Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Dẹp nhà nổi thay vì xây cầu cảng Hồ Tây

Dẹp nhà nổi thay vì xây cầu cảng Hồ Tây

Viết email In

Về phương án cho các nhà nổi trên Hồ Tây, một số lãnh đạo sở ngành và chuyên gia kiến trúc cho rằng, nên dẹp bỏ thay vì đổ bê tông xây cầu cảng.

Nhà nổi biến tướng

Nhiều chuyên gia kiến trúc cho rằng, chỉ có hơn 10 nhà nổi, thuyền nổi trên hồ Tây thì không nhất thiết phải khoanh gần 2 ha mặt nước để xây cầu cảng. Hơn nữa, các nhà nổi hoạt động không phải để phục vụ cộng đồng thưởng ngoạn cảnh quan Hồ Tây mà chủ yếu chỉ hướng đến bộ phận khá giả. “Ngoài gây ồn ào, không phù hợp với cảnh quan Hồ Tây, hầu hết các nhà nổi đều đổ nước thải thẳng xuống hồ. Cá ở Hồ Tây chết hàng loạt thời gian qua cũng một phần do nước thải từ các nhà nổi này”, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội nhấn mạnh.

Theo ông Nghiêm, hầu hết nhà nổi, thuyền nổi trên Hồ Tây đã biến tướng. Trước đây, hồ chưa có bờ dạo, với mục đích đưa khách đi vãn cảnh, thành phố Hà Nội cho phép cơ quan chức năng cấp phép từ 3 đến 4 thuyền nổi hoạt động trên mặt nước. Tuy nhiên, số thuyền nổi trên hồ Tây hiện nay đã hơn 10 chiếc. “Không chỉ vượt quy định của thành phố mà hầu hết nhà nổi, thuyền nổi biến tướng sang kinh doanh các mặt hàng ăn uống, tiệc tùng”, ông Nghiêm nói.

Ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc không đồng thuận với kế hoạch xây cầu cảng là đúng. “Cả một quần thể mặt nước 500 ha như vậy không thể cắt ra gần 2 ha để đổ bê tông rồi giao tư nhân kinh doanh được”.

Nên dẹp các nhà nổi

Theo đại diện một số sở ngành và các chuyên gia, nên dẹp bỏ nhà nổi, thuyền nổi trên hồ Tây để tránh ô nhiễm và không phải mất gần 2 ha mặt nước. “Nếu hồ Tây còn những nhà nổi với cọc bê tông tua tủa và tương lai là bến thủy nội địa quy mô thì còn gì là cảnh quan kiến trúc nữa”, một lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho hay.

Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, UBND thành phố, đã từng ra quyết định hạn chế tối đa việc chiếm dụng mặt nước Hồ Tây.

Ông Đặng Dương Bình, nguyên Trưởng phòng Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội phân tích, phát triển các loại hình du lịch để khai thác Hồ Tây là rất cần thiết, song phải có sự quản lý và chủ trương rõ ràng. Khai thác du lịch mặt nước được áp dụng rất thành công tại một số nước. Ngoài yếu tố lịch sử, thủ đô Paris (Pháp) trở nên hấp dẫn hơn bởi vẻ đẹp của dòng sông Seine. “Sông Seine tại Pháp có đến 100 thuyền nổi, nhưng các thuyền hoạt động chủ yếu đưa du khách đi ngắm vẻ đẹp của Paris và 32 công trình kiến trúc vượt dòng sông này. Các thuyền hoàn toàn không có chuyện ăn uống ồn ào như ở Hồ Tây”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, thành phố cũng cần có kế hoạch, thậm chí là chiến lược khai thác mặt nước Hồ Tây. 500 ha mặt hồ ở giữa Thủ đô là tài sản du lịch vô giá mà không phải thành phố nào trên thế giới cũng có được.

Trọng Đảng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo