Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Thang máy và chuyện bảo tồn thiên nhiên

Thang máy và chuyện bảo tồn thiên nhiên

Viết email In
Ngành du lịch Đà Nẵng đã chính thức đưa vào hoạt động hệ thống thang máy lên ngọn Thủy Sơn thuộc quần thể Ngũ Hành Sơn vào hồi đầu tháng 5/2011, với vốn đầu tư gần 20 tỉ đồng.

Thang máy lên núi được thiết kế hai ca bin, xây dựng song song với vách núi có chiều cao 50m, tải trọng 1.350kg, tốc độ 1,75m/giây, mỗi lượt có thể đưa 18 khách tham quan lên - xuống với giá vé 15.000đồng/lượt. 
Có ý kiến cho rằng nếu năm 1857, Elisha Graves Otis ghi danh lần đầu tiên chế tạo ra thang máy công cộng tại một cửa hàng cao 5 tầng ở Broadway thuộc New York thì năm 2011 này, có lẽ lịch sử ứng dụng thang máy lên núi sẽ được “ghi danh” tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Việt Nam (!?). 

Thật biến thành giả

Danh thắng Ngũ Hành Sơn được lấy làm biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn có 5 ngọn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trong đó, ngọn Thủy Sơn lớn nhất, trên đỉnh có hai ngôi chùa nổi tiếng là Tam Thai và Linh Ứng. Chùa Tam Thai được xây dưới thời Hậu Lê, được trùng tu lớn dưới đời vua Minh Mạng, hiện nay được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Chùa Linh Ứng được xây đời Gia Long, xây thêm vào các đời Minh Mạng, Thành Thái. Muốn lên Tam Thai, du khách phải trèo 156 bậc cấp, lên Linh Ứng thì trèo thêm 108 bậc.
  • Ảnh bên : Thang máy phục vụ khách du lịch lên ngọn Thuỷ Sơn thuộc danh thắng Ngũ Hành Sơn được đưa vào sử dụng ngày 1/5/2011
Không riêng gì Đà Nẵng, nhiều di tích, danh lam thắng khi có bàn tay của người làm du lịch hiện nay "thò" vào thì cái thật đôi khi lập tức biến thành cái giả. Di tích thật biến thành di tích dỏm, lễ hội thật biến thành kịch dở...

Có thể rút ra đó chính là kiểu tư duy của không ít người làm du lịch hiện hiện nay. Kiểu tư duy ngắn hạn, với mục đích cao nhất trước mắt là thu hút được càng nhiều “triệu” lượt khách hàng năm càng tốt. Đây chính là sai lầm cho tương lai ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.

Ở Trung Quốc, năm 2010, cơ quan quản lý văn hóa di sản tỉnh Hà Nam giới hạn khách du lịch tới tham quan đài tưởng niệm Đăng Phong với lý do nồng độ CO2 và độ ẩm quá cao sẽ làm hư hại các bức tượng. Núi Vũ Di (di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới) ở tỉnh Phúc Kiến cũng áp dụng hạn chế du khách để bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Khu lăng mộ Pharaoh Tutankhamen ở Ai Cập hạn chế du khách vì lý do người đông, không khí ẩm ướt, vi khuẩn ảnh hưởng đến di tích.

Ở Việt Nam, đã bao giờ có một quyết định tương tự nhằm bảo vệ di sản bởi nhu cầu “khát” lượt khách của ngành du lịch? Tất cả đều phụ thuộc vào ý thức của cơ quan quản lý di sản, như lãnh đạo đô thị cổ Hội An có lần phát biểu sẽ tới thời điểm phải nghĩ đến việc hạn chế du khách để bảo vệ khai thác lâu dài.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn có lợi thế lớn nhất là cảnh quan thiên nhiên và không gian văn hóa tâm linh cần được bảo vệ nguyên vẹn để cho nhiều thế hệ hưởng lợi. Vậy mà, khi đồ án công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn (của nhóm kiến trúc sư đại học Kiến trúc TP.HCM) vừa được chính quyền TP.Đà Nẵng phê duyệt thì người làm du lịch đã “kịp thời” làm thang máy cho khách hành hương lên núi mất rồi!

Nguyễn Minh Sơn
 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...