Vẫn còn đó chút cổ kính, nét hoang sơ xưa cũ từng vang bóng một thời giữa Hà Nội phồn hoa và tráng lệ hôm nay.
Muôn hình muôn vẻ
Làng cổ Đường Lâm, làng Cự Đà, làng Cựu hay làng Đông Ngạc... đều là những cái tên đã không còn xa lạ với người dân thủ đô. Đường Lâm toát lên vẻ thanh bình, đơn sơ vốn có của một làng quê Việt truyền thống với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình cho đến điếm canh, giếng nước, chùa miếu và là làng cổ đầu tiên được trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Còn làng Cự Đà, làng Cựu hay Đông Ngạc lại là sự đan xen, hòa lẫn giữa vẻ đẹp xưa và vẻ đẹp cận đại với kiểu biệt thự hai tầng, chạm trổ cầu kỳ, những phù điêu khảm đá hoặc sành sứ, nền nhà được lát gạch hoa được sản xuất ngay tại nước Pháp...
Du khách thập phương đặt chân đến đấy không chỉ tìm được cảm giác thanh bình, khác xa với không khí xô bồ tấp nập của nội thành mà còn choáng ngợp, ngỡ ngàng trước lối kiến trúc hoài cổ pha nét hiện đại.
Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến kiểu kiến trúc tiêu biểu cho sự gặp gỡ, pha trộn giữa Pháp - Việt tại các làng cổ ở Hà Nội. Làng Cự Đà với những kiểu biệt thư Tây được xây cất từ đầu thế kỷ XX. Những lan can đúc bằng sắt, phù điêu phong cách Tây mà vẫn hòa quyện với đôi nét phương Đông...
- Ảnh bên: Nhà cổ ở làng Cự Đà.
Làng Cựu với những ngôi nhà mặt tiền được trang trí hết sức cầu kì, những pho tượng đắp nổi, hoa cúc, chòm nho mọng nước, cột được ốp đĩa tráng men kể tích Tàu, sàn được lát bằng gạch hoa mang về từ phương Tây.
Rồi Đông Ngạc với những ngôi nhà có tuổi đời lên đến 200, đan xen giữa những ngôi từ đường, nhà thờ họ theo lối kiến trúc truyền thống phương Đông là nhiều nhà biệt thự xây đầu thế kỷ XX theo kiến trúc phương Tây.
Tất cả làm nên nét riêng chỉ có ở những ngôi làng cổ của Hà Nội khiến du khách thập phương cứ mỗi lần tìm về lại bồi hồi, ngỡ ngàng rồi nao lòng trước kiến trúc độc đáo, muôn hình muôn vẻ ấy.
Điểm đến thú vị
Điểm tên những ngôi làng cổ của Hà Nội là một công việc không mấy khó khăn. Đơn giản bởi những ngôi làng cổ xưa còn sót lại giữa lòng thủ đô cho đến ngày hôm nay không còn nhiều. Những cổng làng đã rêu phong, những ngôi nhà cổ kính, những biệt thự ngót nghét đến thế kỷ... tất cả vẫn vững chãi đứng đấy như một chứng nhân lịch sử, là điểm đến thú vị cho nhiều du khách.
- Ảnh bên: Văn hóa kiến trúc nhà làng Cựu.
Khi đã quá đỗi quen thuộc và thậm chí là nhàm chán với những thú vui hiện đại, những vẻ đẹp và văn hóa mang hơi thở phương Tây, người ta thường có xu hướng tìm về nguồn cội. Và trong cái nóng nực, chói gắt của mùa hè thì chút thanh bình, hoang sơ của những làng cổ Hà Nội là lưạ chọn hàng đầu cho những ngày nghỉ cuối tuần.
Nhưng, người ta đến đây không đơn giản chỉ để tránh nóng, tìm về với hồn cốt của những làng Việt truyền thống mà còn để tìm lại những khoảnh khắc xưa, gợi nhớ về những kỷ niệm đáng yêu của một thời thơ ấu, với những cây đa, giếng nước, sân đình…
Có thể nói rằng, chính nét đẹp cổ kính được tạo nên từ kiểu kiến trúc pha trộn của các làng cổ trong lòng Hà Nội tạo nên sức hấp dẫn lớn, không chỉ với du khách, mà còn với những người nghiên cứu về kiến trúc và mỹ thuật, những nghệ sĩ và nghệ nhân đến tham quan và tìm cảm hứng.
Hà Nội giờ đây đã đổi mới với nhiều luồng văn hóa Đông Tây đan xen, du nhập. Một Hà Nội ngày càng mở rộng và hiện đại hóa, những cao ốc chọc trời đua nhau mọc lên, đang dần “nuốt chửng” những nếp nhà cổ hàng trăm năm tuổi.
Cần lắm thay sự quan tâm, bảo vệ của tất cả mọi người để những nếp nhà cổ, những ngôi làng Việt truyền thống còn lưu giữ lại được đến mai sau. Hi vọng những giá trị ấy sẽ trường tồn cùng thời gian, đi cùng sự phát triển của đất nước.
Lan Tâm
- Chuyện phố đi bộ ở TP Hồ Chí Minh
- Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: không dễ!
- Phố đi bộ quanh Hồ Gươm, đừng sợ!
- Tách Đà Lạt khỏi Lâm Đồng: Lãng phí hay hướng đi đúng?
- Cắt giảm đầu tư công: Nhìn hiệu quả, lo hậu quả
- Nhà vô địch” thấy thất bại trong thành công
- Biệt thự chờ lối - thất bại trong khớp nối hạ tầng
- Cốc Thôn giữ nhà cổ
- 70% cao ốc mang tên nước ngoài
- Xóa sổ xích lô?