Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Góc nhìn Đê Việt Nam xứng đáng là di sản nhân loại!

Đê Việt Nam xứng đáng là di sản nhân loại!

Viết email In

Với miền Bắc nước ta, hầu hết các sông đều có đê, nhưng hệ thống đê sông Hồng là lớn nhất cả về quy mô và kỹ thuật xây dựng, tổng chiều dài toàn hệ thống lên tới 1.314km. Có lẽ đây cũng là một trong những hệ thống đê lớn nhất, dài nhất thế giới. Nó xứng đáng được công nhận là di sản văn hóa quốc gia và quốc tế.

1. Đê hay còn gọi là đê điều, là một công trình thành lũy bằng đất hình thành lên dọc theo các bờ sông, hoặc bờ biển để ngăn nước ngập ở một khu vực cụ thể nào đó.

Đê có hai dạng được hình thành là do tự nhiên và nhân tạo. Đê tự nhiên được hình thành bởi sự lắng đọng của các trầm tích trong sông, khi dòng nước này tràn qua bờ sông. Khi tràn qua bờ, vận tốc dòng nước giảm làm các vật liệu trong dòng nước lắng đọng theo thời gian mà cao dần, cao đến mức hơn bề mặt của vùng đất bị lụt. Còn đê nhân tạo là do con người xây dựng lên cốt để ngăn nước tràn gây ngập lụt. Đê nhân tạo có đê là loại vĩnh cửu, nhưng cũng có đê là loại tạm thời ở các vùng đất đối với những trường hợp khẩn cấp.


Hình ảnh con đê đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam (Ảnh: Thanhfoto / Xóm Nhiếp ảnh)

Trên thế giới, ngay từ thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, cư dân văn minh thung lũng Indus đã đắp những con đê đầu tiên rồi. Mỗi vùng đất, tùy theo địa hình và tập quán dân tộc, khả năng và điều kiện khoa học kỹ thuật riêng biệt mà người ta xây dựng đê bằng nhiều hình thức khác nhau. Đối với Việt Nam bởi địa hình đặc biệt có bờ biển dài dọc theo lãnh thổ, sông suối rất nhiều, trong đó có những con sông quốc tế đến Việt Nam là điểm hạ lưu cuối cùng như sông Hồng, sông Đà, sông Cửu Long... nên việc phải xây dựng đê để ngăn nước ngập lụt là điều tất yếu và đương nhiên cũng phải bền vững, quy mô hơn so với đê của các nước trên thế giới.

Đê ở Việt Nam phổ biến nhất là ở miền Bắc và chủ yếu là dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Mã, sông Lam... Ngoài con đê chính thường lui sâu hơn vào trong đất liền, có khi còn đắp thêm những con đê phụ gọi là đê quai hoặc con trạch để phòng khi đê chính bị vỡ thì còn cứu được phần ruộng đất nơi xa sông khỏi bị ngập lụt. Lịch sử xây dựng đê ở nước ta cho biết: dưới thời nhà Lý, tháng 3 năm Mậu Tý (1108), con đê đầu tiên được đắp ở phường Cơ Xá với mục đích bảo về thành Thăng Long khỏi bị nước sông Hồng tràn ngập. Đến đời nhà Trần, đê được đắp ở nhiều nơi cất giữ không cho nước sông tràn vào để kịp làm vụ chiêm, sau khi mùa màng thu hoạch xong thì lại cho nước tự do tràn vào đồng ruộng. Đời Lê, những con đê lớn hơn được đắp mới và tôn tạo dọc hai bờ sông Nhị Hà, việc đắp đê ở thời kỳ này cho là quá giới hạn làm cho sông Hồng trở lên hung dữ, nên đến đời nhà Nguyễn, có lúc đã đặt ra vấn đề là phải bỏ đê. Trước năm 1938 Nguyễn Công Trứ đề xuất giải pháp nắn chỉnh, khơi đào đoạn khởi đầu sông Đuống (tức Thiên Đức thời bấy giờ) chuyển cửa nhận nước từ sông Hồng về phía thượng lưu. Đề xuất này phải đến đời Tự Đức mới được làm một phần và hoàn thành vào thời kỳ Pháp thuộc.

2. Với tổng chiều dài 1.314km, thuộc loại lớn nhất, dài nhất thế giới, hệ thống đê sông Hồng được xây dựng với mục đích để chứa nước và tưới tiêu cho vùng châu thổ giàu lúa gạo, đồng thời cũng để tháo nước khi bị lụt. Hệ thống đê này sau nhiều thế hệ dã góp phần duy trì mật độ dân số cao ở đồng bằng và làm tăng gấp đôi diện tích có thể canh tác lúa nước ở đây. Qua nhiều thế kỷ, việc phòng lụt qua hệ thống đê đã trở thành một công việc gắn liền với văn hóa và kinh tế của dân tộc.

Con đê trên những bãi sông xuyên qua các vùng dân cư trù mật, tạo lên một không gian thiên nhiên rất ngoạn mục, thủy mặc hữu tình. Đêm ngày ngàn năm soi bóng những bãi mía, ruộng ngô, rặng tre và rải rác các công trình văn hóa - lịch sử mọc lên... đã trở thành máu thịt của người dân, tạo lên nguồn cảm hứng bất tận để các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam sáng tác thi ca, nhạc họa nói về đê.

Người viết bài này cũng đã từng sinh ra và lớn lên từ con đê sông Hồng rất gần bờ thành Thăng Long, từ con đê ra đi và bây giờ lại về với con đê để rồi cũng sắp sửa nằm lại vĩnh hằng dưới chân đê. Nên cứ trăn trở đôi điều về những con đê... Bởi đê là công trình quan trọng được tổ tiên ta xây dựng, giữ gìn, tu bổ qua nhiều thế hệ nhằm ngăn nước lũ, bảo vệ tính mạng của nhân dân, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản của quốc gia, của tập thể và của mỗi cá nhân... Nói rộng ra là của cả nhân loại nữa. Vậy thì sao ta không nghĩ đến việc xếp nó vào hàng di sản văn hóa của nhân loại như Vạn Lý Trường Thành, như Hoàng Thành Thăng Long, như Thánh địa Mỹ Sơn...

Xin nêu vấn đề này lên để các nhà văn hóa, các chuyên gia đê điều, các nhà văn hóa xem xét có nên chăng...?

Nguyễn Nguyên Hoài

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo