Hà Nội đang có chủ trương xây dựng tuyến phố đi bộ quanh khu vực phố cổ. GS Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đã bình luận về tính khả thi của chủ trương này.
Xin đăng tải toàn bộ ý kiến của GS Nguyễn Thế Bá:
Việc TP Hà Nội chủ trương xây dựng tuyến phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm, sau đó mở rộng ra toàn khu phố cổ là một tín hiệu tốt, thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc chỉnh trang đô thị, đặc biệt là lưu giữ, cải tạo khu phố cổ. Tôi rất hoan nghênh chủ trương này.
Thật ra, phố đi bộ khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Ở ta cũng đã bước đầu thí điểm mô hình này. Ví như dịp Đại lễ, Hà Nội cũng tổ chức những tuyến phố đi bộ. Thế nhưng, điều đó vẫn là chưa đủ.
Sở dĩ chưa tạo ra những tuyến phố đi bộ chuyên biệt như vậy là do chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức ngay từ ban đầu trong khâu quy hoạch đô thị. Chúng ta cũng chưa nghiêm khắc trong việc quản lý, dẫn đến tình trạng lộn xộn, phá vỡ quy hoạch như hiện nay. Cái đó là một điều đáng tiếc và cần được nghiêm túc nhìn nhận.
Riêng với khu phố cổ, việc sắp xếp, quy hoạch lại càng đòi hỏi sự chặt chẽ, sát sao hơn. Bởi khu phố cổ của chúng ta không đơn thuần là một khu dân cư mà nó còn mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử. Nhà nước cũng như thành phố đã quan tâm tới việc bảo tồn khu phố này từ mấy chục năm nay rồi mà chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu, chưa thể biến nó thành khu phố đặc trưng. Chúng ta còn thiếu tầm nhìn trong khâu nghiên cứu, quy hoạch, khai thác triệt để những khả năng của nó.
Do vậy, tôi cho rằng, việc quy hoạch phố cổ thành những khu phố đi bộ như thế này dù chậm nhưng hết sức cần thiết. Đó là giải pháp hợp lý nhất trong quy hoạch đô thị và hoàn toàn phù hợp với thực tế, vì nếu chúng ta không làm thế thì khu phố cổ sẽ mãi chỉ là khu phố đông dân cư đơn thuần mà thôi.
Có điều, bây giờ làm thì sẽ gặp phải không ít những khó khăn do mật độ dân cư trong khu phố này rất cao, giao thông ở đó cũng lộn xộn. Thêm vào đó, sẽ rất khó để người dân sống trong khu đó làm quen với việc phải gửi xe ở một nơi cách xa nhà cả trăm mét để về nhà. Thế nhưng, đừng vì thế mà sợ. Thành phố phải có tư tưởng chỉ đạo thông suốt, rõ ràng, để người dân thấy rằng, việc gửi xe như vậy có ích cho họ, thay vì họ phải lưu thông trên những tuyến phố bị tắc thường xuyên vào giờ cao điểm, phải hứng chịu khói bụi, tiếng ồn, vất vả lắm mới về được đến nhà.
Muốn làm được điều đó thì các nhà quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, giao thông, văn hóa phải cùng ngồi lại để đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp. Phải tính toán đến bãi đỗ xe như thế nào, ở đâu cho hợp, tính đến hạ tầng cơ sở, môi trường cho người đi bộ, tổ chức phân luồng giao thông... Nghĩa là, chúng ta phải giải quyết rất nhiều vấn đề vì nó không chỉ là việc đi bộ. Bởi nếu vậy thì chỉ cần tổ chức những đêm đi bộ quanh hồ Gươm là được rồi. Vấn đề cốt lõi là phải tổ chức cuộc sống mới ở đó và loại hình giao thông đi bộ là chính.
Tôi tin với một chủ trương đúng như thế, cộng thêm với sự quyết tâm, có phương án triển khai tốt, chặt chẽ thì sẽ hoàn toàn khả thi. Và người dân cũng không có cớ gì để phản đối, khi mà họ hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình. Nếu anh không muốn đi bộ về nhà trong khu này thì anh có thể bán cho Nhà nước hoặc cho người khác, còn đã sống trong khu đó thì phải tuân thủ thôi.
Thanh Vũ (ghi)
- TP.HCM: thêm nhiều tòa nhà vươn tầm cao
- Những “cái làng” trong khu đô thị mới
- Vỉa hè - nơi không gian bắt đầu
- Chuyện phố đi bộ ở TP Hồ Chí Minh
- Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: không dễ!
- Tách Đà Lạt khỏi Lâm Đồng: Lãng phí hay hướng đi đúng?
- Cắt giảm đầu tư công: Nhìn hiệu quả, lo hậu quả
- Làng cổ Hà Nội: Nét xưa yêu dấu
- Nhà vô địch” thấy thất bại trong thành công
- Biệt thự chờ lối - thất bại trong khớp nối hạ tầng