Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn “Ma trận” biển báo giao thông

“Ma trận” biển báo giao thông

Viết email In

Rất nhiều chuyên gia cho rằng, công tác lắp đặt biển báo giao thông ở nhiều nơi trên cả nước rất bất cập, chưa khoa học, không theo quy chuẩn quốc tế… Từ đó, dẫn tới việc lộn xộn, gây khó cho người đi đường. Phần lớn biển báo quá nhỏ và đặt trên lề đường bên phải là không hợp lý. Đặc biệt là khi xe ô tô con đi ở làn ngoài cùng bên trái, bị các xe tải, xe khách, xe container… đi ở làn bên phải che khuất tầm nhìn nên rất dễ bị phạm lỗi rẽ trái, quay đầu, đi sai làn đường…


Biển báo hướng dẫn đường kiểu này không tài nào vừa chạy vừa đọc. Ảnh chụp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TPHCM - Ảnh: Minh Nam


“Rừng” biển báo tại khu vực cầu cạn Pháp Vân, Thanh Trì, Hà Nội - Ảnh: Minh Sang

Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng các cơ quan chức năng cần rà soát, thay đổi để tránh tình trạng rối rắm như hiện nay. Cụ thể, những biển báo quan trọng cần phải được treo trên cao vừa tầm nhìn và giăng ngang giữa đường để mọi người dễ dàng nhìn thấy. Cụ thể, kích thước thông thường của biển báo là cao 1,5 - 2m, rộng từ 3 - 4m, chủ yếu là hình, biểu tượng, hạn chế chữ, trường hợp cần chữ thì chiều cao tối thiểu của chữ từ 2 - 3 cm. Biển đặt cách 100m trước điểm có hiệu lực tài để tài xế kịp xử lý.

Bên cạnh đó, một số ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng, đèn tín hiệu giao thông cũng nên lắp đặt ngay làn xe và bên kia giao lộ, lái xe mới dễ quan sát. Riêng việc lắp đặt biển báo các công trình, công trường trên đường hiện nay tại TP.HCM còn nhiều bất cập, cần được kiểm tra, chấn chỉnh. Thông thường, phía trước các công trường, rào chắn thi công…, người ta phải đặt biển báo trước đó 1 km, sau đó gắn thêm biển báo liên tục để nhắc lại cho người đi đường biết thêm càng tốt. Hiện nay, khi tới gần công trình mới nhìn thấy biển báo thì đã quá muộn, dẫn tới việc xe quay đầu tìm đường khác đi, dễ gây ùn tắc giao thông, dẫn tới tai nạn…


Biển báo đường nhiều chỗ ngoặt (biển bên trên) không theo thông lệ quốc tế, gây khó hiểu

Rà soát, chấn chỉnh biển báo

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, điều chỉnh những biển báo bất cập, thiếu khoa học mà báo đề cập “mà lẽ ra công việc này phải được các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp thực tế”.

“Chúng tôi đã yêu cầu ban quản lý các khu giao thông đô thị, các quận huyện tiến hành rà soát, chấn chỉnh ngay những biển báo giao thông bất hợp lý, có tính “gài bẫy” người đi đường mà Báo Thanh Niên đã phản ánh và bạn đọc cung cấp. Trên cơ sở đó, CSGT mới tiến hành xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm… Ngoài ra, tôi cũng chỉ đạo đoàn công tác liên ngành 14 (gồm Công an TP, Sở GTVT, ban quản lý các khu giao thông đô thị, các quận, huyện) rà soát lại tất cả biển báo, việc phân luồng, phân làn… trên địa bàn TP, nếu thấy bất cập, không hợp lý thì phải tiếp thu, sửa chữa ngay, để vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa chống ùn tắc giao thông”, ông Tường nói.

Ông Tường cũng nhìn nhận phải tính đến việc lắp đặt các biển báo to, ghi ký hiệu hoặc thông tin rõ ràng, treo trên cao để mọi người dễ dàng nhìn thấy từ xa.

Nhiều cơ quan chức năng làm lơ phản ánh của dân

Liên quan đến những bất cập trong việc lắp đặt biển báo tại TP.HCM, anh Huỳnh Sang, biên tập viên kênh Giao thông đô thị - FM 95,6 mhz (Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM), cho biết qua chuyên đề giao lưu trực tiếp hiến kế giao thông đô thị, mỗi tháng đài nhận được không dưới 300 ý kiến góp ý về sự bất hợp lý của việc phân luồng và các biển báo giao thông. Trong đó, phần lớn phản ánh về sự bất hợp lý của biển báo, như biển báo đặt khuất tầm nhìn, biển báo mờ, cũ, thấp; những đường cấm lại không có biển báo; những khu vực có tiểu đảo cho phép quẹo phải nhưng CSGT vẫn phạt, tình trạng lập lờ khó hiểu ở nhiều tuyến đường về biển báo, về phân luồng, khiến tài xế không biết tuân thủ thế nào cho đúng... Cũng theo anh Sang, sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của thính giả chuyển tới, đài đã tổng hợp chi tiết và chuyển đến các khu quản lý giao thông đô thị thuộc Sở GTVT để kiểm tra, xử lý việc lắp đặt biển báo... “Thế nhưng, chỉ một vài cơ quan như Khu quản lý giao thông đô thị số 1 và số 2 có hồi đáp, dù chưa đều, còn lại các đơn vị khác có vẻ như “lạnh nhạt” thậm chí là tránh né những phản ánh của chúng tôi chuyển đến”, anh Sang nói. 

Minh Nam - Lê Nga 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...