Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Vỉa hè - nơi không gian bắt đầu

Vỉa hè - nơi không gian bắt đầu

Viết email In

Đã có rất nhiều đề tài nói về vỉa hè, từ các bài báo đến những thuớc phim và hàng vạn các cuộc triển lãm ảnh. Do đó lại viết tiếp tục về vỉa hè là một thử thách. Tuy nhiên bài viết này cũng chỉ sẽ là những lát cắt rất ngẫu nhiên về vỉa hè.

Hãy cùng nhau tưởng tuợng vỉa hè như là một dải luạ dài vô tận trải dài và kết nối hàng nghìn con đường và những không gian đô thị lại với nhau. Trong khi những con đường dẫn dắt các phương tiện đi đến nơi cần phải tới thì vỉa hè lại lại đẩy đưa con người đến những góc không gian đô thị khác nhau. Chúng không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm kết thúc. Nó bắt đầu từ nơi chúng ta đi và kết thúc tại nơi chúng ta chấm dứt hành trình.



Tôi không biết vỉa hè hình thành tự bao giờ. Có lẽ nó hình thành từ khi con người bị “lấn át” bởi phương tiện vận chuyển có bánh, mà bắt đầu từ xe ngựa. Có lẽ thế. Chính từ lúc ấy con người cảm thấy bất an và cảm thấy bị thống trị. Sự phân chia rạch ròi bắt đầu từ đó. Con người đã “nhường” lại một phần không gian đô thị của chính mình cho phương tiện giao thông có bánh. Một sự “nhường nhịn” mà mãi đến tận ngày nay, con người vẫn cảm thấy tiếc nuối và vẫn luôn khát khao “giành” lại những không gian đã mất. 

“Sức khoẻ” và sự “tiến hoá” của kinh tế đô thị phản ánh rất rõ ở vỉa hè. -Chính tại nơi đây, mọi hoạt động mua bán, giao thương bắt đầu. Nhộn nhịp hay eo sèo. Sung túc hay nghèo nàn. Tất cả đều bộc lộ ra bộ mặt của những công trình, nơi giao tiếp với vỉa hè. Con người giao tiếp với không gian kiến trúc, ngắm nhìn các sản phẩm bên trong những cửa hàng hoặc ghé ngang vào một không gian thương mại nào đó.

Sự hình thành vỉa hè tại Sài gòn chắc cũng không khác mấy so với sự phát triển của nó tại các phần khác của thế giới. Từ khi đô thị bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam cũng chính là lúc những con người thuộc về nền văn minh lúa nước phải từ bỏ thói quen đi lại tự do thoải mái giữa thiên nhiên. Họ phải di chuyển trên những phần không gian chật hẹp được định sẵn, phải thuộc lòng và tuân thủ những quy ước giao thông kể cả những quy ước giao tiếp với nhau nơi chốn đô thị. 

Có lẽ tôi sẽ kể về vỉa hè tại Sài Gòn theo 3 phần thời gian khác nhau do tôi tạm phân loại : thời cổ điển, thời lãng mạn, và thời hiện đại. Nó tương tự như sự phân loại về dòng thời gian trong lịch sử âm nhạc và, trong bài viết này, không gắn liền với một mốc lịch sử nào quan trọng cả.

Thời “cổ điển”

Đây là thời kỳ mà cư dân đô thị Sài Gòn biết đến vỉa hè và làm quen với việc sử dụng nó. Họ phải làm quen với những “quy ước giao tiếp và tương tác đô thị” do phương Tây “đem vào”. Phải thực sự nhìn nhận rằng những “quy ước giao tiếp đô thị” này là những giá trị tiến bộ của phương Tây đem lại. Người dân Sài gòn hình thành thói quen đi bộ trong đô thị. Họ cần vỉa hè và đô thị Sài Gòn non trẻ cũng cần vỉa hè để hình thành nên những hoạt động giao thương và cá tính đô thị.

Vỉa hè thời kỳ này rất đơn giản. Vật liệu vỉa hè và các vật dụng đường phố (đèn đường, ghế đá, thùng rác, trạm xe bus...) cũng rất ít và đơn sơ. Có lẽ thứ phong phú duy nhất của vỉa hè thời này đó chính là cây xanh đường phố. Nó tạo nên những con đường và vỉa hè có những cá tính khác nhau. Đó chính là những cảm xúc đô thị mà mỗi người sẽ tìm thấy nơi những con đường mà mình ưa thích.

Thời “lãng mạn”



Vỉa hè trong thời kỳ này phần nào kế thừa được một số cá tính đô thị của thời kỳ trước. Những tuyến đường trung tâm thành phố vẫn gìn giữ được những tỷ lệ không gian đô thị nhỏ xinh và đầy cá tính. Và vỉa hè thật sự vẫn còn là những không gian thân thiện dành cho người bộ hành khi dân số và phương tiện giao thông cơ giới chưa thật sự bùng nổ. Tôi vẫn nhớ những con đường chỉ toàn là cây me với vỉa hè rộng hoặc những con đường phượng vĩ. Đó chính là những không gian thân thiện mà cư dân đô thị có thể thong dong. Và cũng chính những đặc tính đó đã là nguồn cảm hứng cho một thế hệ văn nghệ sỹ với những bài hát và bài thơ lãng mạn.

Tuy nhiên ở những khu dân cư mới hình thành trong thời kỳ này, cho dù theo quy hoạch hay tự phát, vỉa hè thật sự bị bỏ quên. Vỉa hè chật hẹp, rất chật hẹp và thậm chí không tồn tại. Vật liệu rẻ tiền và không bền. Bề mặt vỉa hè nhấp nhô và không đồng nhất giữa các công trình kiến trúc. Yếu tố thiên nhiên duy nhất gắn liền với vỉa hè là cây xanh cũng bị loại trừ hoặc bị giảm thiểu. Cây xanh không có đủ không gian đất để phát triển xanh tươi và đúng theo chiều cao tự nhiên. Không gian vỉa hè đô thị thật sự bị chèn ép bởi kiến trúc và đường giao thông. Cư dân đô thị, vốn dĩ đã mất những không gian đô thị từ xa xưa, nay lại càng lạc lõng thêm trong chính không gian của mình. Những yếu tố đó đã làm cho tỉ lệ không gian phố thị bị méo mó.

Thời “hiện đại” 



Kinh tế bùng nổ. Số lượng phương tiện giao thông, đặc biệt là xe gắn máy,  sinh sôi như tế bào ung thư. Dân số tăng và đổ dồn về đô thị. Tất cả đều gia tăng áp lực lên không gian vỉa hè. Nó đã không theo kịp với sự trương nở tốc độ của đô thị và ngày càng bị thu hẹp. 

Nền kinh tế “mặt tiền và bám trục đường” đã phá hỏng hoàn toàn bộ mặt phố thị. Vỉa hè trở thành nơi đậu xe máy của các cửa hàng, nhà hàng. Vỉa hè cũng trở thành quán nhậu. Vỉa hè cũng trở thành nơi chất chứa hàng hoá. Thậm chí khi kẹt xe, vỉa hè trở thành đường giao thông tự phát cho xe gắn máy. Có lẽ, một lần nữa, con người tự “dâng hiến” chút không gian đô thị còn lại cho giao thông cơ giới.

Tuy nhiên cũng có những nổ lực để giành lại những không gian đẹp đẽ cho con người. Vỉa hè thành phố cũng trải qua biết bao đợt “thay da đổi thịt” vật liệu bề mặt nhằm phù hợp với vị thế kinh tế của thành phố, cho dù có những vật liệu hoàn toàn không phù hợp. Cũng có những nỗ lực mở rộng vỉa hè thành không gian đi bộ hoàn toàn, cấm hoàn toàn giao thông cơ giới.

Trong những nỗ lực gần đây nhất, cây cỏ và hoa đã được trồng lại trên nhiều tuyến đường nội đô. Những không gian vỉa hè thân thiện phần nào hiện diện lại trong lòng đô thị Sài Gòn. Người Sài Gòn bắt đầu có lại thói quen đi bộ, thong thả và ung dung. Những vỉa hè xanh tươi không chỉ cải thiện vẻ đẹp thân thiện của đô thị mà còn giúp ích môi trường trong việc cải thiện chất lượng không khí cũng như giúp thu hồi nước mưa cho mạch nước ngầm một cách tự nhiên.

Vỉa hè, phần hồn của phố thị, là một phần không gian sống không thể thiếu trong tổng thể của một đô thị. Vỉa hè vừa chứa đựng chính chất không gian công cộng nhưng cũng phần nào mang tính riêng tư. Việc sử dụng vỉa hè có thể làm đẹp thêm nét văn hoá đô thị hoặc làm xấu đi rất nhiều. Nó thể hiện rõ bản chất của con người khi sử dụng vỉa hè : chia sẻ hay chiếm hữu, rộng lượng hay hẹp hòi.

Để kết luận, tôi hy vọng thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm nhiểu vỉa hè đẹp, xanh tươi và thân thiện để cư dân có thể quên đi chiếc xe máy và những phiền toái của kẹt xe, để mọi người có thể thong dong, để không gian đô thị thật sự là một nơi đáng để sống mà không đua chen.

Ths.KTS Trần Thái Nguyên - Công ty SYNTAX Planning.Design

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo