và trùng tu” di sản.
Câu chuyện về ông Tây Kazik dành 17 năm trời chỉ để “nói chuyện” với từng viên gạch của thánh địa Mỹ Sơn đến nay vẫn làm cho chúng ta cảm phục và xúc động. Đó là cuộc đối thoại đầy dấn thân và hiểu biết, để thấu hiểu thời gian, lịch sử, văn hóa và nhân tâm - những điều mà giới trùng tu di tích Việt Nam dường như đang thiếu.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
- Một kiến trúc liệu có được bảo tồn?
- Cần sớm có giải pháp bảo tồn phố cổ Đồng Văn
- Chia “lô” bờ sông Sài Gòn
- Xót xa lăng Bà Chúa, thành Hoàng Đế
- Đà Lạt: dứt bỏ hoài niệm để tìm hướng phát triển
- Biến đổi khí hậu: "Sống chung với lũ"
- Quy hoạch “treo”: Giải quyết từ gốc
- Khu đô thị mới ngập không thua đô thị cũ!
- Ngôi chùa gần 1000 năm tuổi kêu cứu
- Loạn sàn giao dịch bất động sản: 'Béo cò', đau đầu quản lý