Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Chuyện phố đi bộ ở TP Hồ Chí Minh

Chuyện phố đi bộ ở TP Hồ Chí Minh

Viết email In

Chậm rãi, đó là cái thứ mà ta đã quên bẵng đi bao lâu nay. Người ta bị kiệt sức bởi sự tăng tốc kéo dài, vô hạn độ khiến con người choáng váng trong các đô thị. Người ta nháo nhào chạy vội theo những điều vớ vẩn và tự cho rằng đó là những điều không-thể-thiếu-được và làm nên giá trị cuộc sống. Để rồi khi ngoảnh đầu nhìn lại, chỉ thấy đối diện với những ký ức buồn tẻ. Mà theo tôi, thứ quý giá nhất của đời người, có chăng, chính là ký ức.

Anh bạn tôi ở Hội An, kể rằng cậu con trai 5 tuổi của anh ngày nào cũng hỏi: “Đã đến cuối tuần chưa ba?”. Hỏi thì cháu bảo bởi vì vào ngày ấy, không có xe máy, cháu qua đường không phải vội vã nhìn trước ngó sau. Cũng như cháu, thứ làm du khách mê đắm ở phố Hoài, trước hết là được bình an dạo gót trên những con phố lát đá cổ để được sống chậm. Và tôi, mỗi lần quày quả trở về phố Hội hồn rêu để được nhẩn nha tản bước, tôi lại ước vọng chuyện phố đi bộ ở thành phố Hồ Chí Minh sớm thành hiện thực.

Điểm nhấn của phố tây

Khu phố tây ở thành phố Hồ Chí Minh trải dài qua các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Không khí nhộn nhịp không chỉ diễn ra ở mặt tiền mà còn lan vào tận các hẻm nhỏ với đầy đủ dịch vụ du lịch từ lưu trú, lữ hành, ăn uống, bán hàng lưu niệm, internet, cho thuê xe máy đến giặt ủi.

Con hẻm đặc trưng nhất của khu vực này là hẻm số 40, đường Bùi Viện, nằm ở trung tâm phường Phạm Ngũ Lão, nơi được mệnh danh là phường du lịch của thành phố Hồ Chí Minh. Hẻm này khá nhỏ, rộng chỉ từ 3-3,5 m, dài trung bình từ 100-120 m, thông từ đường Bùi Viện sang đường Phạm Ngũ Lão.

Hẻm hình thành từ trước giải phóng, nhưng theo nhiều người dân thì khoảng năm 1995, 1996 mới bắt đầu có những người đầu tiên xây phòng cho thuê. Sau đó, nhiều nhà trong hẻm làm theo. Họ vay vốn ngân hàng nâng cấp nhà, mua sắm trang thiết bị để cho khách thuê.

Theo ghi nhận của chúng tôi, có đến 95% hộ gia đình kinh doanh dịch vụ. Bên ngoài mặt tiền đường Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão có dịch vụ gì thì ở trong hẻm 40 cũng có thứ ấy. Có thể xem đây là con hẻm làm dịch vụ du lịch thuần nhất và đông đảo nhất của Sài Gòn.

Vào những năm 1999-2000, ngoài dịch vụ cho thuê phòng trọ rất phát đạt, trong hẻm cũng bắt đầu xuất hiện thêm nhiều dịch vụ khác ăn theo khách du lịch như: cho thuê xe gắn máy, giặt ủi cao cấp, bán hàng lưu niệm, quán ăn, quán giải khát, dịch vụ lữ hành, thậm chí có cả hàng cơm bình dân phục vụ khách tây ba lô. Lượng khách ngày càng tăng thì số lượng và chất lượng của các loại hình dịch vụ cũng ngày một nâng lên. Hẻm số 40 đường Bùi Viện cho thấy sự nhạy bén của người dân Sài Gòn trong nền kinh tế thị trường.

Lưu lượng khách nước ngoài qua lại, lưu trú, sử dụng dịch vụ ở hẻm số 40, đường Bùi Viện hàng ngày rất lớn nhưng hẻm từ khi hình thành đến nay, nơi này chưa được cải tạo để tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Từ trăn trở đó, kiến trúc sư Nguyễn Minh Hưng đã đề xuất ý tưởng cải tạo, gây sự chú ý cho du khách bằng cách:

- Hệ thống chiếu sáng ban đêm.

- Tạo thêm những khoảng xanh trong con hẻm nhằm làm dịu bớt các khối bê tông của các nhà cao tầng.

- Cải tạo và làm đẹp mặt đường hẻm cho phù hợp với cảnh quan mới.

- Cải tạo cách trang trí và cách treo bảng hiệu của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong hẻm để tạo sự thống nhất và bản sắc.

- Trục đường đi bộ dạo phố và mua sắm cho du khách.

Theo đó, tháo gỡ toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng đèn neon hiện tại. Lắp trụ đèn trang trí mới, đồng nhất (trụ đèn bằng sắt, cao 3 m), bố trí khoảng cách trung bình 10 m/trụ. Ánh sáng của đèn là màu vàng để tạo ra vệt sáng đồng nhất cho hẻm. Phương án chọn mẫu đèn cho hẻm được thiết kế dựa trên ý tưởng Những ngôi nhà vàng. Ánh sáng vàng phát ra từ những ngôi nhà nhỏ cách điệu, lược giản, tạo những điểm sáng, tập hợp những điểm sáng này tạo thành một vệt sáng vàng, là hệ quả của sự cộng hưởng, điều này đem lại sự thu hút rất tốt, cảnh quan về đêm của hẻm sẽ được tôn lên rất nhiều. Vật liệu sử dụng chủ yếu là gốm và sắt, tương đối kinh tế, gần gũi và có độ bền cao. Việc đưa ra một loại đèn trang trí cho hẻm, bố trí đều hai bên, thống nhất về mẫu mã, màu sắc và ánh sáng sẽ tạo ra một tổng thể chiếu sáng có sự cộng hưởng, có tiết tấu và đồng nhất. Nắp chụp đèn là một mái hình gốm mỹ thuật tạo thêm vẻ đẹp cho trụ đèn. Vào dịp lễ, tết, có thể dùng những dây đèn màu kết nối giữa các trụ đèn lại với nhau để tạo thêm điểm nhấn ánh sáng cho con hẻm.

Song song với phủ ánh sáng vàng là tăng cường màu xanh cho hẻm. Hẻm hẹp nên không thể trồng cây hoặc đặt chậu kiểng ở mặt đường. Vì vậy, chậu hoa kiểng sẽ được gắn trên các trụ đèn nhằm tận dụng không gian, tạo sự đồng nhất về màu xanh khi nhìn từ bên ngoài. Chậu gốm mỹ thuật có thể được lựa chọn để gắn lên các trụ đèn. Cây xanh sẽ là các loại dây leo dễ trồng, dễ chăm sóc. Có thể thay thế các chậu dây leo này bằng các chậu hoa vào dịp lễ tết hoặc định kỳ theo mùa.

Xây dựng cổng chào ở hai đầu hẻm. Cổng được chiếu sáng bằng hệ thống đèn màu và trang trí cây xanh, hoa dưới chân. Vật liệu xây dựng cổng có thể dùng gạch xây trang trí.

Thiết kế cổng di động để ngăn xe máy, tạo ra khu phố không động cơ vào ban đêm.

Cổng di động được đặt trên các bánh xe kéo cơ động để mỗi tối có thể kéo ra đặt ở cổng chào ngăn xe máy vào hẻm. Trên cổng di động được trang trí những chậu cây, hoa kèm theo bảng “phố không động cơ”. Vào buổi tối, nên từ 17 h trở đi, người dân và du khách khi ra vào hẻm sẽ tắt máy, dắt bộ hoặc gửi xe ở điểm trông giữ xe của thanh niên xung phong ở công viên 23-9. Ban đầu, có thể thử nghiệm phố không động cơ vào hai ngày cuối tuần, về sau, cần phải làm thường ngày để tạo sự yên bình cho con hẻm mỗi khi chiều buông.

Ngoài ra, việc thiết kế mẫu bảng hiệu cho các cơ sở kinh doanh trong hẻm đồng nhất về kiểu dáng, kích thước, độ cao treo cũng được chú trọng. Theo tính toán, để điểm trang cho hẻm này, mỗi gia đình chỉ cần đầu tư chừng hai triệu đồng.

Một con hẻm ở khu phố tây từ lâu cũng là điểm đến của đông đảo du khách là hẻm số 175, đường Phạm Ngũ Lão. Hẻm này rộng rãi và thông thoáng, các hộ kinh doanh đã rất chấp hành để xe thẳng hàng ngay lối sát vào phía mép tường cửa hàng, dành phần lòng đường cho người và phương tiện qua lại. Bây giờ chỉ cần UBND phường Phạm Ngũ Lão ra quy định cấm phương tiện lưu thông nữa là có một hẻm bình yên cho khách bộ hành.

Đây là con hẻm kỳ lạ và rất thú vị. Ở đây có quán Margarita bán đồ ăn rất ngon, đặc biệt là Pizza và mì Ý hải sản đút lò! Trong lúc đợi thức ăn, bạn có thể nhàn nhã chọn cho mình những món đồ trang sức nhỏ nhỏ, xinh xinh với mặt bằng đá. Đủ các loại đá, từ rẻ tiền cho đến rubi trị giá hàng chục triệu đồng vì chủ quán là dân khai thác đá quý, một doanh nhân thành đạt mà trông lùi xùi như ông lão xe ôm, đặc biệt là cực kỳ thân thiện.

Đối diện Margarita là hai quán cơm chay rất đông khách vào ngày thường, còn rằm thì đấy chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kẹt xe toàn khu hẻm! Một là quán Cây Đề có từ lâu đời, còn một là của anh chủ Margarita mới mở. Cả hai quán đều rất ngon lành.

Chạy xuống vài căn nữa là Le Pub, cái bar be bé, không nhạc xập xình ồn ào, không có những em gái èo ẹo... Rất nhẹ nhàng và dễ thương. Bạn có thể vừa uống nước, vừa chơi domino, tú lơ khơ. Không chỉ có chỗ ăn ngon, chỗ uống tốt, điều thú vị của hẻm số 175, đường Phạm Ngũ Lão là mỗi lần đến tôi đều cảm thấy rất thoải mái. Mỉm cười, gật đầu chào với mọi người rồi sau đó là tha hồ ăn, uống, ngồi ngả ra ghế chuyện trò, tất cả từ chủ đến khách đều rất thân thuộc. Nate Rice, du khách người Mexico, ngồi với tôi đêm qua ở cái bàn dài ngoài hiên cứ hứng chí mãi vì vừa uống bia Sài Gòn vừa được nghe tiếng chuông, mõ và tụng kinh của các tăng ni, phật tử chùa An Lạc. “Đúng là chưa đi đã nhớ”, anh dí dỏm.

Khu phố tây còn nhiều hẻm, nhưng đặc sắc nhất, theo tôi, chính là hai con hẻm kể trên. Mọi điều kiện đều hội đủ để tổ chức phố đi bộ, phố không động cơ.

Chiều buông trên đường Nguyễn Huệ

Từ tết Giáp Thân 2004 đến nay, đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành một sản phẩm văn hóa, du lịch của thành phố Hồ Chí Minh. Phát huy thế mạnh ấy, từ cuối tháng 1/2010, Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất chủ trương của UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc chọn đề án đường Nguyễn Huệ làm phố đi bộ.

Theo đề án, 2 lòng đường xe tổng hợp của đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1 (từ vỉa hè đến hàng cây cau của mỗi bên) đoạn từ ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi đến hết đường Nguyễn Huệ, sẽ là tuyến dành cho người đi bộ. Còn lòng đường chính Nguyễn Huệ, vẫn lưu thông bình thường như hiện nay, nhưng không làm nơi đỗ xe cho phố đi bộ.

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Tổng công ty du lịch Sài Gòn làm chủ đầu tư lập dự án xây dựng khu phố đi bộ có khai thác tầng hầm thương mại trên trục đường Nguyễn Huệ và dọc bờ tây sông Sài Gòn. Dự án này gồm hai giai đoạn. Giai đoạn một, sẽ tổ chức thí điểm phố đi bộ tại lại trục đường Nguyễn Huệ không có xe cơ giới lưu thông (có bố trí điểm giải trí văn hóa, có các cửa hàng mua sắm dọc theo trục đường từ ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi đến ngã ba Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng). Thời gian hoạt động của Khu phố đi bộ: 2 ngày/tuần (thứ bảy và chủ nhật) từ 18-24 h. Giai đoạn hai, sẽ triển khai đầu tư xây dựng hai tầng hầm kinh doanh thương mại phía dưới trục đường Nguyễn Huệ.

Dự kiến, phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng sẽ kết nối liên hoàn với khu vực ẩm thực chợ Bến Thành và khu vực mua sắm đường Đồng Khởi cũng như các trung tâm thương mại lân cận. Cuối tuyến phố đi bộ sẽ dẫn đến khu vực công viên bờ tây sông Sài Gòn (bến Bạch Đằng).

Khi xây dựng thành phố đi bộ, vỉa hè hai bên đường Nguyễn Huệ sẽ được mở rộng; hệ thống cáp diện, viễn thông sẽ được hạ ngầm; một số loại cây xanh đặc trưng cho vùng đất phương nam sẽ được trồng hai bên đường; hệ thống chiếu sáng được tổ chức lại gồm cả chiếu sáng công cộng và chiếu sáng nghệ thuật.

Tại  đây, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức trên phố vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Khi đó, phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ trở thành một không gian du lịch, vui chơi, giải trí, mua sắm sang trọng, hiện đại. Tiếc là nâng lên đặt xuống đã lâu mà du khách và người dân thành phố Hồ Chí Minh mãi chưa được thong thả dạo gót trên đường Nguyễn Huệ mỗi lúc chiều buông.

Là thành phố lớn nhất nước, dân số 7,2 triệu người và hơn 3 triệu du khách viếng thăm hàng năm, nhu cầu về các điểm vui chơi giải trí của thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn. Tổ chức được những hẻm đi bộ ở khu phố tây cũng như đường đi bộ Nguyễn Huệ chắc chắn sẽ tạo những khoảng lặng cuốn hút cho đô thị./.

Tại 4 con đường: Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu, người ta chỉ phân biệt được giờ giấc là quá nửa đêm khi nhìn hóa đơn tính tiền ăn uống bị cộng thêm 20% chứ lúc nào đường sá cũng tấp nập, chả cứ đêm ngày. Có cả thảy 85 dịch vụ lữ hành xuất phát từ đây. Mỗi ngày khu ngã tư quốc tế này đón trung bình 5.000 khách. Toàn khu có 527 khách sạn. Phường Phạm Ngũ Lão đạt kỷ lục đóng thuế năm 2007 với hơn 100 tỉ đồng, tương đương GDP của một tỉnh nghèo, là nhờ phần lớn nguồn thu từ các dịch vụ ở khu này.

Ở đây chẳng thiếu dịch vụ gì từ miếng ăn, ngụm nước đến thuê phương tiện đi lại, ngủ nghỉ. Khảo sát của Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh từ 333 du khách nước ngoài ở phố tây, điều họ thích nhất là người dân thân thiện; ghét nhất là tình hình giao thông lộn xộn và tệ bán hàng rong; chi tiêu bình quân khoảng 66 USD/người/ngày. 

Thanh Lâm 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...