Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Hà Nội và người Hà Nội qua ống kính Nicolas Cornet

Hà Nội và người Hà Nội qua ống kính Nicolas Cornet

Viết email In

Từ 23 năm qua, Nicolas Cornet luôn dõi theo thành phố thủ đô, con người và cả những đổi thay của Hà Nội.

Nhãn quan đầy màu sắc, chăm chú và hết sức gần gũi với con người của anh đưa chúng ta vào tận trong những biến đổi của đời sống thường nhật, ở những nơi "cốt lõi của Hà Nội" và đến cả những vùng đất mới của một thành phố đang không ngừng vận động. Hà Nội mở rộng cửa để đón cái gió, cái nóng và sự bốc hơi. Chúng ta hãy cùng chia sẻ những suy tư qua những bức ảnh về Hà Nội trong mùi xôi và hương trà xanh.

Hà Nội nghìn năm đẹp và duyên dáng như làn sương mù buổi sáng bên hồ Hoàn Kiếm và trải ra xung quanh, trùm lên những con đường rợp bóng cây, những phố xá đông đúc, những công trình, hồ, công viên. Với hàng chục ngôi chùa, đình, miếu ẩn mình, với những quán ăn bên hè phố tìm lại được hương vị xưa kia, thành phố này xứng đáng để quý khách dành thời gian khám phá những kho báu trong yên lặng, an bình, và quên đi âm thanh ầm ĩ, tiếng loa phóng thanh, tiếng động cơ xe máy có ở khắp nơi. Hãy đắm mình trong mơ, tìm lại Thăng Long, "thành phố rồng bay", cái tên vẫn được sử dụng kể từ khi thành phố được sáng lập, cho đến thế kỷ XIX được triều đại cuối cùng nhà Nguyễn đặt kinh đô tại Huế, miền Trung Việt Nam, đổi tên thành Hà Nội, "thành phố nằm trong khúc uốn của dòng sông".

Hà Nội đang phát triển thành một thành phố lớn. Tám triệu người năm 2010 và sẽ ít nhất là 10 triệu năm 2020. Trung tâm lịch sử của Hà Nội được bao quanh bởi một công trường lớn: tòa tháp, trung tâm hành chính mới, khu dân cư, khu công nghiệp, xa lộ trong thành phố, cứ như tương lai trước hết là việc chuyển từ xe hai bánh sang xe bốn bánh. Thành phố mới mọc lên như những cây nấm sau cơn mưa, những tòa nhà cao ba mươi tầng thế chỗ những cánh đồng lúa luôn thay đổi gam màu xanh của mình. Hà Nội bảo vệ vị trí trung tâm nước Việt Nam của mình, một nước ước tính sẽ có 130 triệu người trong một hai thập niên tới.

Theo dòng các thế kỷ, trung tâm lịch sử Hà Nội đã bị cướp bóc, phá phách, hỏa hoạn, là nạn nhân của những cuộc xâm lược, nổi loạn, đó là chưa kể đến hậu quả của những trận ném bom khủng khiếp của Mỹ vào cuối năm 1972. Cuối thế kỷ XIX, Hà Nội đã được những kiến trúc sư tài ba người Pháp thực sự quy hoạch lại. Vì người Việt Nam biết chọn lọc nên họ đã nhanh chóng phân biệt được đâu là chính quyền thuộc địa và đâu là những tinh hoa tri thức nhân loại. Di sản kiến trúc của Pháp đã được bảo tồn, sáp nhập và Việt Nam hóa. Kết quả là: nếu ta biết cách khám phá thành phố này thì đây thực sự là một thành phố duy nhất, quyến rũ nhất trong khu vực.



Những lần đầu tiên Nicolas Cornet và Jean-Claude Pomonti đến thăm Hà Nội là vào năm 1987. Kể từ đó, họ đã lưu lại đây rất nhiều lần và đã bắt tay thực hiện cuốn sách từ năm 2007 với mục tiêu xuất bản nhân dịp Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Việc thực hiện dự án kiểu này đòi hỏi hai tác giả phải có sự cộng tác hết sức chặt chẽ với nhau, có những khám phá cùng nhau. Trong vòng ba năm qua, ở trong một khách sạn nhỏ tại khu phố cổ, họ đã cuốc bộ và đi xe gắn máy dọc ngang thành phố đang không ngừng mở rộng này.

Vài nét về Nicolas Cornet

Từ năm 1987, Nicolas Cornet thường xuyên đi lại giữa châu Á và châu Âu. Là nghệ sĩ nhiếp ảnh kiêm nhà báo, Nicolas Cornet thường xuyên cộng tác với nhiều nhật báo và tạp chí lớn của châu Âu, như: L'Espresso (Ý), Mare (Đức), La Repubblica (Ý), Figaro Magazine, Le Monde, Ulysse, Geo, Grands Reportages, Nouvel Observateur...

Anh thường tham gia giảng dạy các lớp đào tạo về nhiếp ảnh và nhiếp ảnh báo chí và cũng đã từng có triển lãm cá nhân tại nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Indonesia và Việt Nam.

Ngoài ra, anh còn minh họa cho nhiều cuốn sách, trong đó có Việt Nam (NXB Cây Sồi, 2004). Anh cũng đã xuất bản một cuốn sách ảnh khác vào năm 2007, cũng của NXB Cây Sồi và một ấn bản bằng tiếng Anh của NXB Thames & Hudson. Năm 2009, anh đã xuất bản cuốn sách ảnh và ký sự "Cam-pu-chia" (NXB Aubanel/La Martinière). 
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo