Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Nhà quê nhìn ra phố

Nhà quê nhìn ra phố

Viết email In
Cuộc trà đàm cuối năm của nhà báo và những người bạn: nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu. Câu chuyện bắt đầu từ những giá trị nhà quê để rồi những phác hoạ về không gian sinh tồn truyền thống ấy của người Việt lại làm thao thức những trăn trở về đô thị.


Thà là xài sản phẩm (nhà quê) trọn vẹn hơn là xài cái (đô thị) nửa vời.

Cổ điển ở làng

Nhà báo: Lâu nay, khái niệm nhà quê thường được dùng ở trạng thái tính từ, trong khi có một nét nghĩa nhà quê khác, không gian sinh tồn của người Việt, thì trong cuộc chạy đua hiện đại hoá, lại được tưởng tới như một nơi chốn trở về lý tưởng. Tình cờ mà nhà quê là không gian xác lập một tỷ lệ hài hoà trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Tươi xanh. Thuần hậu. Như lối sản xuất nông nghiệp chú ý tới cân bằng sinh thái, như lối ăn, lối ở của nhà quê ấy nhiều thứ bây giờ là mốt. Ấy vậy mà những người từ ở quê ra cứ hễ gặp tình cảnh kẹt đường, tắc ngõ, nước ngập, dân phố bứt hoa, bẻ cành lại dễ dàng quy kết cho những người nhà quê nhập cư, coi họ như là một gánh nặng, một thủ phạm của tình cảnh nhếch nhác đô thị?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân: Tôi nói với Việt Nam, văn hoá cổ điển là ở làng. Ở làng là cái nôi của mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc, văn học… thậm chí y học cũng ở làng. Hải Thượng Lãn Ông cũng chỉ lên kinh có một lần rồi quay về làng. Đó là đặc điểm tạo ra sự khác biệt với các nền văn hoá Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng cái cổ điển làng nay cũng mất rồi, bắt buộc phải mất, bảo tồn kiểu gì cũng không được do phát triển, mở rộng đô thị như hiện nay. Đây là cuộc ào ạt đô thị hoá lớn nhất. Cũng chính điều này gây ra khủng hoảng văn hoá.

Tính từ năm 1990 đến nay, chúng ta có hàng trăm đô thị phát triển. Kể cả những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể đúng nghĩa nào. Có thể gọi đây là cuộc khủng hoảng về quy hoạch. Nên dẫn đến trong hai mươi năm qua, ở đô thị, từ lãnh đạo đến người dân không có nhận thức và hành động cụ thể để xây dựng văn hoá đô thị. Vì thế giờ không thể mang cái văn hoá nông thôn đối lập với văn hoá đô thị để “giải toả” vấn đề. Người nông thôn cũng có thể nói: “con cái chúng tôi bị đô thị làm hỏng”.

KTS Nguyễn Văn Tất (ảnh bên): Nhà quê, như nhà báo đề cập, tự nó bây giờ đã là một thứ giá trị không thể nào phủ nhận, chưa nói là anh tôn vinh nó cũng chưa đủ lời… trong khi đó người ta đuổi hình bắt bóng để theo một thứ văn minh đô thị mờ nhạt, giả tạo, lại còn đẩy nó tới một cách vội vàng, thiếu sự kế thừa. Cho nên, trước một thứ văn hoá nhà quê đã được khẳng định mà so sánh với một thứ văn minh đô thị mờ nhạt, cũng như so sánh một chính phẩm với một thứ phẩm (dù mình mong ước nó là một sản phẩm “ghê gớm”). Thà là mình vẫn phải xài sản phẩm (nhà quê) trọn vẹn hơn là xài cái (đô thị) nửa vời. Tôi cho là chúng ta đang có một đứt gãy văn hoá sâu sắc.

Giải oan cho người nhà quê

Nhà báo: Nhưng Sài Gòn, hay Hà Nội khi người Pháp vào, quá trình đô thị hoá dường như không thấy những xung đột dữ dội, mà chỉ trong vài chục năm người ta đã xây dựng được một nền nếp đô thị quy củ, trên nền lối sống nhà quê khá phổ biến của người Việt khi đó. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân (ảnh bên): Khi tôi làm quyển Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, gặp câu hỏi “Cuối cùng mỹ thuật Việt Nam có từ đâu?” Mình cứ nói là 1925. Nhưng thật ra từ Phát Diệm đến thời Khải Định, kiến trúc đã xong việc rồi. Và nó xong rồi thì nó mới là mẹ đẻ ra những ngành khác sau này phát triển. Sau năm 1925 mới có sân khấu, văn chương, âm nhạc… Từ khi KTS Hébra làm quy hoạch Hà Nội, người Pháp đã tạo ra được môi trường đúng là đô thị. Những nhà quy hoạch đã tạo ra lối sống. Quy hoạch của thành phố xác định lối sống văn hoá đô thị từ trước 1925. Từ cầu Long Biên đến Nhà thờ lớn… trước đó Phan Khôi cũng nói: kinh thành Huế chỉ mang phong vị kinh thành. Ở Hà nội cũng thế, hay ở Nam Định thời đó bắt đầu có cảnh sát bắt những người đi tiểu tiện bậy bạ…

KTS Nguyễn Văn Tất: Chúng ta đưa ra cách quản lý quy hoạch tự nhiên, quy định tất cả trộn hết lại: biệt thự cao cấp chung với nhà cấp bốn và chung cư cho người thu nhập thấp… thành ra không bao giờ có thể xây dựng được giềng mối cho văn minh đô thị khi văn hoá bản sắc bị xáo trộn như thế. Tuy nhiên, chính việc quy hoạch đô thị lộn xộn như hiện nay mới là nguyên do khiến cho đời sống đô thị ngày càng trở nên ngột ngạt, những bản sắc văn hoá bị phá vỡ. Tôi xin 100 lần khẳng định: bản thân quy hoạch hiện giờ chỉ khuyến khích người ta làm quy hoạch xấu và không chất lượng, thậm chí cấm cản người ta quy hoạch tốt.

Nhà báo: Người ta đổ thừa về những sai lầm đô thị hoá do cái gọi là tính nhà quê, trong khi đó, đời sống nhà quê của mình lại lưu giữ phần lớn những giá trị văn minh của mình, kể cả nghệ thuật, ví dụ như cải lương không tạo ra ở đô thị, chèo không phát sinh ở Hà Nội, và nhà quê của mình dường như cũng không phải là một kiểu văn hoá khép kín. Ví như đời sống tôn giáo, thông qua cộng đồng làng những tôn giáo lâu đời như Phật giáo, Thiên Chúa giáo mang rất nhiều giá trị gọi là Việt Nam hoá. Một số chứng cứ về văn hoá cho thấy nhà quê của mình lại không phải là nhà quê đóng cửa… chẳng hạn đổi mới được phát sinh từ thực tiễn nhà quê. Rất nhiều lần ngay trong thời hiện tại đất nước gặp khó khăn khủng hoảng, kinh tế hộ ở nhà quê đã cứu rỗi nền kinh tế.

TS Nguyễn Thị Hậu (ảnh bên): Tôi lưu ý, khác với Huế và Thăng Long, Gia Định đã từng là một trung tâm, có đầy đủ các yếu tố của một đô thị Trung cổ. Nó vừa là một trung tâm chính trị Đàng Trong vừa là trung tâm kinh tế thu hút lực kinh tế của toàn vùng. Đó cũng là lý do người Pháp chọn Gia Định là thuộc địa toàn phần, nơi duy nhất ở Việt Nam bấy giờ có đầy đủ yếu tố hội nhập về văn hoá, tiếp nhận cái mới, chịu cái mới.

Trong Nam, dân nhập cư vùng ven và vùng Nam bộ đổ lên Sài Gòn và bị đô thị hoá bởi lối sống của thị dân Sài Gòn. Quan trọng là họ bị chi phối bởi ý chí của chính quyền đô thị lúc bấy giờ. Dân nhập cư là lực lượng chính phục vụ cho vùng đô thị lớn. Chính chính quyền đô thị với ý chí mạnh mẽ của mình sẽ tạo dựng một lối sống đô thị phù hợp và cải biến những giá trị bất cập của người nhập cư vào đô thị. Cho nên việc đứt gãy văn hoá dù có do yếu tố lịch sử, chiến tranh, nhưng quan trọng nhất vẫn là do thể chế. Chúng ta, mãi đến tận bây giờ vẫn chưa có chính quyền đô thị.

KTS Nguyễn Văn Tất: Tôi thích khái niệm về đô thị hiện đại và đô thị sống tốt. Trong đô thị sống tốt, nếu một người nông thôn lên đô thị đi tìm kế sinh nhai, từ nhà quê sống ở đô thị và người nhà quê đó có đứa con đi học đỗ đạt đại học, đó là một người nhập cư đã hái được quả ngọt. Động cơ lớn nhất và đầu tiên của mọi đô thị phát triển là người nhập cư. Anh ta phải được coi là nguồn động lực lớn, nguồn tài sản lớn cho sự phát triển. Từ đó kéo theo chính sách cho người nhập cư, nếu cái đó rối beng thì đô thị anh rối, và khi anh bị rối rắm anh sẽ không biết bắt đầu từ đâu.

Những xáo trộn và không xáo trộn của văn hoá nông thôn – đô thị có lẽ bắt nguồn từ việc giáo dục… cưỡng bức. Có thể lấy ví dụ giai tầng khi một gia đình có thuê người phục vụ, phần lớn là dân nhập cư làm tài xế, vú em, giúp việc, gác cổng. Họ cũng là người nhà quê nhưng khi đã sống trong gia đình đó họ được những ông chủ, bà chủ chỉ dẫn nếp sống đô thị, đưa họ vào nề nếp gia đình. Giờ mình nâng điều đó lên tầm đô thị và người nhập cư ở đô thị. Mặt khác, thử so sánh, hiện nay, ở TP.HCM có những khu công nghiệp tập trung vài trăm ngàn lao động… tập trung về một nơi mà chẳng có ông chủ nào hướng dẫn cho họ sống ở đô thị sẽ phải thế nào. Họ phải tự lo và họ cũng góp phần phá vỡ trật tự đô thị với những lề lối nông thôn như đi trễ, hay cãi, ăn mặc nhếch nhác, lối sống buông thả… Hệ luỵ đẻ ra nhiều thứ khác.

Đô thị hoá và công nghệ xã hội

Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn (ảnh bên): Bài toán đặt ra là trước sau gì đại đa số cư dân Việt Nam trong một thế kỷ nữa, giống như các nước khác sẽ ở phần lớn là đô thị… đó là bài toán mang tính chiến lược quốc gia chứ không phải là cảm tính nữa.

Vấn đề là tại sao mình không làm giống các nước? Thường đi sau thì lẽ ra phải học kinh nghiệm… trái lại, hiện nay mình lặp lại quá trình đô thị hoá rất tàn bạo, tự phát của các nước tư bản thế kỷ 18, 19. Đó là quá trình đại nhảy vọt về đô thị hoá, thực chất đó là quá trình công nghiệp hoá mà không song hành được với đô thị hoá. Vì quá nôn nóng xây dựng công nghiệp hoá trước mà quên mất yếu tố đô thị hoá. Đó là lý do nông thôn kéo ra thành thị kiếm sống ào ạt vì ở đây có lương cao hơn. Họ sẵn lòng chấp nhận mọi thiệt thòi, mọi đổ vỡ, mọi đau khổ… để lên đô thị kiếm sống. Từ đó chất lượng nông thôn kém đi và chất lượng sản xuất công nghiệp ở thành phố cũng kém đi vì 70% số đồng bào vào đây đều không có tay nghề… lẽ ra mình phải có một mô hình xây dựng nếp sống đô thị cho họ. Chuyện ở đây không còn là bàn về đạo lý, giá trị cũ mới nữa mà thực tế đây là bài toán phát triển không ổn.

Người dân hướng lên đô thị vì đó là nơi có đầy đủ tiện nghi hơn. Chữa bệnh phải lên đô thị, học cao hơn cũng phải lên đô thị… Tương lai nên cải tiến lại, tiện nghi cần phải đưa về nông thôn thì khoảng cách nông thôn – đô thị không căng bức.

Việc đô thị hoá nông thôn cũng phải tiến hành cẩn trọng vì tiến trình đô thị hoá là không thể quay ngược. Theo những mô hình tiên tiến của châu Âu, vùng nông thôn của họ cũng có những khác biệt về tâm thức, văn hoá và vì thế họ chia những vùng sống khác nhau phong phú, hài hoà. Đừng bắt thành phố nào cũng giống thành phố nào, nông thôn nào cũng như nông thôn nào. Chúng ta có thể làm những đô thị rất hiện đại, nhưng đừng đại nhảy vọt, để lãnh hậu quả như hôm nay, với những xung đột rất lớn giữa nông thôn và thành thị.

Nói đạo lý thì khôn cùng, nơi nào cũng có hay, dở. Nhưng quan trọng là bài toán mang tính quy mô quốc gia và học được kinh nghiệm của các quốc gia khác. Cần có những công trình nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc về vấn đề này.

Sự hài hòa giữa các yếu tố tự nhiên ở không gian nhà quê

Nhà báo: Chủ trương đô thị hoá có vẻ như đang được quy giản đơn sơ là làm đường và mở phố. Trong khi đó ta ra sức phát triển công nghiệp, thu hẹp nông nghiệp. Đô thị hoá là tổ chức một phương thức sống mới mà dường như ở đây gen văn hoá đã không được nghiên cứu đầy đủ để có thể tiếp biến? 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân: Cách đây hơn chục năm, tôi làm nhà rất xa thành phố. Lúc đó, đứng trên tầng hai nhìn quanh mình không thấy nhà nào. Sau 15 năm phường tôi ở (phường 17, quận Gò Vấp) không còn một miếng đất nào trống, chung quanh tôi chỉ là những nhà phố ép sát, không có ai có tí vườn. Duy nhất nhà tôi còn có mảnh vườn. Việc đô thị hoá của mình là đồng phục hoá đô thị, làm tất cả mọi nơi giống nhau, mất hết tất cả các sắc thái văn hoá. Tư duy hiện nay đô thị hoá tức là quy vào việc làm đường, tư duy kinh tế mặt tiền, kiểu tư duy buôn bán vặt từ thế kỷ 17, 18. Cứ mở đường đến đâu là nhà sát mặt tiền, mất luôn vỉa hè. Không gian đô thị bị phá nát. Tỷ lệ dành cho công cộng ở Việt Nam thấp nhất thế giới. Nếu không học cách quản lý đô thị khác, thì việc xây dựng văn hoá, đạo đức đô thị bị bỏ trống hoàn toàn.

TS Nguyễn Thị Hậu: Trong một cuộc khảo sát cho đề tài nghiên cứu về môi trường văn hoá thành phố chúng tôi vừa hoàn tất, nhìn chung người được phỏng vấn đều đánh giá cao tất cả các mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội và các phẩm chất cá nhân tốt đẹp. Trong đó quan hệ gia đình luôn được đề cao nhất, cụ thể: kính trọng ông bà tổ tiên: 73,9%, kính trọng họ hàng: 76,5%, anh chị em đoàn kết yêu thương nhau: 64,5%. Rõ ràng những giá trị đã từng được trao truyền từ nhiều đời, được gìn giữ ở nhà quê lâu năm. Giờ nó không mất đi mà nó bị chìm xuống, phủ lên bởi những giá trị khác.

  • Ảnh bên : Một không gian chuyển tiếp từ quê lên thị.

Từ nhà quê lên đô thị, những gì thực sự có giá trị thì đô thị cũng đã tự phát lưu giữ như tình cảm gia đình, tương trợ hỗ trợ lẫn nhau… Nói cho cùng ai cũng có một nhà quê, dù có sống nhiều đời ở đô thị, mình vẫn có nhà quê. Nhà quê đấy không chỉ từ đời ông bà mà là mấy ngàn năm, nên sâu thẳm trong mình cái đó rất mạnh. Giá trị tinh thần, ở cư dân đô thị vẫn còn giữ, có thể là lối sống vẫn còn chông chênh, điều này do sự điều hành của chính quyền đô thị chưa phải là chính quyền đô thị. Thị dân lõi của Hà Nội, Sài Gòn không còn nữa, mà bây giờ phải xây dựng lại những cư dân này… Trong khi đó mô hình chính quyền và sự điều hành chính quyền chưa đúng là một chính quyền đô thị.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn: Tôi hỏi những người bạn Đức, tại sao đất nước anh xây dựng đâu vào đấy, rành mạch. Họ trả lời: chúng tôi ý thức vấn đề này khó lắm nên huấn luyện và xây dựng “công nghệ xã hội” rất kỹ, rất lâu. Phải biết cách làm và học người Mỹ cách tạo những cái mà họ gọi là “những thói quen của con tim”. Chẳng hạn, ở Đức, khi có lễ hội, họ tổ chức một đoàn trẻ con ăn mặc đẹp, dễ thương, áo hoa rực rỡ ôm thùng rác, vừa đi vừa hát, khi gặp ai chuẩn bị bỏ rác các em đến xin: “Bác cho con rác”, và cảm ơn nữa… làm sao mà mình có thể xả rác trước những gương mặt thiên thần đáng yêu như thế. “Công nghệ xã hội” là họ liên tục nghĩ ra tất cả các phương pháp để tạo thói quen sống tốt trong đô thị. Cần phải dày công.

Thực hiện: Tâm Chánh, Ngân Hà - ảnh: Trần Việt Đức, Trung Dũng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo