Quen lâu, thành thói quen. Sống như đã và làm như đã. Thói quen chung của dân làng, của người phố, lâu rồi thành tập quán. Làng xưa, phố cũ, đều có tập quán, nhiều ít khác nhau. Tập quán, tinh thể hoá, thành truyền thống. Truyền thống là quỹ gien của xã hội, của giống nòi. Truyền thống có lực tiếp nối và cả lực kìm hãm. Hễ thời đại chững bước, sự tiến hoá đảo ngược, truyền thống ỷ lại vào tập quán, tập quán ỷ lại vào thói quen. Cái cũ dằng co với cái mới.
Đời có sự quen, đời có sự lạ. Quen và lạ, mới và cũ, phủ định và cộng sinh. Lạ thành quen. Mới thành cũ. Nay, do thời gian thúc bách thời đại hoặc ngược lại mà khoảng cách giữa quen và lạ, giữa mới và cũ, trở nên ngắn ngủi. Cái mới, cái lạ này chưa kịp tiêu hoá, thì những cái khác lại ập tới.
Hệt Hamlet, ta căn vặn mình: Sống gấp gáp hay sống chậm chãi?
... “Hít - thở, hít thở”, nghe vang vọng từ đâu đây, mà lòng thảng thốt.
Đình làngViệt (nguồn: Ashui.com)
Ngẫm về chuỗi quen và lạ, mới và cũ, tự nhiên nghĩ ngay tới cái bao tử và cái nhà. Một trong ta. Một quanh ta, cận kề hơn cả. Bao tử tiếp nhận cái mới và cái lạ ra sao, cơ thể ta cảm nhận hoặc phản ứng tức thì. Hễ không tức thì, lúc nhận ra, có thể đã muộn.
Cái nhà, nơi ta ngụ và sống, có những hệ mạch riêng trong sự tiếp nhận, phản ứng và chuyển hoá những cái mới và cái lạ của thời đại. Nếp nhà Việt muôn thưở là sản phẩm của xã hội nông nghiệp và phong kiến nghìn năm, của nền kinh tế chuyển đổi chậm chạp hơn nhiều so với những biến đổi xã hội ở thời cận và hiện đại; của hình thái cộng cư làng và phố; của mô hình tự cung tự cấp và cuộc sống sinh thái khép; của nền xây dựng dựa vào chất liệu có nguồn gốc hữu cơ; của những chủ nhân là tiểu nông, tiểu thương và tiểu chủ.
Những ai đang sống trong những căn nhà cổ truyền ấy, đa phần mong ước có những ngôi nhà tân thời. Còn những ai đã thoát ly, nhiều người lại hoài nhớ nếp nhà xưa trong làn sương màu xanh lơ - hồng – tím. Nơi không có ta, thường là hay ho hơn.
Sự tiếp nhận, chuyển hoá và “ta” hoá những cái mới lạ, tân tiến chính là bản chất của quá trình hiện đại hoá không gian và chất lượng sống của chúng ta ngày nay. Hiện đại hoá môi trường ăn ở cũng đặt ra vô số những điều để ta tiếp thụ và cân nhắc, bởi cái tâm thức nghìn năm vẫn hiển hiện trong ta. Và bởi, ngược lại, đắm đuối cái Mới, ta dễ quên mất mình.
Cách đây hơn trăm năm, ông tổ của thương hiệu Hilton, do sự lười nhác của bản thân mà chăm lo cho sự tiện lợi tối đa, - nằm trên giường, ngồi cạnh bàn, chỉ với tay là đụng tới cái mình cần. Ông áp dụng cho các khách sạn, làm cho Hilton đồng nghĩa với tiện lợi; nâng cao thành tiện nghi. Thời nay, tiện nghi được đảm bảo trước tiên bằng máy móc. Căn nhà của ta trở thành nơi diễn ra 2 sự chuyển động, của chủ nhân và của thiết bị. Bấm nút, vặn nút trở thành hoạt động quen tay trong căn nhà - cỗ máy. Tiện nghi cao hơn, máy móc nhiều và hoàn hảo hơn, song nỗi khát tiện nghi không hề thuyên giảm.
Đã ai suy ngẫm, đã ai phân tích mối quan hệ, không chút một chiều, giữa cái quạt nan và cái quạt máy, giữa làn gió mát Trời cho và sự mát bởi điện năng? Đã ai ngẫm và suy về bản thể “bio” và “physyo” của mình, về chặng đường dài lâu từ homo sapiens đến con người của nghìn năm văn minh kinh điển, đến con người hi-tech hôm nay?
Có vẻ như, quen và ỷ lại vào công nghệ, ta biến cái nhà vốn dĩ hữu cơ thành cái “hộp” để sống, không mấy liên quan đến địa điểm, hướng nhà, hướng gió .... Không mấy liên quan đến cái bản năng gốc, đến tâm thức quán tính, đến cái việc ta là ai. Sinh thái hoá kiến trúc nên chăng bắt đầu từ “hữu cơ hoá” không gian sống và lối sống hiện đại, khôi phục những mối liên quan tinh tế và nhũn nhặn của con người với Tự nhiên, thiết lập trở lại sự cân bằng giữa cuộc sống “physyo” của con người với phương tiện. Đi nhanh về phía trước, vẫn nên ngoái lại, bởi quen và lạ, cũ và mới, chính là sự tự cân bằng cài đặt cho cuộc sống.
Về phương diện chất liệu, vật chất, cái nhà – sản phẩm do con người kiến tạo, không khác xa gì cho lắm cái tổ chim. Muôn thưở cái nhà dựng lên từ cỏ cây là chính, - nó thở, y hệt lá phổi hô hấp vậy. Phải mất hàng trăm năm, nhân loại mới tạo tác ra viên gạch, vật liệu vô cơ đầu tiên dùng cho việc xây cất. Song chỉ cần không đến một trăm năm, nhân loại đã tạo ra vô vàn những vật liệu thay thế và vật liệu mới. Là sản phẩm của công nghệ, những vật liệu ấy hẳn ưu việt hơn, song đó lại là những vật liệu chết, nếu hiểu từ góc độ hô hấp. Kính - nhựa tổng hợp – composite, đa năng và tiện lợi đến mức ta dụng mà khỏi cần đắn đo, vô cơ hoá căn nhà ta ở. Chúng góp phần làm cho sự “hộp hoá” không gian sống.
Sinh thái hoá kiến trúc, từ trong ra, phải chăng là sự khôi phục, trong chừng mực có thể, vai trò của những vật liệu hữu cơ, vật liệu thở, sự giảm thiểu vật liệu vô cảm.
Mua áo quần, ai ai cũng hỏi, có phải cotton không. Cái nhà không phải áo quần, song nó cũng phải phần nào tương tự, nó cũng cần thở để ta thở.
Nhân đây xuất hiện câu hỏi, bởi sao ta quên hẳn đi bức tường chịu lực xây gạch ở những căn nhà thấp tầng. Bởi sao ta lãng quên cái đẹp, cái tự nhiên của sự thô mộc. Ông cha mình, có lẽ chẳng vì nghèo hèn mà cứ để gỗ, để tường chỏ ra như vậy.
Thời nay, có nhà mới và có tiền, chỉ cần chọn cửa hàng bán đồ gia dụng và thuê chuyến xe, là có đủ cái gì mình cần, mình cho là đẹp. Tiện và đẹp như thiết kế. Thiết kế chỉ có thể tạo ra trật tự, vẻ đẹp và sự tiện lợi. Nó không thể tạo ra cái chuỗi cuộc sống – dòng chảy liên tục cho ta và cho gia đình ta. Hơn nơi nào khác, trong nhà và với đồ dùng, ta cần đến sự thân quen, sự sử dụng tiếp tục. Những gì ta giữa lại bởi còn có ích, giữ lại chỉ bởi là kỷ niệm, giúp ta duy trì hơi thở, trong trường hợp này, là hơi thở của Thời gian. Dưới mái nhà, đồ dùng vô hình tạo ra sự cân bằng tự nhiên giữa cái quen với cái lạ, giữa cái cũ với cái mới. Cái cũ, trước khi đem vứt đi, hãy níu lại, nghĩ đã.
Trong dòng suy ngẫm, bỗng dưng liên tưởng tới những khu đô thị mới, tưởng như có dư mọi tiện nghi và đẳng cấp. Ấy vậy, ta vẫn thấy thiếu những cái gì đó nhiều lắm, thiếu mọi lúc và trong mọi trường hợp. Bởi thế mà ngày ngày ta đạp xe về nơi chốn cũ, xa, chật, ồn, để kiếm cái quán phở quán bún, quán cà phê quen, bà thợ may anh thợ cúp tóc quen, những người hàng xóm quen .... Cái sự quen, cái thói quen cũ không chỉ cần dưới mái nhà mình, cần cũng vậy cho con phố, cho đô thị. Xóm, không chỉ là một cấu trúc làng - phố phi hành chính, mà còn là một cấu trúc giao lưu - gắn kết, một tế bào cộng đồng dân ta ở thôn quên, ở thành thị. Ta không quy hoạch xóm, mà dân cư sớm muộn cũng hình thành xóm. Phải chăng xóm là một trong những biểu hiện sâu thẳm của bản sắc người Việt mình, khi chung sống? Và, để gắn kết đô thị và đời sống đô thị, trong một thể khăng khít, nên chăng bắc những chiếc cầu nối cũ và mới. Chẳng hạn, ở những khu đô thị mới ta xây dựng những đoạn phố, con phố đường nhỏ hẹp, đi bộ, nhà thấp tầng, với những dãy nhà cửa hàng và tiệm ăn, lâu thành quen, như thể phở ông Bằng, bún bà Hiền ... sống xa hoa - lững thững.
Quen và lạ, cũ và mới, câu chuyện của cuộc sống hôm nay và mãi mãi mai sau. Quen và lạ, cũ và mới, câu chuyện của nếp nhà ta vẽ, ta ở./.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính
- Ấm lòng những cái Tết xóm nghèo ở bãi sông Hồng
- Nhà quê nhìn ra phố
- Sài Gòn – đô thị của di tích
- Đê Việt Nam xứng đáng là di sản nhân loại!
- Ngày sắp tết ở xóm nhà không móng
- Hà Nội và người Hà Nội qua ống kính Nicolas Cornet
- Tham nhũng đất đai ngày càng tăng lên
- Kết nối giao thông - Tạo sức bật vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
- Nan giải việc cải tạo chung cư cũ
- Bảo tồn kiến trúc cổ: Cần sớm có quy chế