Chỉ mất ít phút theo trục Đông Tây là có thể từ quận 1 chạy vèo tới quận 5, quận 6 rồi bắt với quốc lộ 1A đi về miền Tây. Chặng đường mà nếu đi xuyên nội đô phải mất hàng giờ đồng hồ. Đường rộng, xe chạy ngon cho ta có thời gian để nhìn, và nghĩ chứ ít bị căng thẳng, tránh né hay lầm bầm chửi rủa những đứa chạy ngang tạt ẩu. Nhiều cảm giác mới lẫn lộn khi đi trên cái trục quy hoạch rộng lớn này.
Từ đại lộ Đông – Tây: vui nhiều vì đường thông, sự hứng khởi với cái không khí của sự phát triển nhưng cũng chưa bị đứt mạch với quá khứ nhờ những con đường ngang nhỏ dẫn vào lòng khu nội đô cũ là những con đường ở Chợ Lớn. Một cảm giác thú vị của “sự đi bên rìa” một dòng thời gian xưa cũ để nghĩ về nó.
Khi những nhà quy hoạch không dự liệu cho những nhu cầu thế này thì người dân phải tự để nó phát sinh.
Đại lộ vẫn đeo bên mình dãy phố lổn nhổn những dấu tích. Dãy nhà mái ngói cũ thời Pháp, những căn nhà phố mái bằng thời Mỹ, những cái tên của một thời như nhà thương điên hay nhà đèn Chợ Quán. Bến Bình Đông xưa kia với những đoàn ghe chở thóc từ miền Tây, và rất nhiều cao ốc sừng sững lớn nhỏ. Chút xao xuyến hoài cảm không át đi được những ý nghĩ vẩn vơ khác, những ước ao đầy ảo tưởng về một hình ảnh khác của trục lộ. Vài cái nhà mái ngói lẻ loi đơn độc như những nốt nhạc tiền chiến cất lên một cách yếu ớt, một trục quy hoạch lớn mà cứ phải đeo bên mình những kiến trúc nhỏ lẻ manh mún thật thảm hại. Giá như có được một vệt sâu vào chừng dăm chục mét chạy dài theo nó, mà thôi, có đất làm đường chũng đã mệt nhoài lắm rồi. Nhưng đấy thực ra chỉ là một lời lý giải có tính nguỵ biện của một lối tư duy “cho xong việc”.
Cái vệt giao thông này tất nhiên cũng bứng khỏi đây biết bao nhiêu khu dân cư cũ. Những con người, những cuộc đời xưa cũ ở đây trước kia bây giờ ra sao. Những ý nghĩ liên tưởng miên man chạy suốt dọc con đường, nó dẫn dắt bánh xe lăn về những khu “tái định cư”.
Tái định cư của người nghèo: từ trên cầu Giồng Ông Tố nhìn sang bên kia sông đã thấy một rặng cây và nhiều nóc nhà biệt thự, tất nhiên đây không phải là chỗ ở hiện nay của dân tái định cư thuộc thành phần nghèo. Nhưng ai bảo là trong quy hoạch lúc đầu đấy không thể là “dự trù” cho quy hoạch một khu dân cư cho những người từ những khu vực bị giải toả, đất đổi đất mà. Đi một chặng nữa là gặp khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, một khu tái định cư cho cư dân bị giải toả cho vùng quy hoạch Thủ Thiêm.
Nếu ai luôn mang trong mình nỗi ám ảnh u ám về hình ảnh của những khu nhà tái định cư khi đến đây sẽ hơi bị bất ngờ, ít ra là từ cảnh quan và không khí bên ngoài của một khu nhà ở. Những dãy nhà, con đường, cây cối và khoảng xanh mang hơi hướng của một khu nhà ở cho chuyên gia nước ngoài vào những thập kỷ 80 của thế kỷ trước ở miền Bắc. Một trường mẫu giáo cho con cái những người không nhiều tiền được thiết kế đẹp, những con đường đi bộ dưới bóng cây. Tuy chưa đạt tới độ “cao cấp” nhưng đã có những gì cần thiết cho môi trường sống con người. Những gì là vệ sinh, những tiện nghi sinh hoạt, khoảng xanh để thở, sân chơi nghỉ dưỡng, dù ở mức tối thiểu nhưng đã được nghĩ đến cho cư dân xưa kia và bây giờ vẫn là những người lao động. Những toà nhà có kiến trúc giản dị, vừa vặn, đạt được sự chuẩn mực rất ra tinh thần tái định cư mà không cẩu thả, qua quýt, thể hiện một sự có nghiên cứu và quan tâm đến thẩm mỹ, cả kiến trúc lẫn cảnh quan. Chưa biết bên trong thế nào, có thể còn có những vấn đề của nó, và tất nhiên nội thất của một gia đình bình thường thì sự đủ chỗ cho đời sống, sự sáng sủa, vệ sinh và an toàn cho căn nhà là quan trọng. Cứ để họ sống với sự sắp đặt của mình, nơi không có chỗ cho sự tìm kiếm những góc để chụp hình cho các tạp chí thích sự bắt mắt của nội thất.
Kiến trúc giản dị, với không gian xanh nghỉ ngơi, thư giãn gần gũi với đời sống, tâm lý của cư dân tái định cư.
Môi trường sống tốt thay đổi và cải thiện bản tính và thói quen của con người. Những cư dân ở đây đã thay đổi và làm quen được với khá nhiều thứ trong nếp sinh hoạt, những ý thức chi phối từng hành vi nhỏ nhặt như đổ rác, giữ gìn vệ sinh, hưởng thụ những không gian xanh công cộng, có vẻ như đã văn minh hơn nhiều. Người ta đã nghĩ đến xây dựng nhà văn hoá, thư viện cho cộng đồng dân cư.
Nhưng có một điều cơ bản, rất quan trọng mà những người làm quy hoạch khu dân cư mới chưa nghĩ tới, hay không thể, không có ý thức hoặc không có điều kiện nghĩ tới. Những vấn đề thực chất cho đời sống.
Người ta không có chỗ làm chợ, những con người quen “buôn thúng bán mẹt” không dễ gì ngay chốc lát quen được việc vào siêu thị, hay đi xa mua thức ăn cho bữa ăn đạm bạc mỗi ngày. Họ cần uống những ly càphê rẻ tiền ở ngoài trời nhìn người, họ cần ăn tô hủ tíu giá vừa phải, họ cần mua cân gạo, gói bột ngọt, chai dầu ăn, gói giấy vệ sinh, cây chổi… không có không gian nào dự trù cho những việc đó.
Một số những con người quen với cuộc sống cũ, thói quen cũ, tình cảm cũ không thích cách mà những nhà thiết kế vẽ ra cho họ. Họ không thích ở trong căn hộ trên những toà nhà cao tầng dù có thang máy, họ thích ở nhà thấp dù phải đi bộ lên tầng năm. Có những người được tặng không căn hộ tầng trệt giờ đáng giá bạc tỉ, có thể kinh doanh buôn bán, khi hỏi về cuộc sống bây giờ so với trước kia thời còn ở trên kênh rạch, họ thản nhiên trả lời khi trước sướng hơn, vì ở đấy được là riêng chứ không phải chung cư, rác cứ việc xả xuống sông.
Nên những xe chợ chạy bán rau quả, những xe hủ tíu, vài bàn càphê, những mái hiên vẩy ra ở tầng trệt làm hiệu tạp hoá hay một “tiệm” hớt tóc chỉ là cái ghế và tấm gương gắn đại lên tường ngay sảnh vào dưới chân cầu thang chung, là chuyện như tất yếu.
Đường đi bộ rợp bóng cây, công viên và cao ốc, trường mẫu giáo, điều tưởng như chỉ có ở dự án căn hộ cao cấp thì đã có ở đây, Thạnh Mỹ Lợi, một khu tái định cư rất đáng được gắn lên hàng chữ “một môi trường sống văn minh, nhân bản”.
Thế rồi những xuê xoa của nhà quản lý, cách ứng xử “không nỡ” của chính quyền trước nhiều sự bộc phát như nuôi dưỡng và khuyến khích sự tuỳ tiện trong ý thức con người. Ở không gian chung đã thấy những chuồng gà, bên cạnh là những chiếc xe hơi của những người khá giả mua lại suất nhà của dân tái định cư.
“Người giàu” trong khu tái định cư: không hẳn toàn bộ các cư dân trong các khu nhà ở tái định cư là những người lao động có thu nhập nhấp, lúc đầu chỉ khoảng 20 – 30% và tỷ lệ ấy tăng dần lên, khoảng gần nửa cư dân ở đây là những người mua lại nhà của những người được đền bù giải toả lúc đầu. Những người thu nhập thấp cần tiền và họ cứ dần bán nhà rồi chuyển đến các vùng xa, kiếm một chỗ “tạm cư” khác để lấy chênh lệch, và có chỗ buôn bán vặt hoặc làm ăn. Những cư dân mới là người có thu nhập trung bình khá, dân công chức với đồng lương ổn định và một số cư dân trẻ. Đã thấy một số xe hơi riêng của những chủ nhân các căn hộ ở đây. Họ đã mang đến đây một tinh thần khác, một nếp sống có hơi hướng văn minh hơn, nhưng khép kín hơn. Tính giao tiếp cộng đồng của những người hàng xóm theo từng nhóm có những cách khác nhau. Những căn hộ đóng cửa im lìm từ sáng đến tối là của họ, trong lúc nhóm cư dân kia thường mở cửa thông thống cả ngày và ai cũng có thể nhìn thấy sinh hoạt bên trong cùng những âm thanh, hay mùi vị bay ra từ căn hộ. Ai sẽ tác động đến ai chưa biết, nhưng mỗi nhóm có một phong cách mà hình như bảo là hay dở đều được. Sự văn minh nhưng khá lạnh lùng, đề cao cuộc sống riêng tư của những người trung lưu bên cạnh vẻ xô bồ, bỗ bã tự nhiên, tuỳ tiện nhưng gần gũi nhau của những người kiếm sống tự do hoặc thất nghiệp. Có cách nào để họ tác động đến nhau mà tiến đến gần một sự dung hoà, văn minh mà gần gũi, hồn nhiên mà có một ý thức cộng đồng lịch lãm, và văn hoá hơn.
Những dự án cao cấp vẫn còn vắng bóng người, hoặc chỉ một số ít cư dân là khách thuê của những nhà đầu tư bất động sản. Một số khu tái định cư mà chất lượng quá tệ kiểu “cốt sao có chỗ” để đưa dân nhanh chóng dời khỏi nơi định cư cũ cho hoàn thành việc giải toả đều có rất nhiều vấn đề cần bàn. Riêng những khu tái định cư đáp ứng cho một số đông thuộc các thành phần dân chúng không giàu “sống được” trong đó một cách thoải mái, văn minh và đáp ứng mọi nhu cầu của một đời sống thường nhật, là những mô hình rất đáng quý trong quá trình phát triển đô thị. Đấy mới là một môi trường sống thực sự nhân văn chứ không phải chỉ là khẩu hiệu trên các dòng quảng cáo cho các dự án bất động sản dành cho số ít các nhà đầu tư và đầu cơ.
KTS Tạ Mỹ Dương
- Nhà vô địch” thấy thất bại trong thành công
- Biệt thự chờ lối - thất bại trong khớp nối hạ tầng
- Cốc Thôn giữ nhà cổ
- 70% cao ốc mang tên nước ngoài
- Xóa sổ xích lô?
- Bẫy tại giao lộ
- Kinh tế biển Việt Nam và tư duy “làm ruộng trên cạn”
- Hoa sữa và chuyện quy hoạch đô thị
- Toàn cảnh đô thị mới Hà Nội: Thiếu cân đối và lãng phí lớn
- Nói và làm: Mơ về một Thủ đô không xấu xí