Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Hoa sữa và chuyện quy hoạch đô thị

Hoa sữa và chuyện quy hoạch đô thị

Viết email In

Trong quy hoạch và thiết kế đô thị, tiêu chuẩn an toàn và tiện ích được ưu tiên trước nhất và quan trọng nhất, còn thẩm mỹ (cái đẹp) đứng sau cùng.

Trước hết phải có chỗ ở, có nước sạch, có nhà vệ sinh đã rồi mới nói đến chuyện nhà đẹp. Phố phường cũng thế, nếu cái gì cũng đẹp, bóng bẩy mà không an toàn, không tiện ích, không “xài” được thì đẹp trở nên thừa, và “xấu xí”. Cố nhiên sẽ là tuyệt hảo nếu cùng lúc một công trình thực hiện được nhiều chức năng theo kiểu “hai trong một”, “ba trong một” như sử dụng, tiện ích, thẩm mỹ, nhưng nếu buộc phải lựa chọn thì người ta ưu tiên an toàn và tiện ích lên trước. Trong chuyện trồng quá nhiều một loại hoa gây mùi khó chịu cho dân Trà Vinh rơi vào trường hợp này.

Ngoài khuôn viên của công sở, gia đình ra thì tất cả phần còn lại được coi là không gian chung. Không gian này do nhà nước sử dụng và quản lý, tuỳ theo từng công năng mà giao cho một, hai bộ phận chuyên trách khai thác, quản lý nhắm tối đa hoá lợi ích của quốc gia và của người dân. Tuy nhiên trên thực tế không phải bao giờ lợi ích của người dân và cơ quan công quyền cũng trùng khớp lên nhau mà có khi có cả sự mâu thuẫn, xung đột. Để giảm thiểu thấp nhất những trường hợp khó xử xảy ra, xã hội có những yêu cầu rất chặt chẽ về trách nhiệm và đạo đức với những người có quyền sử dụng và quản lý những không gian chung đó có thể bằng luật, hoặc những quy định ràng buộc để anh không thể muốn làm gì cũng được. Việc trồng một cây xanh, một cột điện, cấp giấy phép treo một biển quảng cáo, làm bờ kè sông cần phải được tính toán và cân nhắc sao cho chúng thực hiện được những công năng tiện ích mà không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Điều này đòi hỏi các cơ quan, và các cá nhân có chức năng tham mưu ra chính sách phải có kiến thức, sự hiểu biết, có tầm nhìn không chỉ hôm nay mà còn nhiều năm sau nữa. Trong những trường hợp vượt qua khả năng thì cần phải tham khảo ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, của công chúng thông qua trưng cầu dân ý, triển lãm đề án… Chính những hình thức này giúp cho cơ quan công quyền tránh sai sót, giảm thiểu rủi ro khi ra quyết định, cho dù quyết định đó được ra đời với mục đích phục vụ nhân dân.

Những ai sống ở Liên Xô vào những năm 1970 – 1980 ở Matxcơva đều biết một câu chuyện có thật, vào thời chiến tranh lạnh, để cải thiện bầu không khí căng thẳng, các quan chức Nhà Trắng của Mỹ đã tặng cho chính quyền thành phố Matxcơva một loại cây xanh có tốc độ phát triển cực nhanh, chỉ sau vài năm đã phủ khắp các công viên, các trục đường và mọc thành rừng, nhưng không ngờ đấy lại là một thảm hoạ. Cứ đến mùa hè những cây này thả ra khắp thành phố dày đặc những đám bụi bông màu trắng như tuyết gây ngạt thở, khó chịu, cuối cùng chính quyền thành phố phải huy động một chiến dịch triệt hạ trong nhiều năm trời mới xong.

TS Nguyễn Minh Hoà

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...