Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Cốc Thôn giữ nhà cổ

Cốc Thôn giữ nhà cổ

Viết email In

Có thể nói Cốc Thôn (Cam Thượng, Ba Vì, Hà Nội) là hàng xóm của làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vì hai địa phương này chỉ cách nhau vài trăm mét. Tuy nhiên, trong khi làng cổ Đường Lâm đã nổi tiếng từ lâu thì Cốc Thôn cũng có những ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi nhưng tới nay vẫn được ít người biết đến.

Nhà cổ trăm tuổi

Trên đường tới thôn Cốc Thôn, tôi đi qua làng cổ Đường Lâm. Lướt qua làng cổ nổi tiếng này thấy quang cảnh rất đẹp, nhưng có cảm giác một số thứ ở đây có phần nào bóng lên, cái bóng lên của sự được chăm chút. Đến khi tới Cốc Thôn, tôi khá bất ngờ trước vẻ mộc mạc ở nơi đây với quang cảnh một làng thuần nông truyền thống với những cánh đồng lúa xanh mướt. Nhưng điều cuốn hút hơn cả tại Cốc Thôn là việc nơi đây vẫn giữ được nhiều ngôi nhà cổ với những lớp ngói ta thâm nâu theo thời gian…

  • Ảnh bên: Bà Lã Thị Du (phải) đang xem nét chạm khắc của ông Nguyễn Bá Tạo

Chị Quách Thị Hồng, cán bộ văn hóa xã Cam Thượng dẫn tôi tới một số ngôi nhà cổ điển hình của Cốc Thôn. Điểm đến đầu tiên là nhà anh Đặng Duy Chinh, ngôi nhà được nhiều người đánh giá cổ nhất thôn. Đó là ngôi nhà rộng 5 gian, 2 dĩ (diện tích bằng một nửa gian, xây liền với nhà, dùng để chứa những thứ lặt vặt trong gia đình), khung gỗ, mái lợp ngói ta, tường hậu xây gạch mộc. Được hỏi về tuổi ngôi nhà, anh Chinh cho biết: “Theo gia phả truyền lại, ước tính ngôi nhà phải được hơn 200 năm. Năm 1971, lúc tôi mới 1 tuổi đã xảy ra đợt lũ lụt lịch sử, ngôi nhà này bị ngập đến một nửa. Sau nghe các cụ kể lại, mặc dù bị ngập trong nước khá lâu nhưng ngôi nhà vẫn không hề gì”. Mãi đến năm 2001, gian cuối nhà bắt đầu xuống cấp, nhưng do nhà nghèo nên gia đình anh Chinh đành để vậy mà không có điều kiện sửa chữa. 10 năm sau, năm 2011, gian cuối mới bị đổ nên anh Chinh đành xây mới gian nhà này, nhưng vẫn giữ những gian còn lại như cũ. “Nếu người không biết mà đứng ngoài nhìn vào, ngôi nhà này trông rất bình thường. Nhưng bên trong vẫn còn lưu giữ lại một số nét kiến trúc nhà truyền thống của người Việt để lại từ hàng trăm năm trước”- chị Quách Thị Hồng cho biết. 

Thuộc loại đẹp nhất trong số nhà cổ ở Cốc Thôn là nhà ông Nguyễn Bá Tạo. Nhà rộng 6 gian, 1 dĩ, khung nhà được dựng bằng gỗ xoan, mái lợp ngói mũi, cửa gỗ kiểu bức bàn, các vì kèo được khéo léo kết hợp với nhau theo lối câu đầu lộn túi. Toàn bộ ngôi nhà được đỡ bằng hệ thống cột 5 hàng chân, tường hậu nhà xây bằng đá ong, vữa đất. Trong nhà, đồ thờ tự như bàn thờ, án gian, hoành phi, câu đối vẫn được lưu giữ nguyên vẹn. Ông Nguyễn Bá Tạo cho biết: “Mẹ tôi, cụ Nguyễn Thị Mẫn, nay đã 84 tuổi kể rằng từ khi về làm dâu đã được bà nội của chồng kể về ngôi nhà, nhưng cũng không thể biết rõ nhà tồn tại được bao nhiêu năm. Cách đây hơn chục năm, có đoàn nghiên cứu tới nhà xem đôi câu đối ở gian giữa có nói với tôi rằng rằng nhà được xây từ thời vua Tự Đức, đến nay được gần 200 năm”. Thấy tôi mải mê ngắm những nét họa tiết được trạm trổ trên hệ thống khung gỗ của ngôi nhà, ông Tạo kể thêm: “Tôi chơi với chủ nhân của một trong những ngôi nhà cổ nhất của làng Đường Lâm, nơi từng được nhiều du khách đến tham quan. Vậy mà có lần vào nhà tôi chơi, ông bạn này ngắm nghía và luận rằng nét chạm khắc của nhà tôi đẹp hơn nhà ông, tuy tuổi thì không bằng. Còn cách đây khoảng dăm năm, có đoàn của Trường Đại học Osaka (Nhật Bản), sau đó là của Trường Đại học Kiến trúc đến nhà để khảo cứu và nhận xét rằng những nét chạm khắc ở nhà tôi rất tinh xảo, độc đáo”.

  • Ảnh bên: Chữ Nho trên câu đầu nhà ông Nguyễn Bá Tạo

Quay lưng với đô thị hóa

Bà Lã Thị Du, Trưởng thôn Cốc Thôn là một trong những người khá am hiểu về hệ thống nhà cổ ở Cốc Thôn. Cha bà trước đây cũng sở hữu một ngôi nhà cổ có giá trị của thôn, nay để lại cho con trai. Bà Du cho biết: Cả thôn có 200 nóc nhà thì có tới 60 ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 100 năm trở lên, trong đó 20 nhà có giá trị đặc biệt cả về niên đại và kiến trúc. “Tôi nghe kể lại, năm xưa để xây được một ngôi nhà như thế này các cụ thường phải mất gần chục năm. Vào mỗi dịp nông nhàn, các cụ thường vào tận rừng sâu trong vùng núi Ba Vì để lựa những cây gỗ tốt nhất, sau đó chuyển về nhà tích trong nhiều năm rồi mới tiến hành làm nhà. Thời gian làm nhà cũng mất một năm, vì thế mới có những ngôi nhà đẹp, chắc chắn đến tận ngày nay. Ngoài việc nhà được dựng chủ yếu bằng gỗ, phần tường hậu thường xây đá ong hoặc gạch mộc; mái võng hình cánh cung, lợp ngói mũi theo lối lợp chen vai, cài cánh, đan xít vào nhau như vẩy rồng”- bà Du cho biết.

Chị Quách Thị Hồng cho biết: “Cách đây hơn chục năm, theo chỉ đạo của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện, xã có tiến hành thống kê số lượng nhà cổ để có kế hoạch bảo vệ. Từ đó đến nay, chỉ có một nhà cổ bị phá để xây mới. Sở dĩ có chuyện này vì chủ nhân ngôi nhà bị phá đã bán cho người khác, rồi chủ mới đã đập đi xây lại”. Tìm hiểu thêm được biết, để đạt được thành quả này trước hết là do ý thức giữ gìn của người dân. Người dân Cốc Thôn hiện chủ yếu sống bằng nghề nông, vẫn giữ tục lệ ăn tiệc làng độc đáo hàng trăm năm nay. Vào dịp hội làng (ngày 17 tháng giêng hàng năm), cả làng lại tắt bếp nhà, tụ tập đông đủ ra đình làng để tế lễ, tưởng nhớ công ơn các bậc sinh thành và cùng ăn cỗ. Khi ăn cỗ, người dân vẫn tuân thủ tục lệ của cha ông là cỗ chỉ có 4 người một mâm, ngồi theo 4 góc. Chính lối sống thuần nông, tuân thủ truyền thống cha ông qua nhiều đời này khiến người dân Cốc Thôn đến nay dường như quay lưng với cơn lốc đô thị hóa, qua đó vẫn giữ được những nếp nhà cổ.

Trước khi về Cốc Thôn, người viết bài này vẫn ám ảnh bởi câu chuyện gần đây có rất nhiều ngôi nhà cổ trên trăm tuổi của làng Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) bị phá trước cơn lốc đô thị hóa. Lý do để người dân Cự Đà phá nhà cổ xây nhà tầng chủ yếu bởi hai lẽ: Nhà ở quá chật chội và có tiền do được đền bù thu hồi đất nông nghiệp. Nay tới Cốc Thôn, thấy người dân không bức xúc về nhà ở do đất rộng, nhưng cuộc sống của họ chủ yếu vẫn còn nghèo. Vậy nếu có tiền, người dân có phá nhà cổ như Cự Đà đã làm? Để trả lời câu hỏi này, tôi đến nhà anh Lã Hữu Nghiêm tìm hiểu. Vừa qua cổng, trước mắt tôi là khoảng không gian rộng được bày la liệt những chậu cảnh kết hợp với bể non bộ sinh thái. Tôi đến cũng vừa lúc mất điện, nhưng anh Nghiêm vẫn thoải mái mời tôi vào ngôi nhà cổ thoáng mát của mình. Anh cho biết, nếu muốn xây nhà mới anh vẫn có đủ đất và sức để xây, nhưng không làm. “Ngôi nhà này vừa là kỷ niệm do các cụ để lại, còn có giá giá trị văn hóa nữa, nếu phá đi chắc gì xây được nhà đẹp hơn”- Anh Nghiêm nói. Nhớ lại lúc trước gặp ông Nguyễn Bá Tạo, cũng được ông bộc bạch: “Nếu muốn xây nhà mới tôi cũng đủ sức làm. Nhưng làm sao mà bỏ đi được khi xưa kia các cụ làm nhà công phu đến thế, nay ở lại thoáng mát đến nhà tây cũng không bằng thì chẳng dại gì mà sống trong nhà khác”.

  • Ảnh bên: Nét chạm khắc phía trần nhà ông Nguyễn Bá Tạo

Cần quan tâm hơn

Qua câu chuyện với chủ những ngôi nhà cổ ở Cốc Thôn, thấy thêm một lý do khiến người dân giữ nhà của mình là có sự động viên của chính quyền địa phương. Các lãnh đạo xã Cam Thượng hiện nay hầu hết là người của xã này nên họ thấu hiểu giá trị văn hóa của hệ thống nhà cổ ở Cốc Thôn. Tuy nhiên, vì chưa có cơ chế nào cho việc giữ gìn này nên mọi việc chủ yếu vẫn là động viên để khích lệ ý thức người dân. Bên cạnh đó, ngay cán bộ xã cũng thấm ý thức này khi họ có điều kiện sống trong nhà cổ, như trường hợp ông Nguyễn Tiến Liên, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Cam Thượng là một ví dụ. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Liên tự hào giới thiệu về lai lịch ngôi nhà của mình: “Kể từ thời ông nội nội tôi đã có ngôi nhà này rồi, còn bố tôi nếu còn sống được hơn 100 tuổi nên có thể nói ngôi nhà này cũng phải tồn tại được gần 200 năm. Tuy nhiên, cách nhẩm tính của tôi cũng như phần lớn chủ nhân những ngôi nhà cổ khác tại địa phương là chỉ dựa vào kinh nghiệm, còn không thể biết tuổi chính xác là bao nhiêu. Điều này chắc chỉ cơ quan chuyên ngành mới làm được”. Cũng theo ông Liên, chính vì những ngôi nhà cổ ở Cốc Thôn tồn tại qua nhiều năm nên đến nay một số bị xuống cấp. Bản thân nhà mình ông Liên cũng phải đảo và thay một số viên ngói bị hỏng. “Hiện nay ở huyện Thạch Thất có vẫn còn cơ sở làm ngói ta, nếu cần thay ngói chúng tôi có thể đến đó mua”- ông Liên cho hay.

Tuy nhiên, tại Cốc Thôn, không phải nhà cổ nào bị xuống cấp chủ nhân cũng có thể sửa chữa ngay được. Như trường hợp nhà anh Đặng Duy Chinh, do nhà quá nghèo nên khi ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi của mình có một gian bị hỏng cách đây chục năm mà không có điều kiện sửa chữa dẫn đến gần đây đã bị đổ. Hoặc ngôi nhà cổ gần 200 tuổi của anh Nguyễn Hồng Công, khi hệ thống cửa đã bị mối mọt rất nhiều mà chưa có điều kiện sửa chữa. Anh Công nói: “Trong tổng số nhà cổ ở Cốc Thôn hiện nay, những nhà cổ vẫn giữ được hệ thống cửa gỗ kiểu bức bàn thế này chưa đến chục cái. Nếu có tiền, tôi sẽ đóng lại y hệt kiến trúc của cửa gỗ này, nhưng chưa làm nổi”. Bên cạnh đó, một số nhà cổ khác cũng bị mối mọt hệ thống xà, cột nhưng chủ nhân cũng chưa thể sửa chữa.

Qua tìm hiểu về câu chuyện nhà cổ Cốc Thôn, có thể thấy dù cấp xã cũng như cấp huyện sở tại ít nhiều đã có sự chú ý đến việc giữ gìn hệ thống nhà cổ ở nơi đây, nhưng để bảo vệ nó về lâu dài vẫn cần sự quan tâm của cấp có trách nhiệm cao hơn. Có ý kiến cho rằng, trong lúc một số cơ quan văn hóa đi xây dựng mô hình làng Việt mới toanh ở đâu đó, thì đáng buồn thay, có những làng Việt cổ, như Cự Đà chẳng hạn vẫn còn nguyên đặc trưng này thì lại chưa được quan tâm đúng mức; để đến nỗi gần đây chính người dân địa phương đã phải gạt lệ phá bỏ những ngôi nhà cha ông họ để lại trước mặt trái của cơn lốc đô thị hóa. Trong tương lai, nếu cơn lốc này thổi mạnh hơn tới những vùng đất xa hơn của Hà Nội thì biết đâu hệ thống nhà cổ ở Cốc Thôn cũng sẽ bị lung lay. Và những nguyên nhân khiến nhà cổ ở Cự Đà bị phá giờ chưa chạm được vào Cốc Thôn thì lúc ấy lại có dịp phát tác?

Kiến Nghĩa

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo